Quy hoạch quần đảo Cát Bà: Cần khoanh vùng bảo tồn để phát triển bền vững

Với vẻ đẹp thiên nhiên sẵn có cùng sự đa dạng về sinh học, Cát Bà đang được các cơ quan hữu quan làm hồ sơ đệ trình lên Unesco để công nhận bổ sung quần đảo này thuộc Di sản Thiên nhiên thế giới với tên gọi Vịnh Hạ Long – Cát Bà.

Chiến dịch “bê tông hóa” Cát Bà

Việc Cát Bà có được công nhận là một phần của Di sản Thiên nhiên thế giới hay không sẽ phụ thuộc rất nhiều vào cách ứng xử của con người với thiên nhiên nơi đây. Theo quy hoạch tổng thể phát triển du lịch bền vững quần đảo Cát Bà (huyện Cát Hải, TP Hải Phòng) đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050, có tới 40 dự án được nêu ra, trong đó có những dự án gây lo ngại cho giới chuyên gia.

Về việc cảng Cát Bà sẽ được mở rộng để kết nối với Hạ Long, ông Neahga Leonard - Giám đốc Dự án bảo tồn Cát Bà nhận định: Khu vực cảng được mở rộng này có hệ sinh thái biển và bãi bồi rất quan trọng đối với môi trường.

“Bãi triều và khu rừng ngập mặn sẽ không còn nữa, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của người dân cũng như môi trường. Việc mở rộng cảng là nhu cầu tất yếu nhưng cần tính toán một cách thông minh, có trách nhiệm và có tầm nhìn dài hạn”, ông Neahga Leonard cảnh báo.

Những hình ảnh về voọc Cát Bà. (Video do ông Neahga Leonard - Giám đốc Dự án bảo tồn Cát Bà cung cấp).

Trước những siêu dự án như Dự án mở rộng cảng Cát Bà, Dự án san lấp mặt biển thị trấn Cát Bà, hay Dự án sân golf và resort ở xã Xuân Đám,… với quan điểm của một nhà bảo tồn, ông Neahga Leonard tái khẳng định: “Chúng tôi nhận thức rất rõ ràng là cần phải phát triển kinh tế, cần xây dựng hạ tầng phục vụ phát triển du lịch. Tuy nhiên, chúng tôi mong muốn các bên liên quan cùng nhau đối thoại để có thể đưa ra chiến lược phát triển bền vững, thực sự cẩn trọng. Có thể việc bảo vệ thiên nhiên không mang lại lợi ích ngay lập tức nhưng trong tương lai nó sẽ là việc làm bảo vệ chính chúng ta”.

“Karaoke hay sân golf không phải là giá trị của Cát Bà, thiên nhiên mới chính là giá trị của Cát Bà. Niềm tự hào về hệ sinh thái nơi đây cần phải đi đôi với việc bảo vệ giá trị đó” - ông Neahga Leonard phân tích.

Ông Neahga Leonard, Giám đốc Dự án bảo tồn Cát Bà. Phía sau lưng ông là thị trấn Cát Bà và khu vực mặt biển sẽ được san lấp theo quy hoạch.

Ông Neahga Leonard, Giám đốc Dự án bảo tồn Cát Bà. Phía sau lưng ông là thị trấn Cát Bà và khu vực mặt biển sẽ được san lấp theo quy hoạch.

Theo thiết kế dự án san lấp biển tại thị trấn Cát Bà, diện tích của thị trấn Cát Bà sẽ tăng lên gấp đôi so với hiện tại và sẽ có nhiều hơn các nhà hàng, khách sạn mọc lên. Bến cảng hiện tại sẽ được di chuyển ra ngoài, làng chài Cát Bà cũng sẽ bị dịch chuyển sang khu vực khác. Điều đáng lo ngại là việc lấp biển có thể khiến Cát Bà trở thành một Hạ Long thứ hai, đó là thực trạng du khách đi trên đường sẽ không còn được ngắm biển do ngăn cách bởi các công trình xây dựng thuộc khu vực san lấp.

Còn GS. Nguyễn Hoàng Trí nhận định, khu vực biển được san lấp trước sau cũng sẽ bị sạt lở vì đó không phải là sự bồi tụ tự nhiên.

Có nhất thiết phải làm sân golf?

