Quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050: 4 cực tăng trưởng, 4 hành lang phát triển

UBND tỉnh Điện Biên đã triển khai lập Quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đang triển khai lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo Quy hoạch để hoàn thiện nội dung quy hoạch tỉnh, trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt.

Tỉnh Điện Biên đặt mục tiêu xây dựng thành phố Điện Biên Phủ trở thành đô thị xanh - sạch - văn minh, đạt tiêu chí đô thị loại II vào năm 2030.

Tỉnh Điện Biên đặt mục tiêu xây dựng thành phố Điện Biên Phủ trở thành đô thị xanh - sạch - văn minh, đạt tiêu chí đô thị loại II vào năm 2030.

Thành phố Điện Biên Phủ đạt tiêu chí đô thị loại II vào năm 2030

Trong những năm qua, nhân dân và chính quyền tỉnh Điện Biên đã triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Điện Biên thời kỳ 2006-2020 và Điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Điện Biên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) bình quân trong giai đoạn 2016-2020 tính theo phương pháp so sánh tăng 7,12%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, giảm tỷ trọng nông, lâm nghiệp và thủy sản. Mô hình tăng trưởng đang có sự chuyển dịch từ chiều rộng sang chiều sâu và nâng cao chất lượng tăng trưởng; kết cấu hạ tầng ngày càng được đầu tư hoàn thiện; khai thác hiệu quả và tối đa các tiềm năng, lợi thế trong phát triển; giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội. Đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể, tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội ổn định.

Để phù hợp với tình hình mới, tỉnh Điện Biên cần nghiên cứu xây dựng Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Việc làm này hoàn toàn phù hợp với nhiệm vụ thực hiện Luật Quy hoạch, phù hợp với chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, tác động của bối cảnh quốc tế, trong nước và thực tiễn phát triển của tỉnh yêu cầu cần thiết phải xây dựng quy hoạch mới.

Phạm vi lập quy hoạch bao gồm toàn tỉnh Điện Biên với diện tích tự nhiên là 9.541,2km2 với 10 đơn vị hành chính.

Theo nội dung quy hoạch, UBND tỉnh Điện Biên đặt mục tiêu đến năm 2025, tỉnh sẽ đẩy mạnh đổi mới toàn diện, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, tập trung huy động nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng và đô thị đồng bộ theo hướng hiện đại, khai thác hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc và di tích lịch sử để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững.

Đến năm 2030, Điện Biên đặt mục tiêu trở thành tỉnh có điều kiện kinh tế phát triển khá trong khu vực Trung du và miền núi phía Bắc, là trung tâm du lịch, dịch vụ của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ; phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, có năng suất và chất lượng cao kết hợp với công nghiệp chế biến, du lịch; kinh tế số đóng vai trò quan trọng trong phát triển tỉnh; phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại; tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 34%; xây dựng thành phố Điện Biên Phủ trở thành đô thị xanh - sạch- văn minh, hoàn thành tiêu chí đô thị loại II.

3 vùng phát triển kinh tế, 4 cực tăng trưởng, 4 hành lang phát triển

Theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, Điện Biên đặt mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình giai đoạn 2021-2030 là 10,66%/năm. Đến năm 2030, dân số toàn tỉnh đạt trên 800.000 người; tỷ lệ lao động qua đào tạo trên 70%; GRDP bình quân theo giá hiện hành đạt trên 114,2 triệu đồng/người và thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt trên 5.000 tỷ đồng.

Đến năm 2030, Điện Biên sẽ phấn đấu 100% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã; 100% người dân tham gia bảo hiểm y tế; 100% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; 100% hộ dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% các khu, cụm công nghiệp, đô thị có hệ thống thu gom, xử lý nước thải; tỷ lệ thu gom rác thải đạt 100% đối với khu vực đô thị và 60% đối với khu vực nông thôn; tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật trước khi thải ra môi trường đạt trên 80%; trên 85% trường học đạt chuẩn quốc gia; giảm tỷ lệ hộ nghèo tiếp cận đa chiều xuống dưới 10%.

Để thúc đẩy phát triển kinh tế trong thời gian tới, Quy hoạch tỉnh đề xuất lựa chọn 5 ngành, lĩnh vực quan trọng; bao gồm Nông - Lâm nghiệp; Du lịch; Xây dựng; Thương mại Dịch vụ và Công nghiệp. Trong đó, Nông - Lâm nghiệp là nền tảng, Xây dựng là động lực và Du lịch là lĩnh vực kinh tế mũi nhọn để phát triển tỉnh.

Bên cạnh đó, Quy hoạch tỉnh đề xuất định hướng tổ chức không gian phát triển tỉnh Điện Biên với 3 vùng phát triển kinh tế, 4 cực tăng trưởng và 4 hành lang phát triển.

Trong đó, vùng kinh tế I (vùng kinh tế động lực) sẽ phát triển đa dạng các lĩnh vực, bao gồm thành phố Điện Biên Phủ, 2 huyện Điện Biên và Điện Biên Đông. Vùng kinh tế II tập trung phát triển kinh tế nông lâm nghiệp và công nghiệp chế biến, du lịch tại các huyện Tủa Chùa, Tuần Giáo và Mường Ảng. Vùng kinh tế III tập trung phát triển nông lâm nghiệp và thủy sản, du lịch thương mại dịch vụ, bao gồm các huyện Mường Nhé, Nậm Pồ, Mường Chà và thị xã Mường Lay.

Điện Biên xác định ngành Du lịch sẽ là lĩnh vực kinh tế mũi nhọn để phát triển tỉnh trong thời kỳ 2021-2030.

4 cực tăng trưởng chính là thành phố Điện Biên Phủ, thị xã Mường Lay, thị trấn Tuần Giáo và thị trấn Mường Nhé. 4 hàng lang phát triển bao gồm: trục kinh tế động lực theo Quốc lộ 279, tuyến cao tốc Điện Biên - Sơn La – Hà Nội, gắn với cảng hàng không Điện Biên Phủ; trục phát triển kinh tế dọc theo Quốc lộ 12; trục phát triển kinh tế phát triển dọc theo Quốc lộ 6 và trục phát triển kinh tế phát triển dọc theo Quốc lộ 4H kết nối với vùng phía Tây của tỉnh.

Trên cơ sở các mục tiêu và định hướng phát triển theo phương án chọn, Quy hoạch tỉnh Điện Biên đề xuất 8 nhóm giải pháp chủ yếu về huy động vốn đầu tư; phát triển nguồn nhân lực; bảo vệ môi trường; phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; cơ chế, chính sách liên kết phát triển; quản lý, kiểm soát phát triển đô thị và nông thôn; đảm bảo quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch.

Dịch Phong (ảnh: Internet)

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/quy-hoach-tinh-dien-bien-thoi-ky-2021-2030-tam-nhin-den-nam-2050-4-cuc-tang-truong-4-hanh-lang-phat-trien-338060.html