Quy hoạch Vân Đồn thành khu kinh tế biển, trung tâm công nghiệp giải trí có casino

Khu kinh tế Vân Đồn được quy hoạch thành khu kinh tế biển đa ngành, đa lĩnh vực, trung tâm công nghiệp giải trí có casino, du lịch biển - đảo cấp cao, dịch vụ tổng hợp; là cửa ngõ giao thương quốc tế, tạo ra những sản phẩm độc đáo, khác biệt, hiện đại chất lượng cao, có thương hiệu và cạnh tranh quốc tế.

 Duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Đồn đến năm 2040

Duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Đồn đến năm 2040

Quy hoạch Vân Đồn thành trung tâm công nghiệp giải trí có casino

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 226/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Đồn đến năm 2040.

Theo quyết định phê duyệt, phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch trên toàn bộ diện tích tự nhiên huyện Vân Đồn, Quảng Ninh khoảng 2.171,33km2, trong đó diện tích tự nhiên là 581,83km2, diện tích vùng biển là 1.589,5km2.

Vân Đồn được quy hoạch thành khu kinh tế biển đa ngành, đa lĩnh vực, trung tâm công nghiệp giải trí có casino, du lịch biển - đảo cấp cao, dịch vụ tổng hợp; là cửa ngõ giao thương quốc tế, tạo ra những sản phẩm độc đáo, khác biệt, hiện đại chất lượng cao, có thương hiệu và cạnh tranh quốc tế.

Khu kinh tế Vân Đồn cũng được xác định là đô thị biển đảo xanh, hiện đại và thông minh, bền vững và là khu vực có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng.

Dự báo đến năm 2030, dân số Vân Đồn khoảng 140.000 - 200.000 người, trong đó dân số thường trú khoảng 90.000 - 140.000 người, dân số quy đổi khoảng 50.000 - 60.000 người. Nhu cầu đất sử dụng khu chức năng khoảng 5.500ha. Đến năm 2040, dân số tăng lên khoảng 300 - 500.000 người, nhu cầu sử dụng đất khu chức năng 12.050ha.

Vân Đồn được quy hoạch thành trung tâm công nghiệp giải trí có casino.

Cấu trúc phát triển không gian Khu kinh tế Vân Đồn chia theo 2 vùng gồm đảo Cái Bầu và quần đảo Vân Hải, định hướng thành 5 vành đai phát triển gồm: Vành đai nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp; Vành đai du lịch sinh thái gắn với bảo vệ di sản thiên nhiên; Vành đai đô thị dịch vụ, văn hóa và vui chơi giải trí (khu vực phía Đông đảo Cái Bầu); Vành đai dịch vụ, thương mại công nghiệp công nghệ cao và dịch vụ hậu cần (khu vực phía Tây đảo Cái Bầu); Vành đai dự trữ phát triển mở rộng phía Tây (thuộc địa giới thành phố Cẩm Phả và huyện Tiên Yên).

Đảo Cái Bầu sẽ phát triển tập trung các khu chức năng chính của đô thị và khu kinh tế. Đảo này được tổ chức thành 6 khu vực phát triển gồm: khu vực Cái Rồng; khu vực bán đảo Cổng Chào; khu vực sân bay (phía Tây đảo Cái Bầu); khu vực Bắc Cái Bầu; khu vực Đông Bắc Cái Bầu; khu vực đồi núi đảo Cái Bầu.

Cụ thể, khu vực Cái Rồng (thuộc thị trấn Cái Rồng, xã Đông Xá, xã Hạ Long, xã Vạn Yên) là đô thị, trung tâm dịch vụ hỗn hợp và du lịch khu kinh tế; quy mô dân số đến năm 2040 khoảng 127.000 người, diện tích khoảng 2.810ha.

Khu vực bán đảo Cổng Chào (thuộc xã Đông Xá) là trung tâm thương mại, tài chính, văn hóa tầm cỡ khu vực và quốc tế; quy mô dân số đến năm 2040 khoảng 65.000 người, diện tích 750ha.

Khu vực sân bay (thuộc các xã Đoàn Kết, Bình Dân, Đài Xuyên) là đầu mối giao thông, dịch vụ thương mại quốc tế, dịch vụ hậu cần, logistics, công nghiệp công nghệ cao; quy mô dân số đến 2040 khoảng 103.000 người, diện tích 7.130ha.

Khu vực Bắc Cái Bầu (thuộc các xã Đài Xuyên, Vạn Yên) là khu phức hợp đô thị dịch vụ cảng, dịch vụ du lịch cao cấp, khu công nghiệp, công nghệ cao; diện tích 5.000ha, quy mô dân số khoảng 80.000 – 100.000 người.

Khu vực Đông Bắc Cái Bầu (thuộc xã Vạn Yên) là khu phức hợp vui chơi giải trí có casino và du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, sân golf, công viên sinh thái rừng; diện tích 4.250ha, dân số đến năm 2040 khoảng 41.000 người.

