Quy hoạch trung tâm Đà Lạt: Vì sao gây nhiều tranh cãi?

Kể từ khi UBND tỉnh Lâm Đồng công bố 'Quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị - tỷ lệ 1/500 khu vực trung tâm Hòa Bình, TP Đà Lạt' vào trung tuần tháng 3/2019 cho đến nay, câu chuyện quy hoạch khu vực lõi của TP Đà Lạt vẫn tiếp tục gây tranh cãi nhiều chiều. Vì sao đồ án quy hoạch này thu hút sự quan tâm và gây nhiều tranh cãi của người dân và giới chuyên môn đến vậy?

Cân bằng giữa phát triển và bảo tồn

Theo đồ án quy hoạch, trung tâm Hòa Bình có diện tích 30ha, thuộc P.1, TP Đà Lạt và chia thành 5 phân khu. Trong đó, phân khu I (khu vực Chợ Đà Lạt - đường Nguyễn Thị Minh Khai), diện tích khoảng 6,95ha, có chức năng chợ truyền thống kết hợp với quảng trường hoa mang tính chất đặc trưng của TP Đà Lạt. Trung tâm thương mại Hòa Bình (có khu đậu xe ngầm phía dưới) được kết nối với phố đi bộ.

Phân khu II (khu trung tâm Hòa Bình), diện tích khoảng 3,37ha, là khu trung tâm phức hợp đa chức năng. Rạp hát Hòa Bình hiện hữu sẽ bị tháo dỡ để xây dựng khu giải trí đa chức năng, cao từ 3 - 5 tầng.

Phân khu III (khu vực đồi Dinh), diện tích khoảng 4,43ha, là khu thương mại, dịch vụ cao cấp. Dự kiến xây dựng công trình cao 10 tầng tạo điểm nhấn. Dinh tỉnh trưởng sẽ được dời nguyên khối sang vị trí mới trong khuôn viên đồi Dinh.

Phân khu IV, diện tích khoảng 9,19ha, là khu vực chỉnh trang kiến trúc đô thị, phát triển các loại hình công trình thương mại, dịch vụ và giải trí phục vụ cho người dân địa phương và khách du lịch.

Phân khu V (khu vực ven hồ Xuân Hương), diện tích khoảng 6ha, gồm các công trình dịch vụ - du lịch, lưu trú - khách sạn giáp hồ Xuân Hương sẽ được tôn tạo cảnh quan phù hợp với cảnh quan chung và kết nối với các phân khu chức năng khác của trung tâm Hòa Bình.

Tác giả đồ án, KTS Hồ Thiệu Trị cho biết ông đã nghiên cứu đồ án và xây dựng những ý tưởng quy hoạch và các định hướng chính, tập trung theo 3 tiêu chí: Quy hoạch theo hướng không gian mở; tạo không gian trung tâm xanh và bền vững; tạo cảnh quan mang tính đặc thù của Đà Lạt.

Trung tâm Hòa Bình sẽ có một diện mạo mới, với nhiều không gian xanh, nhiều quảng trường xanh, đẹp phục vụ cho cư dân. Mật độ xây dựng công trình thấp, sẽ không còn thấy những hình ảnh các công trình mọc lên chen chúc hỗn độn như hiện tại.

Những không gian, cảnh quan đặc trưng của Đà Lạt như đồi thông, con suối, mặt hồ… là các yếu tố cấu thành ngôn ngữ quy hoạch của khu trung tâm Đà Lạt. Khu trung tâm Đà Lạt sẽ tạo được sự “khác biệt và gần gũi với con người”.

Tuy nhiên, người dân và giới chuyên môn lại chưa có cách nhìn đồng thuận hoàn toàn với tác giả đồ án. Về cơ bản, mọi người đồng tình với quan điểm việc cải tạo, chỉnh trang trung tâm Hòa Bình là cần thiết. Trong cải tạo, chỉnh trang chú trọng cân bằng giữa phát triển và bảo tồn. Phát triển nhưng không làm mất đi giá trị đặc trưng về quy hoạch, kiến trúc và cảnh quan của khu phố. Đồng thời bảo tồn không chỉ giá trị vật thể (công trình kiến trúc và cảnh quan có giá trị) mà cả giá trị phi vật thể (di sản ký ức, lối sống và văn hóa địa phương).

Nhiều người e ngại đồ án quy hoạch sẽ làm thay đổi diện mạo đô thị theo hướng hiện đại nhưng xa lạ với một Đà Lạt thân thuộc lâu nay. Khu trung tâm tiếp tục tăng mật độ xây dựng và bê tông hóa, giống như bất cứ đô thị đang phát triển trong cả nước, trong khi không gian xanh tiếp tục bị mất đi, làm mất đi đặc trưng đô thị xanh, có rừng trong phố, phố trong rừng của Đà Lạt.

