Quy hoạch 'treo' sẽ phải bồi thường cho dân?

Quy hoạch, vấn đề được đông đảo người dân quan tâm đã được các đại biểu Quốc hội đưa ra bàn vào ngày 26/5. Chia sẻ “nỗi khổ” của người dân, nhiều đại biểu đã đưa ra các ý kiến tâm huyết cho lĩnh vực này.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang Hà Thị Lan phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN

Đại biểu quan tâm về xử lý vi phạm quy hoạch

Về dự thảo Luật Quy hoạch, đại biểu Lê Công Đỉnh, đoàn Long An đề nghị ban soạn thảo cần xem xét làm rõ hơn về các hành vi bị cấm nhằm chống lợi ích nhóm gây thiệt hại đến lợi ích của địa phương, quốc gia. Dự thảo luật quy định, hành vi bị cấm là đưa nhận, môi giới, hối lộ, tham nhũng, lãng phí trong hoạt động quy hoạch.

Theo quy định tại điều 3 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng chống tham nhũng năm 2007, năm 2012 quy định các hành vi tham nhũng, theo đó có 12 nhóm hành vi được coi là hành vi tham nhũng, trong đó có đầy đủ các hành vi mà trong hoạt động quy hoạch về chủ thể và hành vi có thể xảy ra. Như vậy, với việc chỉ quy định như các hành vi tại khoản 2, điều 14 của dự thảo Luật Quy hoạch là không đầy đủ, hơn nữa ghi thêm chữ "tham nhũng" là khập khiễng vì "tham nhũng" là động từ chung đại diện cho 12 nhóm hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức lợi dụng chức vụ, quyền lợi, quyền hạn để vụ lợi. Như vậy, khoản 2 có thể liệt kê tất cả các hành vi liên quan thể hiện trong điều 4 của Luật phòng, chống tham nhũng, hoặc chỉ quy định chung là cấm các chủ thể tham gia hoạt động quy hoạch lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong hoạt động quy hoạch để vụ lợi.

Về xử lý vi phạm, đại biểu Lê Công Đỉnh nhấn mạnh đây là vấn đề cần đặc biệt quan tâm. Thời gian qua thực trạng các chương trình dự án trong quy hoạch, nhất là quy hoạch phân khu chức năng về khu cụm công nghiệp, khu dân cư thương mại chậm hoặc không triển khai hay còn gọi là quy hoạch treo khá phổ biến, ảnh hưởng đến đời sống người dân trong vùng dự án cũng như trong vùng quy hoạch. Do vướng quy hoạch nên người dân không xây dựng mới nhà cửa, không thể chuyển mục đích sử dụng đất, không thể đầu tư phát triển gây thiệt hại tài sản, lãng phí nguồn lực xã hội quốc gia. Vì vậy, đại biểu đề nghị Luật Quy hoạch cần quy định rõ trách nhiệm bồi thường thiệt hại của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến quy hoạch.

“Theo quy định trong dự thảo luật, sau khi quy hoạch được công bố thì phải có kế hoạch triển khai nhưng thực tế vì nhiều lý do khác nhau quy hoạch chậm hoặc không triển khai. Lâu nay các quy hoạch treo chế tài không rõ, không nói là không có chế tài gì, cứ như thế người dân lại càng khổ. Biết rằng hiện nay Luật Đầu tư, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai có ràng buộc về thời gian triển khai dự án cũng như có những ràng buộc chế tài, nhưng vấn đề về bồi thường thiệt hại cho người dân do không hoặc chậm triển khai dự án theo quy hoạch thì chưa được quy định rõ ràng. Do đó, tại điều 60 tôi đề nghị bổ sung thêm nội dung chống việc chậm, không triển khai quy hoạch, quy định rõ thời gian phải triển khai hoàn thành quy hoạch đã được phê duyệt, nhất là đối với quy hoạch phân khu chức năng. Có chế tài quy định rõ trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại do chậm, không triển khai quy hoạch gây ra” - đại biểu Lê Công Đỉnh phát biểu.

Quy hoạch 10 năm là quá ngắn

Bàn về khái niệm quy hoạch tổng thể quốc gia mang tính chiến lược, đại biểu Nguyễn Thanh Phương, đoàn TP Cần Thơ cho biết, mặc dù Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có giải trình, lý do chọn quy hoạch 10 năm đề phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, do biến động kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế v.v... Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng quy hoạch chiến lược cấp quốc gia chỉ 10 năm là tầm nhìn quá ngắn trong bối cảnh khoa học, kỹ thuật, công nghệ, kinh tế phát triển rất nhanh như hiện nay. Thậm chí quy hoạch chưa được thực hiện hết thời kỳ hay tỉnh, vùng quy hoạch chưa lâu thì đã phải điều chỉnh. Vì thế trong bối cảnh hiện nay, quy hoạch tổng thể quốc gia cần có tầm nhìn xa, định hướng ổn định, nhất định trong một thời kỳ đủ dài thì mới có thể có hiệu quả, đại biểu Nguyễn Thanh Phương đề xuất cấp quốc gia là 20 năm, tầm nhìn 30 năm, cấp vùng tỉnh là 10 năm và tầm nhìn 20 năm.

Cũng góp ý về dự thảo Luật Quy hoạch, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy, đoàn Bến Tre cho rằng, Luật quy định rõ việc yêu cầu công bố công khai việc cung cấp thông tin về tất cả các loại quy hoạch sau khi được phê duyệt. Đồng thời quy định cụ thể người chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin. Nhiều loại quy hoạch được tích hợp hoặc loại bỏ, số lượng quy hoạch được lập sẽ giảm nhiều, góp phần tinh giản hệ thống văn bản pháp luật. Điều này tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và ngay cả những cán bộ làm công tác quản lý, tiếp cận thông tin đơn giản, dễ tra cứu hơn.

Đại biểu Tô Văn Tám, đoàn Kon Tum cho biết, việc lấy ý kiến về Luật quy hoạch là cần thiết nhằm đảm bảo tính đầy đủ và tính khả thi của công tác quy hoạch. Việc lấy ý kiến quy định trong dự thảo luật bao gồm lấy ý kiến của cơ quan nhà nước, tổ chức, cộng đồng, cá nhân có liên quan. Việc lấy ý kiến là cần thiết, tuy nhiên cũng cần có sự phản biện về quy hoạch, phản biện cũng là một kênh quan trọng trong quá trình quy hoạch, nó làm tăng tính khoa học, tính khả thi, tính nhân dân trong hoạt động quy hoạch. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là đơn vị giám sát và phản biện xã hội trong hoạt động quy hoạch. Đại biểu đề nghị nên nghiên cứu quy định thêm phản biện khoa học và có thể giao cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên hiệp các hội khoa học hoặc Bộ KH&ĐT tổ chức.

“Về quản lý quy hoạch ngoài thực địa, đây là khâu yếu nhất trong công tác quản lý quy hoạch của chúng ta từ trước đến nay, dẫn đến tình trạng quản lý đất đai chưa minh bạch, rõ ràng; xây dựng đất bị chồng lấn, nhiều dự án thực hiện không đúng theo quy hoạch được duyệt, do vậy cần bổ sung thêm 1 mục về quản lý quy hoạch ngoài thực địa để đảm bảo tính khả thi cao về công tác quy hoạch” - đại biểu Trần Văn Tiến, đoàn Vĩnh Phúc phát biểu.

Minh Anh

Báo Gia đình và Xã hội cập nhật tin tức trong ngày liên tục, mới nhất

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/quy-hoach-treo-se-phai-boi-thuong-cho-dan-20170527085100091.htm