Khu vực đồi núi đảo Cái Bầu (thuộc xã Đoàn Kết, Bình Dân, Vạn Yên, Hạ Long, Đông Xá và thị trấn Cái Rồng) là khu vực phát triển rừng, kết hợp phát triển dân cư dịch vụ du lịch, có vị trí an ninh quốc phòng; quy mô dân số đến năm 2040 khoảng 3.000 người, diện tích 7.000ha.

Đối với quần đảo Vân Hải sẽ phát triển dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch sinh thái, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao gắn với bảo tồn cảnh quan sinh thái, đa dạng sinh học tại khu vực. Giới hạn phát triển dân cư tại một số đảo hiện có (Cảnh Cước, Trà Bản, Ngọc Vừng, Cống Đông – Cống Tây). Bố trí trung tâm dịch vụ công cộng chung tại đảo Cảnh Cước, Ngọc Vừng, Trà Bản.

Quy mô dân số tại quần đảo Vân Hải đến năm 2040 khoảng 79.000 người, diện tích khoảng 25.720ha.

Dự phòng quỹ đất để mở rộng sân bay Vân Đồn trong tương lai

Theo quyết định phê duyệt, định hướng phát triển hạ tầng kinh tế Vân Đồn gồm khu công nghiệp có diện tích 1.400ha – 1.450ha được bố trí cụm công nghiệp khoảng 50ha tại khu vực nam sân bay và các điểm tiểu thủ công nghiệp tại đảo Cảnh Cước (Minh Châu – Quan Lạn), Trà Bản.

Khu dịch vụ thương mại có diện tích khoảng 250 - 300ha sẽ bố trí các trung tâm dịch vụ thương mại hỗn hợp tại trung tâm các khu chức năng gắn với đầu mối giao thông.

Còn dịch vụ du lịch có diện tích khoảng 2.700-2.800ha, được bố trí tập trung tại các khu vực Cái Rồng, Bắc Cái Bầu, kết hợp với hệ thống các dịch vụ lưu trú, dịch vụ vưi chơi giải trí; quần đảo Vân Hải sẽ phát triển hệ thống các khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp; hình thành các trung tâm phụ trợ tại đảo Quan Lạn, Ngọc Vừng, Trà Bản.

Về định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đường bộ sẽ đảm bảo hành lang an toàn và dự trữ mở rộng cho tuyến cao tốc Hạ Long – Vân Đồn – Móng Cái cùng với đó là bổ sung kết nối quốc lộ 4B từ Tiên Yên vào tỉnh lộ 334, nâng cấp mở rộng tỉnh lộ này; bố trí bến xe phục vụ giao thông đối ngoại tại khu vực sân bay, Cái Rồng để hạn chế phương tiện giao thông cá nhân vào khu trung tâm Vân Đồn.

Về đường không, sẽ dự phòng quỹ đất đáp ứng nhu cầu mở rộng sân bay Vân Đồn trong tương lai; xây dựng bãi đỗ trực thăng, bến thủy phi cơ tại khu vực Bắc Cái Bầu, Đông Bắc Cái Bầu, bán đảo Cổng Chào và các đảo thuộc quần đảo Vân Hải.

Sân bay Vân Đồn được đưa vào khai thác từ ngày 30/12/2018.

Về đường thủy, sẽ phát triển cụm cảng tổng hợp Vạn Hoa – Bắc Cái Bầu – Mũi Chùa đáp ứng tàu có trọng tải 10.000 tấn; cảng Bắc Cái Bầu sẽ ưu tiên phục vụ tàu du lịch cao cấp; nâng cấp mở rộng cảng Cái Rồng.

Về đường sắt, dự trữ hành lang phát triển tuyến đường sắt đô thị kết nối Vân Đồn – Cẩm Phả - Hạ Long; tuyến đường sắt cao tốc dọc hành lang đường cao tốc Hạ Long – Vân Đồn – Móng Cái.

Cũng theo quyết định phê duyệt của Thủ tướng, các dự án ưu tiên đầu tư, xây dựng đợt đầu gồm: các dự án do trung ương đầu tư (xây dựng các hạ tầng kết nối như đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái, quốc lộ 4B kéo dài, hệ thống cảng Bắc Cái Bầu); các dự án do tỉnh đầu tư; các dự án kêu gọi đầu tư như khu du lịch, khu đô thị, khu thương mại dịch vụ…

Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Quảng Ninh chủ trì, thực hiện phối hợp với Bộ Xây dựng rà soát điều chỉnh quy hoạch; xây dựng cơ chế chính sách, nguồn lực tài chính, nhân lực thực hiện các dự án hạ tầng kỹ thuật tạo động lực phát triển kinh tế xã hội của Quảng Ninh.

Lệ Chi

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/quy-hoach-van-don-thanh-khu-kinh-te-bien-trung-tam-cong-nghiep-giai-tri-co-casino-20180504224234690.htm