Tranh cãi về số phận rạp hát Hòa Bình và Dinh Tỉnh trưởng

Gây tranh cãi nhiều nhất trong đồ án chính là số phận của 2 công trình gắn liền với lịch sử của Đà Lạt là rạp hát Hòa Bình và Dinh tỉnh trưởng. Theo quy hoạch, tại phân khu II, rạp Hòa Bình sẽ được dỡ bỏ thay thế vào đó là công trình thương mại hỗn hợp cao từ 3 - 5 tầng. Và tại phân khu III, Dinh Tỉnh trưởng sẽ được dời nguyên khối sang vị trí mới trong khuôn viên. Khu vực trung tâm của phân khu này sẽ hình thành dự án khách sạn cao cấp gồm 3 tầng hầm, 7 tầng nổi.

Lý giải về giải pháp này, KTS Hồ Thiệu Trị cho biết: Khu rạp Hòa Bình hiện tại đang bị xuống cấp trầm trọng và khai thác không hiệu quả. Rạp đã được cơi nới xung quanh để sử dụng làm các cửa hàng, chỗ để xe… khiến cho công trình thêm phần mất mỹ quan. Rạp hiện là như là một vòng xoay giao thông, với lưu lượng và mật độ xe cộ qua lại cao.

Khi quy hoạch, nơi đây sẽ được trở thành không gian Quảng trường trung tâm Hòa Bình và được kết nối với chợ, quảng trường chợ và các công trình ngầm dưới đất, tạo thành một quần thể văn hóa, thương mại dịch vụ phục vụ cho toàn khu trung tâm Hòa Bình.

Tương tự, Dinh Tỉnh trưởng hiện đã xuống cấp, không thu hút được khách tham quan du lịch. Đây là công trình có giá trị về kiến trúc, được giữ lại trong khuôn viên Đồi Dinh. Việc đề xuất cải tạo hoặc di dời Dinh trong khuôn viên đồi Dinh là định hướng chung để các nhà thiết kế có thể đưa ra các phương án tối ưu nhất, kết hợp cảnh quan giữa kiến trúc Dinh Tỉnh trưởng và công trình kiến trúc mới nhằm tạo thành một quần thể kiến trúc đặc biệt có giá trị trên Đồi Dinh.

Liên quan đến 2 công trình này, Hội đồng Kiến trúc Hội KTS Việt Nam cho rằng đối với khu đồi Dinh, giá trị đặc trưng là đồi cao với nhiều cây thông lưu niên và công trình Dinh Tỉnh trưởng khiêm tốn ẩn trong cảnh quan. Giải pháp xây dựng khách sạn quy mô lớn ở đây là không phù hợp, nên giữ là đồi xanh.

Có thể khai thác công trình Dinh Tỉnh trưởng vào mục đích du lịch cao cấp. Đồng thời, có thể bổ sung thêm một số chức năng dịch vụ du lịch với kiến trúc quy mô nhỏ, không làm mất đặc trưng cảnh quan - Đồi xanh của khu vực đồi Dinh.

Đối với khu vực rạp Hòa Bình, trải qua thời gian, mặc dù công trình đã có nhiều thay đổi, nhưng khu vực này vốn là không gian chợ truyền thống nên có giá trị như một di sản ký ức của cộng đồng dân cư Đà Lạt. Do đó cần nghiên cứu để khai thác giá trị ký ức của không gian di sản này trong công trình mới.

Công trình mới nên có quy mô vừa phải, tỷ lệ phù hợp với khung cảnh của khu phố và chú trọng mối liên kết với chợ Đà Lạt hiện nay như một thành phần chuyển tiếp không gian quan trọng của cấu trúc khu trung tâm Hòa Bình: Phố - chợ - hồ Xuân Hương. Các chức năng mới, hiện đại cần thiết có thể cân nhắc khai thác không gian ngầm.

Hội đồng Kiến trúc Hội KTS cũng lưu ý, tầm nhìn cảnh quan từ khu phố Hòa Bình xuống không gian chợ, đặc biệt, tầm nhìn ra phía hồ Xuân Hương là ưu tiên quan trọng nhất, cần được trú trọng. Do đó không nên xây dựng thêm công trình chắn tầm nhìn từ khu phố Hòa Bình ra hồ Xuân Hương, như công trình hỗn hợp dịch vụ, thương mại đặt ở ngã ba phía đầu rạp Hòa Bình hay các công trình khách sạn, dịch vụ ở phía Đông quảng trường sóng hoa…

Được biết, trước phản ứng nhiều chiều của người dân và giới chuyên môn, Sở Xây dựng Lâm Đồng đang tổng hợp báo cáo về đồ án trình UBND, HĐND tỉnh Lâm Đồng.

Hòa Bình

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/quy-hoach-kien-truc/quy-hoach-trung-tam-da-lat-vi-sao-gay-nhieu-tranh-cai.html