Quý I, Hà Nội đưa vào thực hiện rà soát, đánh giá 382 thủ tục hành chính

UBND thành phố Hà Nội đã có Báo cáo số 83/BC-UBND về công tác cải cách hành chính (CCHC) quý I/2021 của thành phố Hà Nội.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Theo đánh giá, quý I, công tác CCHC của thành phố tiếp tục được xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm nhằm thực hiện hiệu quả chủ đề công tác của thành phố: “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”. Đáng chú ý, UBND thành phố đã đưa vào thực hiện rà soát, đánh giá 382 TTHC, trong đó lĩnh vực tài chính: 53 TTHC, Kế hoạch - đầu tư: 120 TTHC, Giáo dục - đào tạo: 82 TTHC, Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất: 62 TTHC, Ngoại vụ: 9 TTHC, Xây dựng: 56 TTHC. Qua rà soát, đánh giá kết quả có 87 TTHC được đề xuất đơn giản hóa, đạt tỷ lệ 22,7%.

Trên cơ sở kết quả rà soát, thành phố đã thực hiện công tác chuẩn hóa TTHC và thực hiện công bố TTHC. Trong quý I, UBND thành phố đã ban hành các quyết định công bố về TTHC, cụ thể: Công bố danh mục 3 TTHC lĩnh vực lâm nghiệp; công bố danh mục 18 TTHC lĩnh vực NN&PTNT thuộc thẩm quyền giải quyết của SNN&PTNT, UBND cấp huyện, UBND cấp xã trên địa bàn thành phố.

Đến nay, thành phố có 1.880 TTHC, trong đó các Sở, cơ quan tương đương Sở 1.506 TTHC; cấp huyện 268 TTHC; cấp xã 106 TTHC. Số lượng hồ sơ tiếp nhận trên Cổng dịch vụ công thành phố đạt gần 400 nghìn hồ sơ, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn đạt trên 90%. Thành phố đã tích hợp ứng dụng biên lai điện tử, dịch vụ bưu chính công ích trên hệ thống. Đồng thời, bảo đảm 100% TTHC của thành phố đều được thực hiện tại bộ phận “một cửa”; 100% các quyết định công bố TTHC sau khi ban hành đã được công khai theo quy định trên cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC, tại nơi tiếp nhận và giải quyết TTHC và các hình thức khác theo quy định.

UBND thành phố cũng chỉ đạo kiểm tra việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính; công tác rà soát, đánh giá TTHC năm 2021 theo kế hoạch của thành phố; việc đánh giá tác động dự thảo VBQPPL có quy định về TTHC (đối với sở, ngành có xây dựng TTHC trong dự thảo VBQPPL thuộc thẩm quyền ban hành của UBND thành phố); việc trình Chủ tịch UBND thành phố TTHC theo quy định (đối với sở, ngành).

Đến nay, việc thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” tiếp tục được các cơ quan, đơn vị nghiêm túc triển khai thực hiện. Các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố tiếp tục thực hiện kiện toàn, bố trí cán bộ, công chức làm việc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC theo quy định của UBND thành phố theo hướng tăng cường chất lượng giải quyết TTHC, đáp ứng yêu cầu CCHC trong tổ chức “cơ chế một cửa”, cơ chế “một cửa liên thông” tại cơ quan, đơn vị.

Về nhiệm vụ trọng tâm 9 tháng cuối năm 2021, UBND thành phố sẽ tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, thống nhất, đồng bộ, có hiệu quả trong công tác CCHC gắn với việc thực hiện chủ đề công tác năm 2021 “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”. Xây dựng và triển khai thực hiện các kế hoạch của thành phố giai đoạn 2021-2025. Đổi mới và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền; tăng cường các hình thức thông tin, tương tác với người dân gắn với chủ đề công tác năm của thành phố, chú trọng thông tin tuyên truyền tiện ích việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, các vấn đề liên quan trực tiếp tới dân sinh…; tăng cường nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động về kỹ năng, nghiệp vụ về công tác tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC, quy tắc ứng xử, giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, nội dung của Chỉ số PAR INDEX, PAPI, SIPAS đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi trách nhiệm quản lý.

Cùng với đó, thực hiện rà soát, hệ thống hóa các VBQPPL; nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô để khai thác tối đa và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực phát triển, phù hợp với đặc thù của Hà Nội; triển khai việc thực hiện quy định ủy quyền cho công chức tư pháp - hộ tịch thực hiện chứng thực chữ ký, chứng thực bản sao khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Thành phố cũng sẽ tiếp tục rà soát, đơn giản hóa các TTHC; công bố, công khai các quy định các TTHC, trọng tâm là: Tài nguyên - môi trường, xây dựng - đô thị, lao động - thương binh và xã hội; rà soát, thống kê, tổng hợp xây dựng quy chế phối hợp thực hiện liên thông các TTHC trong các lĩnh vực: Đầu tư, xây dựng, tài nguyên - môi trường, lao động - thương binh và xã hội. Tổ chức triển khai việc tổng hợp và công khai hằng tháng kết quả giải quyết TTHC của các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố. Công bố Chỉ số CCHC năm 2020 của các sở, cơ quan tương đương sở, UBND các quận, huyện, thị xã, UBND các quận, huyện, thị xã công bố chỉ số CCHC cấp phòng, cấp xã theo thẩm quyền.

Đồng thời, tăng cường kiểm tra việc thực hiện CCHC, kiểm tra công vụ, chú trọng kiểm tra việc thực hiện và công khai hằng tháng kết quả nhiệm vụ của Trung ương, thành phố giao; tăng cường kiểm tra công vụ ở một số lĩnh vực: Tư pháp, quản lý trật tự xây dựng, tài nguyên - môi trường, kết hợp kiểm tra định kỳ và kiểm tra đột xuất, tái kiểm tra việc khắc phục tồn tại được chỉ ra từ đợt kiểm tra trước đây. Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu; xử lý kịp thời, nghiêm minh đối với cán bộ, công chức vi phạm kỷ luật và trách nhiệm thực thi công vụ, gây khó khăn, phiền hà cho cá nhân, tổ chức…

TQ

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/quy-i-ha-noi-dua-vao-thuc-hien-ra-soat-danh-gia-382-thu-tuc-hanh-chinh-232918.html