Mặc dù cả một vùng mặt nước sẽ biến mất, nhưng theo đánh giá của ông Neahga Leonard, một người có nhiều năm lăn lộn với việc bảo tồn hệ sinh thái Cát Bà, việc lập quy hoạch tại đây sẽ gây tác động đến môi trường và hệ sinh thái ở mức thấp nhất, nên không có nhiều điều cần lo lắng đối với dự án này.

Tuy nhiên, điều khiến các chuyên gia lo ngại là khu vực mặt biển rộng lớn phía Tây của đảo Cát Bà, thuộc xã Xuân Đám cũng sẽ được san lấp để phục vụ dự án khách sạn, sân golf. Đây là khu vực có hệ sinh thái đặc biệt quan trọng đối với quần đảo Cát Bà.

Nói về vai trò của khu rừng ngập mặn và bãi triều tại xã Xuân Đám, GS. Nguyễn Hoàng Trí cho biết khu rừng này có tác dụng bảo vệ đê không bị sóng biển đánh vào, thậm chí ngay cả khi có sóng thần cao từ 10-15m. Hơn nữa, bên trong rừng ngập mặn được coi là vườn ươm cho sự sống của biển, là môi trường lý tưởng để các loài sinh sản.

GS. Nguyễn Hoàng Trí tại khu vực rừng ngập mặn xã Xuân Đám.

“Chúng ta có thể cân đong đo đếm được giá trị mang lại của resort, sân golf, nhưng không thể đong đếm được giá trị mà khu rừng ngập mặn này mang lại cho con người. Việc đánh đổi để lấy sự phát triển kinh tế chỉ có thể giải thích là do sự thiếu hiểu biết, trí tuệ kém của con người”, GS. Nguyễn Hoàng Trí nói.

“Đây là khu vực không thể đánh đổi, cần phải giữ nguyên vì là khu vực có sinh cảnh quan trọng, có giá trị về đa dạng sinh học rất cao. Đối với người dân đảo Cát Bà, hai nghề sinh sống chính của họ là dịch vụ du lịch và nghề cá. Chính vì thế, bãi triều này là rất quan trọng đối với sinh kế của người dân địa phương”, ông Neahga Leonard đồng quan điểm với GS.Nguyễn Hoàng Trí.

Ông Neahga một lần nữa nhấn mạnh thông điệp: Không phải lúc nào giữa bảo tồn và phát triển cũng đối đầu nhau, chúng ta hoàn toàn có cách phát triển sao cho giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Một khi đã biến khu vực này thành sân golf, đến một lúc nào đó, nếu chúng ta cảm thấy sân golf là không cần thiết nữa thì sẽ không bao giờ có thể phục hồi lại được khu rừng ngập mặn và bãi triều này.

Toàn bộ khu vực này gồm cánh đồng bên trong đê, rừng ngập mặn, bãi triều sẽ được san lấp để phục vụ dự án sân golf và resort.

Trong chiến lược phát triển du lịch của Cát Bà, UBND TP Hải Phòng tham vọng sẽ tăng gấp 3 lần lượng du khách vào năm 2020 so với con số 1,7 triệu lượt du khách năm 2017. Điều này đòi hỏi nhu cầu quá lớn về hạ tầng du lịch như đường sá, khách sạn, resort, nhà hàng,… Những gì đang diễn ra không chỉ ở Cát Bà mà đã diễn ra ở rất nhiều nơi của Việt Nam như Hạ Long, Phú Quốc, Ninh Bình, Sơn Trà,…

Tuy nhiên, ông Neahga Leonard bày tỏ hy vọng về một cái kết có hậu cho Cát Bà bởi dù sao những dự án nói trên hiện vẫn chỉ nằm trên giấy.

"Những gì tôi chia sẻ mới chỉ là kế hoạch, và kế hoạch thì chỉ là ban đầu và hoàn toàn có thể thay đổi. Chúng ta cần thảo luận và làm sao để tất cả các bên liên quan cùng ngồi lại với nhau, từ đó đưa ra chiến lược phát triển hài hòa nhất".

Nguyễn Tuân

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/quy-hoach-quan-dao-cat-ba-can-khoanh-vung-bao-ton-de-phat-trien-ben-vung-post256617.info