Quy hoạch tạo bước đột phá về phát triển kinh tế - xã hội của huyện Ngọc Lặc

Quy hoạch xây dựng vùng huyện Ngọc Lặc, đến năm 2040, nhằm phát huy tối đa nội lực trên cơ sở huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và Nhân dân trong huyện; khơi dậy truyền thống lịch sử, văn hóa, ý chí tự lực, tự cường; năng động, sáng tạo; khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Đồng thời, thu hút các nguồn lực từ bên ngoài cho đầu tư phát triển để tạo bước đột phá về phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Một góc thị trấn Ngọc Lặc.

Việc quy hoạch xây dựng vùng huyện Ngọc Lặc bảo đảm phát triển kinh tế của huyện phù hợp với các kế hoạch, quy hoạch kinh tế - xã hội của tỉnh và khu vực miền núi. Xây dựng đô thị Ngọc Lặc gắn với nâng cao chất lượng văn hóa - xã hội, bảo vệ môi trường, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, nâng cao chất lượng đời sống của Nhân dân trong huyện. Định hướng phát triển bám sát tiềm năng, lợi thế của huyện; lấy phát triển nông nghiệp làm nền tảng; phát triển công nghiệp, dịch vụ, liên kết giao thông làm khâu đột phá. Mục tiêu nhằm phát triển nhanh, bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường; từng bước xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, nông thôn, theo hướng khang trang, hiện đại; đưa Ngọc Lặc trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa - thể dục - thể thao, y tế, giáo dục của vùng miền núi phía Tây của tỉnh. Quy hoạch xác định 4 trọng tâm phát triển, đó là: Trung tâm là phát triển đô thị gắn với xây dựng trung tâm văn hóa - xã hội của vùng miền núi phía Tây, nền tảng là phát triển nông nghiệp, đột phá là phát triển công nghiệp và bền vững lâu dài là phát triển thương mại dịch vụ. Vùng trung tâm được xác định dọc theo đường Hồ Chí Minh, là khu vực tập trung phát triển chính để hình thành lõi đô thị trong tương lai và phát triển chủ yếu các chức năng của đô thị, như: nhà ở, thương mại dịch vụ, du lịch, công nghiệp chế biến gắn với sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp chế biến nông lâm sản... Vùng phía Đông chủ yếu phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và một phần khai thác đá, sản xuất vật liệu xây dựng gắn kết với khu vực phía Tây huyện Yên Định (Yên Lâm, Yên Tâm, Thống Nhất). Vùng phía Nam phát triển các chức năng chính, như: nông nghiệp, trọng tâm là khu nông nghiệp sạch, công nghiệp phục vụ nông nghiệp, phát triển du lịch tâm linh. Vùng phía Tây chủ yếu sản xuất lâm nghiệp, giữ gìn hệ sinh thái, cảnh quan thiên nhiên kết hợp phát triển du lịch cộng đồng và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Quy hoạch xây dựng vùng huyện Ngọc Lặc, phấn đấu đến năm 2030, toàn huyện đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV. Khu vực nội thị gồm, thị trấn Ngọc Lặc, các xã Phúc Thịnh, Kiên Thọ, Nguyệt Ấn, Minh Tiến, Lam Sơn, Minh Sơn, Ngọc Sơn, Ngọc Liên, Quang Trung, Thúy Sơn. Khu vực ngoại thị bao gồm, các xã: Phùng Minh, Phùng Giáo, Vân Am, Cao Ngọc, Mỹ Tân, Thạch Lập, Đồng Thịnh, Lộc Thịnh, Ngọc Trung. Dân số khu vực nội thị hiện nay khoảng 75.000 người, đến năm 2030 khoảng 87.500 người. Đến năm 2040 phấn đấu thành lập thị xã Ngọc Lặc, bổ sung thêm xã Ngọc Trung vào khu vực nội thị và tập trung xây dựng đô thị, cơ sở hạ tầng nhằm thu hút dân số tăng cơ học cho khu vực nội thị dự báo đến năm 2040, dân số khu vực nội thị khoảng 106.000 người, tỷ lệ đô thị hóa đạt 68%. Định hướng phát triển nông thôn, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn để phục vụ sản xuất lâm nghiệp, nhất là vùng phía Tây sông Âm. Xây dựng các khu trung tâm cụm xã kết hợp với trung tâm dịch vụ hỗ trợ sản xuất nông nghiệp tại các xã Nguyệt Ấn, Cao Ngọc, Ngọc Trung để cung cấp các dịch vụ hỗ trợ sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, kho bãi... Khuyến khích người dân xây dựng nhà ở hình thức nhà truyền thống người Mường để giữ gìn nét văn hóa. Đồng thời, giữ gìn và phát triển các lễ hội, nghề truyền thống, như: dệt thổ cẩm, làm rượu cần... kết hợp du lịch nông nghiệp góp phần phát triển du lịch. Để bảo đảm tiêu chuẩn đô thị loại IV trên toàn huyện Ngọc Lặc vào năm 2030, tập trung đầu tư một số tiêu chí đánh giá trên toàn huyện như hệ thống giao thông, cấp điện, chiếu sáng công cộng, thu gom chất thải rắn. Đi đôi với đó, bảo đảm ổn định diện tích rừng phòng hộ theo quy hoạch 3 loại rừng, với diện tích khoảng 3.158 ha. Các khu vực có độ cao khoảng 350m trở lên, ưu tiên phát triển khoanh nuôi bảo vệ, phát triển rừng tự nhiên, rừng gỗ lớn để giữ nguồn nước, bảo đảm phát triển bền vững. Về trồng trọt, trước mắt duy trì diện tích sắn, mía hiện có; về lâu dài giảm diện tích trồng sắn, mía, mở rộng diện tích trồng ngô, dứa để phục vụ công nghiệp chế biến. Khuyến khích người dân cải tạo vườn tạp để phát triển các loại cây ăn quả, hình thành các vùng trồng cây ăn quả lớn và xây dựng thương hiệu, hướng tới thị trường xuất khẩu. Đồng thời, xây dựng trung tâm giống cây trồng tại Ngọc Lặc, cung cấp các loại giống cây ăn quả, cây lâm nghiệp cho khu vực Bắc Trung bộ và một số tỉnh Tây Bắc. Đi đôi với đó, quy hoạch còn xác định phát triển chăn nuôi tập trung, nhất là theo hướng trang trại tổng hợp kết hợp trồng trọt, bảo đảm yêu cầu vệ sinh môi trường. Phát triển Khu công nghiệp Ngọc Lặc, với diện tích 150 ha; 5 cụm công nghiệp là: Phúc Thịnh 50 ha, Cao Lộc Thịnh 48 ha, Minh Tiến 70 ha, Ngọc Sơn 75 ha. Các ngành nghề ưu tiên thu hút đầu tư là sản xuất hàng tiêu dùng, may mặc, da giầy; chế biến nông lâm sản, chế biến dược liệu. Phát triển du lịch với 2 sản phẩm chủ lực, là xây dựng Ngọc Lặc trở thành trung tâm hậu cần phục vụ phát triển du lịch cho khu vực miền núi phía Tây của tỉnh; tập trung phát triển loại hình du lịch văn hóa lịch sử trên cơ sở các khu vực đang khai thác du lịch hiệu quả. Quy hoạch 3 khu vực trọng tâm phát triển du lịch, là cụm trung tâm, với trọng tâm là các dịch vụ hậu cần tại thị trấn Ngọc Lặc và cụm du lịch khu vực hồ Cống Khê; cụm phía Nam phát triển các loại hình du lịch văn hóa lịch sử, các điểm di tích gắn với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, kết nối với khu vực Thọ Xuân, Thường Xuân; cụm phía Bắc phát triển loại hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái. Phát triển thương mại dịch vụ, hiện trên địa bàn huyện Ngọc Lặc có 18 chợ, đề xuất sau năm 2030 bổ sung thêm chợ đầu mối hạng I tại xã Kiên Thọ. Chức năng là chợ đầu mối nông lâm sản phục vụ cho vùng miền núi phía Tây của tỉnh, là cầu nối giao thương, nơi giao lưu văn hóa giữa khu vực miền xuôi và miền núi, góp phần là động lực để phát triển đô thị cho khu vực phía Nam của huyện. Đồng thời, bố trí các khu dịch vụ thương mại chủ yếu dọc đường Hồ Chí Minh, đường đi TP Thanh Hóa và tại các vị trí giao giữa các tuyến đường chính.

