Quy hoạch 'treo' làm khó sản xuất nông nghiệp

Nông nghiệp đô thị phù hợp với các thành phố lớn như TPHCM, thế nhưng nông dân không thể tận dụng đất trống từ các dự án quy hoạch 'treo' để hoang hóa, lãng phí tài nguyên.

Lãng phí đất trống

Được xem là vùng đất sản xuất nông nghiệp trọng điểm cùng với huyện Củ Chi, nhưng do đô thị hóa và công nghiệp hóa nên diện tích đất nông nghiệp huyện Bình Chánh ngày càng giảm. Trong huyện có nhiều dự án quy hoạch trên đất nông nghiệp nhiều năm qua nhưng chưa triển khai như dự án quy hoạch Làng Đại học Hưng Long với hơn 500ha tại xã Hưng Long đã hơn 10 năm qua. Phần lớn diện tích nông nghiệp xã Hưng Long chủ yếu trồng lúa, năng suất thấp nên nông dân muốn chuyển đổi mục đích sử dụng đất khác để sản xuất nhưng không được do vướng quy hoạch.

Trường hợp của anh Hồ Thanh Huy (xã Hưng Long) là một trong nhiều nông dân mong muốn chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhưng không thành. Anh Huy học hỏi được mô hình nuôi cá kết hợp trồng rau thủy canh trong nhà màng nhưng hơn 2 năm qua không thể triển khai được trên đất nông nghiệp của chính mình chỉ vì dự án quy hoạch.

“Không thể làm gì được trong thời gian chờ chủ đầu tư triển khai dự án. Không để lãng phí, cầm hồ sơ đến xin cải tạo đất nhưng cấp xã không có thẩm quyền, gửi đơn lên UBND huyện thì nói chờ ý kiến của cấp thành phố”, anh Hồ Thanh Huy thất vọng.

Nhiều năm qua, chị Kiều Trinh (ấp 5, xã Hưng Long huyện Bình Chánh) chỉ sản xuất lan trồng chậu treo dàn do vướng quy hoạch đất

Nhiều năm qua, chị Kiều Trinh (ấp 5, xã Hưng Long huyện Bình Chánh) chỉ sản xuất lan trồng chậu treo dàn do vướng quy hoạch đất

Tương tự, sau nhiều năm không xin chuyển đổi được 1.000m2 đất để trồng lan cắt cành, chị Trịnh Thị Kiều Trinh (ấp 5, xã Hưng Long) phải chuyển hướng sang trồng lan trong chậu, vì lan chậu chỉ treo trên dàn, không ảnh hưởng gì tới nguồn gốc đất; tuy nhiên, với diện tích đất đó nếu trồng lan cắt cành sẽ có hiệu quả hơn. Sau 4 năm sản xuất, chị Kiều Trinh cũng không dám đầu tư mở rộng diện tích vườn lan chậu vì không biết ngày nào dự án triển khai, lo sẽ thua lỗ.

May mắn hơn, nhiều nông dân ở huyện Nhà Bè tuy vướng đất quy hoạch Khu công nghiệp cảng Hiệp Phước nhưng vẫn được đầu tư nuôi tôm. Đó là nhờ sự tác động của UBND huyện Nhà Bè và việc chủ đầu tư cam kết không thực hiện dự án trong khoảng thời gian 3 năm.

Phải xem xét từng trường hợp để giải quyết

Trường hợp ông Hiệp (ngụ huyện Bình Chánh) có nghề trồng mai chậu đã nhiều năm, nhưng nay đang thuê đất để sản xuất vì lô đất của ông bà để lại gần 1.000m2 trên địa bàn quận Bình Tân nằm trong quy hoạch dự án công viên cây xanh. Vị trí lô đất nằm trong khu dân cư, xung quanh có nhà ở.

“Hiện nay đất đang là đầm lầy, bỏ hoang nên thường xuyên bị người dân vứt rác bừa bãi, đổ xà bần... Chính quyền địa phương khuyến khích tôi làm hàng rào để “bảo vệ” đầm lầy, không gây ô nhiễm môi trường chứ không cho cải tạo sản xuất nông nghiệp”, ông Hiệp cho hay.

