Quy hoạch và quản lý quy hoạch đô thị thành phố Buôn Ma Thuột

Ngày 3/6, Hội Quy hoạch Đô thị Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức hội thảo khoa học quốc tế 'Quy hoạch và quản lý quy hoạch đô thị thành phố Buôn Ma Thuột - tỉnh Đắk Lắk', với sự tham dự với hơn 200 đại biểu là các giáo sư, tiến sĩ, kiến trúc sư, những nhà khoa học cùng các nhà quản lý…

Quang cảnh hội thảo

KTS. Trần Ngọc Chính- nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam- cho biết, Buôn Ma Thuột (BMT) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2025 bao gồm 13 phường và 8 xã, tổng diện tích hơn 37.700 ha. Trong đó, sẽ phát triển 4 khu đô thị mới phía Đông Bắc; đô thị sân bay, đô thị văn hóa- thương mại- y tế và đô thị đại học.

Đề án đầu tư xây dựng chủ yếu phát triển dọc theo hướng Đông Bắc và Tây Nam, trong đó có hai vùng là đô thị và vành đai xanh. Bên cạnh đó, hình thành vùng chuyên canh cây công nghiệp và các khu rừng tái tạo bao quanh thành phố với diện tích khoảng trên 20.000 ha. Đồng thời, phát triển và giữ gìn sắc thái truyền thống của các buôn, làng, khuyến khích phát triển các khu nhà vườn trong khu trung tâm thành phố.

Theo KTS. Trần Ngọc Chính, thời gian qua, trong quá trình phát triển thành phố Buôn Ma Thuột vẫn bộc lộ sự phát triển chưa bền vững, đặc biệt trong công tác quy hoạch.

Các đại biểu tham dự hội thảo

KTS Chính cho rằng, để khai thác được hết lợi thế tiềm năng này và với sự phát triển nhanh để BMT xứng đáng trở thành trung tâm vùng Tây Nguyên trên cơ sở tuân thủ định hướng phát triển không gian, kiến trúc, cảnh quan và hạ tầng kỹ thuật, vấn đề cấp nước, thoát nước, môi trường sinh thái trước những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu... đặc biệt chiến lược phát triển bất động sản và xây dựng nhà ở đang là những vấn đề cần quan tâm của các đô thị trong quá trình đô thị hóa như thành phố BMT.

Ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Lăk cho rằng, những năm qua, BMT phát triển nhanh về kinh tế xã hội. BMT đóng góp 31% GDP toàn tỉnh. Phát triển trung bình tăng trưởng 17%. Tuy nhiên còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở hạ tầng đầu tư chưa được đồng bộ, nước sạch, môi trường đô thị, nguồn vốn ngân sách. Tất cả vấn đề này, ảnh hưởng mục tiêu BMT đô thị hạt nhân vùng Tây Nguyên. Để định hướng thực hiện quy hoạch MBT thành trung tâm hạt nhân vùng kinh tế được Thủ tướng phê duyệt, BMT cần sự đóng góp của các nhà khoa học, nghiên cứu.

“Các tham luận rất phong phú về định hướng quy hoạch đô thị BMT, Tây nguyên, môi sinh, môi trường, du lịch… hết sức giá trị. Hy vọng các tham luận tư vấn, gởi mở định hướng quy hoạch phát triển BMT trung tâm văn hóa lớn cả nước và tầm nhìn khu vực”, ông Hà chia sẻ.

Theo ông Hà, đề nghị UBND tỉnh Đăk Lăk đảm bảo xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật. UBND tỉnh phương án giải pháp sinh thái, không gian buôn làng; cơ chế chính sách nguồn lực đất đai con người hài hòa, tạo nên những giá trị đặc sắc riêng cho BMT.

KTS Trần Ngọc Chính cảm ơn nhà tài trợ Công ty VN Đà Thành

Sau khi nghe gần 20 tham luận và phát biểu đóng góp ý kiến của các giáo sư, tiến sĩ, kiến trúc sư, nhà khoa học, nghiên cứu trong và ngoài nước, KTS Trần Ngọc Chính nhấn mạnh, qua hội thảo, ý kiến các chuyên gia vô cùng quý giá, để những người hoạch định chính sách… Theo đó, muốn quy hoạch chuẩn cho BMT thì phải xác định quy hoạch, tầm nhìn cho Tây Nguyên, cho BMT. Các tham luận tập trung 4 nhóm vấn đề, đó là xác định được vị trí, vai trò của Tây Nguyên; vai trò BMT đối với Tây Nguyên; bản thân giá trị BMT và quản lý phát triển, tổ chức cơ chế để quy hoạch một BMT chuẩn trong thời gian tới.

“Hội thảo đã xác định được Tây Nguyên có vị trí, tài nguyên, vị trí, rừng, cao nguyên xanh; quê hương lễ hội công chiêng, cà phê hết sức độc đáo; Đăk Lăk- có diện tích thứ 3 cả nước, có vị trí vô cùng to lớn, cà phê thương hiệu quốc tế cần khai thác đúng tiềm năng. Là vùng của các con sông chảy về miền Trung và qua Lào- nguồn nước hết sức quan trọng. Đối với BMT là thành phố rung tâm hội tụ đầy đủ- hệ thống giao thông kết nối vừa trong nước, trong vùng Đông Nam Á, có bản sắc đô thị đặc trưng Tây Nguyên. Cần nghĩ đến phương án lâu dài, tầm nhìn dài hạn, quy hoạch bào bản. Về mặt quản lý thì Bộ Chính trị đã có Nghị quyết BMT đô thị loại 1 trực thuộc Trung ương vào năm 2020 nên cần có cơ chế, chính sách cho thủ phủ Tây Nguyên có thương hiệu riêng, bản sắc riêng và trở thành một đô thị sinh thái xanh. Sau hội thảo sẽ tập hợp các ý kiến, Hội Quy hoạch đô thị Việt Nam sẽ tham mưu cho tỉnh Đăk Lăk có quy hoạch phù hợp với tầm nhìn dài hạn”, KTS Chính nhấn mạnh.

Xuân Hoài

Nguồn Công Thương: http://congthuong.vn/quy-hoach-va-quan-ly-quy-hoach-do-thi-thanh-pho-buon-ma-thuot-87926-87926.html