Ngoài ra, quy hoạch xây dựng vùng huyện Ngọc Lặc xác định, nâng cấp Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Lặc trở thành bệnh viện hạng I, quy mô 800 giường (tại thị trấn Ngọc Lặc), để phục vụ cho vùng miền núi phía Tây của tỉnh. Các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện cơ bản ổn định và đề xuất của quy hoạch là giữ nguyên các trường THPT, THCS, tiểu học, dân tộc nội trú, trung cấp nghề hiện có trên địa bàn, từng bước nâng cao chất lượng đào tạo và tăng lớp học theo nhu cầu thực tế. Điều chỉnh vị trí trung tâm thể thao mang cấp vùng đến khu vực dọc Quốc lộ 15, gắn với không gian văn hóa. Xây dựng các công trình văn hóa có hình thức kiến trúc biểu tượng, như: Nhà hát dân tộc, bảo tàng các dân tộc, góp phần quảng bá văn hóa các dân tộc và phát triển du lịch. Các công trình kiến trúc chủ yếu là thấp tầng và nhà sàn cho phù hợp với đô thị miền núi (trừ một số khu vực cần xây dựng công trình điểm nhấn). Xây dựng trung tâm hành chính mới tại trục trung tâm gắn với các cơ quan và quảng trường văn hóa. Các trung tâm xã được bố trí theo phương án sát nhập đơn vị hành chính cấp xã. Đi đôi với đó, quy hoạch xây dựng vùng huyện Ngọc Lặc đề xuất định hướng phát triển các công trình kết cấu hạ tầng giao thông, hệ thống cấp điện, cấp nước, xử lý nước thải, nghĩa trang, xử lý chất thải rắn.

Bài và ảnh: Xuân Cường

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/quy-hoach-tao-buoc-dot-pha-ve-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-cua-huyen-ngoc-lac/127751.htm