Việt Nam đặt mục tiêu nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia lên mức 'Đầu tư' vào năm 2030

Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Quyết định số 412/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia tới năm 2030. Đề án sẽ nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, tạo thuận lợi để nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia lên mức 'Đầu tư' vào năm 2030.

Đề án Cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia tới năm 2030 với mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; có thể chế quản lý hoàn thiện, cạnh tranh, hiệu lực, hiệu quả; nền kinh tế phát triển mạnh mẽ trên cơ sở khoa học, công nghệ gắn với nâng cao hiệu quả trong hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư; nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, tạo thuận lợi để nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia lên mức "Đầu tư", góp phần giảm chi phí huy động vốn, giảm mức rủi ro tín dụng quốc gia.

Việt Nam đặt mục tiêu nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia lên mức "Đầu tư" vào năm 2030. Ảnh: Khánh Huyền

Đề án đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2030 như sau: Việt Nam đạt mức xếp hạng tín nhiệm từ Baa3 (đối với Moody’s) hoặc BBB- (đối với S&P và Fitch) trở lên;

Kiểm soát bội chi ngân sách nhà nước được Quốc hội phê duyệt trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm và kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm, phấn đấu bội chi ngân sách nhà nước đến năm 2030 khoảng 3% GDP; nợ công không quá 60% GDP, nợ Chính phủ không quá 50% GDP;

Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu các ngân hàng thương mại giai đoạn 2021-2025 đạt 11-12%; đến năm 2030 duy trì tối thiểu 12%; tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tài sản có rủi ro của khối ngân hàng ở mức tối thiểu 9%; duy trì mức dự trữ ngoại hối tương đương với tối thiểu 16 tuần nhập khẩu;

Các giải pháp chủ yếu đặt ra trong Đề án là: Triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 và các Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội từng giai đoạn 5 năm;

Cải thiện chất lượng thể chế, quản trị, tăng cường công khai, minh bạch dữ liệu phù hợp với thông lệ quốc tế;

Xây dựng nền tài chính công vững mạnh, mở rộng cơ sở thu bền vững để cải thiện các chỉ số nợ và thúc đẩy củng cố tài khóa;

Cải thiện cơ cấu và chất lượng của khu vực ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước để giảm rủi ro nghĩa vụ nợ dự phòng đối với ngân sách nhà nước;

Tăng cường hiệu quả, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác xếp hạng tín nhiệm quốc gia, tăng cường hợp tác với các tổ chức xếp hạng tín nhiệm và các tổ chức quốc tế.

Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan tổ chức triển khai thực hiện Đề án; tổ chức sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm năm năm đầu thực hiện Đề án vào năm 2026; chủ trì, phối hợp với các cơ quan đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh mục tiêu, nội dung Đề án khi cần thiết.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức công tác đánh giá xếp hạng tín nhiệm quốc gia, tiếp nhận và xử lý các câu hỏi, đề nghị cung cấp thông tin liên quan từ các tổ chức xếp hạng tín nhiệm, tổ chức các hoạt động quảng bá tới nhà đầu tư, tổng hợp kết quả đánh giá báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Tài chính chủ trì kiện toàn Tổ công tác thực hiện các nhiệm vụ liên quan tới hoạt động xếp hạng tín nhiệm quốc gia nhằm tăng cường công tác cải thiện hệ số tín nhiệm quốc gia.

Đức Minh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/viet-nam-dat-muc-tieu-nang-xep-hang-tin-nhiem-quoc-gia-len-muc-dau-tu-vao-nam-2030-102922.html