Theo UBND quận Bình Tân, nếu dự án quy hoạch chưa triển khai thì người dân có thể sản xuất nông nghiệp, nhưng không được quyền cải tạo đất sai với mục đích sử dụng trên giấy chủ quyền. Tuy nhiên, trên địa bàn quận không còn quy hoạch đất nông nghiệp nên không thể xin chuyển mục đích, không thể giải quyết cho từng trường hợp mà cần phải có hướng dẫn, văn bản thống nhất chung để địa phương thuận lợi trong quản lý.

“Nếu đất nông nghiệp đang nằm trong quy hoạch, nên tạm thời cho sử dụng để cải thiện đời sống người dân, nhưng theo quy định hiện tại thì chưa được và UBND quận 12 đã kiến nghị UBND TPHCM giao Sở Xây dựng TPHCM chủ trì để có hướng dẫn giải quyết”, ông Nguyễn Văn Đức, Phó Chủ tịch UBND quận 12, cho biết. Tương tự, ông Dương Hồng Thắng, Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn và ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, cùng cho hay đã kiến nghị UBND TPHCM có hướng dẫn tạm dùng đất quy hoạch để sản xuất nông nghiệp.

Về phía ngành nông nghiệp, ông Trần Ngọc Hổ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TPHCM, nhận định bản chất là đất nông nghiệp nhưng chưa thu hồi thì vẫn được sản xuất. Nếu nông dân cải tạo đất, cần có phương án sản xuất để ngành tài nguyên môi trường có ý kiến và chính quyền địa phương phải giám sát, quản lý.

Đồng quan điểm, ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, nêu vấn đề: “Sản xuất nông nghiệp trên đất quy hoạch vẫn được, nhưng san lấp cải tạo đất là sai với quy định pháp luật. Nhưng nếu san lấp cải tạo đất để phục vụ sản xuất nông nghiệp, tránh lãng phí tài nguyên thì chính quyền địa phương phải xem xét cụ thể từng trường hợp để giải quyết cho người dân”.

Trong khi đó, đại diện Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM cho hay, đất nông nghiệp của người dân nếu đã được cấp giấy chứng nhận thì có quyền và nghĩa vụ sử dụng đất theo đúng mục đích đất nông nghiệp ghi trên giấy chứng nhận, không bị hạn chế bởi quy hoạch. Đến khi thực hiện quy hoạch, người dân được bồi thường theo quy định. Nếu đất không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận nhưng nguồn gốc không phải do lấn, chiếm, không có tranh chấp thì được tiếp tục sử dụng theo hiện trạng cho đến khi nhà nước thực hiện quy hoạch.

Theo quy định pháp luật nếu đã có quy hoạch thì không được cải tạo đất. Tuy nhiên, cũng có thể xin chuyển đổi mục đích sử dụng nhưng phải xem quy hoạch đất cụ thể của từng địa phương. Về vấn đề trên, UBND TPHCM đang giao Sở Xây dựng và Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM có hướng dẫn cụ thể.

Theo Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM, Luật Đất đai quy định đất nông nghiệp bao gồm nhiều loại đất, trong đó có “đất nông nghiệp khác” gồm đất để xây dựng nhà kính và các loại nhà phục vụ mục đích trồng trọt, kể cả hình thức trồng trọt không trực tiếp trên đất; xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại động vật khác được pháp luật cho phép; đất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cho mục đích học tập, nghiên cứu thí nghiệm, đất ươm tạo cây giống, con giống và đất trồng hoa, cây cảnh.

Do đó, việc đầu tư xây dựng trên đất nông nghiệp, nếu không phải là đất nông nghiệp khác, thì cần phải chuyển mục đích sử dụng đất. Việc xây dựng trên đất nông nghiệp phải theo quy định pháp luật về xây dựng.

THANH HẢI

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/quy-hoach-treo-lam-kho-san-xuat-nong-nghiep-580394.html