Quy hoạch phát triển, quản lý báo chí và sự cạnh tranh của mạng xã hội

Trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra ngày càng sôi động, với sự ra đời của hàng loạt công nghệ truyền thông, phát triển như vũ bão của các trang mạng xã hội đã tạo ra nhiều thách thức cho các cơ quan báo chí, trong đó chất lượng nhân lực là một nhân tố quyết định đến sự 'tồn vong'. Đặc biệt, với quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã đặt ra những yêu cầu cấp thiết, đòi hỏi các cơ quan báo chí phải kiện toàn bộ máy và có những chiến lược cụ thể để tồn tại và phát triển.

Không ngừng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

TS. Trần Doãn Tiến, Tổng biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam cho biết, sự phát triển của thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt ra những yêu cầu và thách thức mới đối với công tác báo chí, đặc biệt là đối với báo mạng điện tử trong việc xây dựng tòa soạn báo hiện đại, đa phương tiện. Việc đẩy mạnh công tác đào tạo, tự đào tạo là một việc làm hết sức cần thiết nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã trải qua gần 2 thập kỷ xây dựng và phát triển. Với sự quan tâm chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương, sự phối hợp hiệu quả của các cấp chính quyền, phấn đấu của tập thể tòa soạn, Báo đã có bước phát triển toàn diện, xứng đáng là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Đến nay, Báo có 7 ấn phẩm: Tiếng Việt, Tiếng Anh, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc, Truyền hình, Trang thông tin điện tử Hồ Chí Minh, Hệ thống Tư liệu - Văn kiện, mỗi ngày xuất bản gần 200 tin, bài, với trên 1,5 triệu lượt người truy cập/ngày, đã thực sự góp phần chi phối, định hướng thông tin trên mạng.

TS. Trần Doãn Tiến, TBT Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam trong một lần ra thăm cán bộ, chiến sĩ tại Trường Sa

TS. Trần Doãn Tiến, TBT Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam trong một lần ra thăm cán bộ, chiến sĩ tại Trường Sa

Chất lượng nguồn nhân lực của Báo hiện nay về cơ bản đáp ứng yêu cầu công việc. Tại Báo hiện nay, công tác viết, biên tập và xuất bản tin, bài tuân thủ theo một quy trình nghiêm ngặt 5 bước, bảo đảm không để xảy ra sai sót về chính trị, nhưng cũng linh hoạt đối với việc xuất bản các tin tức thời sự nhằm bảo đảm tính kịp thời của một tờ báo điện tử. Báo đặc biệt chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực thông qua việc cử cán bộ, phóng viên tham gia các chương trình đào tạo do các học viện, đại học hoặc các hội nghề nghiệp tổ chức; mời giảng viên có kinh nghiệm là lãnh đạo các cơ quan báo chí có uy tín về đào tạo trực tiếp tại Báo.

TS. Trần Doãn Tiến cho biết, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025, mục tiêu đã được Thủ tướng nêu rõ: “Sắp xếp hệ thống báo chí gắn với đổi mới mô hình tổ chức, nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý báo chí để phát triển hệ thống báo in, báo hình, báo nói, báo điện tử. Xây dựng một số cơ quan báo chí chủ lực, đa phương tiện làm nòng cốt, có vai trò định hướng dư luận xã hội, thông tin đối ngoại.

Sắp xếp hệ thống báo chí, khắc phục tình trạng chồng chéo, đầu tư dàn trải, buông lỏng quản lý, hoạt động xa rời tôn chỉ, mục đích, gắn với việc xác định rõ trách nhiệm lãnh đạo, quản lý báo chí của các cấp ủy Đảng, chính quyền, nhất là của người đứng đầu cơ quan chủ quản và cơ quan báo chí. Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, phóng viên, biên tập viên có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu phát triển báo chí trong tình hình mới”. Chiến lược phát triển đội ngũ nhân lực của tòa soạn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam trong thời gian tới sẽ luôn bám sát để bảo đảm thực hiện tốt các mục tiêu trên.

Thực hiện nghiêm tinh thần Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương về sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, thực hiện chủ trương của Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương và căn cứ Quyết định số 2034-QĐ/BTGTW ngày 08/4/2019 của Ban Tuyên giáo Trung ương về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Báo đã sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy từ 16 đầu mối cấp ban chuyên môn xuống còn 11 đầu mối trực thuộc... trong lộ trình chiến lược phát triển ấy, Báo đặc biệt quan tâm xây dựng nguồn nhân lực.

"Trong thời gian tới, Báo sẽ chú trọng thực hiện đồng bộ một số giải pháp như, thực hiện điều động, luân chuyển đội ngũ nhân sự phù hợp năng lực, sở trường và hướng phát triển lâu dài… Tăng cường công tác đào tạo cả về lý luận chính trị và chuyên môn nghiệp vụ, chú trọng tập huấn về kỹ thuật công nghệ hiện đại, phương pháp làm việc và tính chuyên nghiệp cho đội ngũ cán bộ, phóng viên , đáp ứng tối đa của tòa soạn hội tụ, có thể làm chủ mọi kỹ thuật, công nghệ để tạo ra các tác phẩm báo chí đa phương tiện... Đây là giải pháp quan trọng, quyết định đến chất lượng, hiệu quả nguồn nhân lực của Báo" - TS. Trần Doãn Tiến cho biết.

Phóng viên cần có khả năng tác nghiệp đa dạng và đa phương tiện

Nhà báo Trần Lan Anh, Phó Tổng biên tập Báo Nhà báo và Công Luận cho biết, những năm gần đây với sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ truyền thông, mạng internet, thiết bị di động cầm tay... đã làm thay đổi căn bản cấu trúc, phương thức truyền thông, từ quá trình sản xuất chương trình, truyền dẫn, thiết lập tương tác, tiếp nhận thông tin của công chúng. Từ đó xuất hiện ngày càng phổ biến mô hình tòa soạn hội tụ các loại hình báo chí và truyền thông đa phương tiện.

Nhà báo Trần Lan Anh, Phó Tổng biên tập Báo Nhà báo và Công Luận

Trong tác nghiệp, các nhà báo cần phải đa kỹ năng để sử dụng các phương tiện khác nhau. Nhà báo có thể hoạt động độc lập với tòa soạn mà vẫn phản ánh kịp thời các sự kiện, chất lượng tốt. Công chúng được tham gia, biểu đạt ý kiến qua phương tiện báo chí, truyền thông, năng lực của công chúng tham gia vào các quá trình truyền thông ngày một nâng cao. Điều này khiến cho hầu hết các tòa soạn gặp khó khăn trong việc tuyển dụng và phát triển nguồn nhân lực của mình và báo Nhà báo & Công luận không nằm ngoài dòng chảy đó

Báo Nhà báo & Công luận đang thực hiện mô hình tòa soạn hội tụ, vì vậy đòi hỏi phóng viên có khả năng tác nghiệp đa dạng và đa phương tiện. Hiện nay, chúng tôi đang cần tuyển dụng khá nhiều vị trí từ PV đến BTV, nhưng trên thực tế, không phải lúc nào chúng tôi cũng tuyển dụng ngay được những phóng viên, BTV đạt yêu cầu. Vì vậy, việc thực hiện đào tạo và đào tạo lại là giải pháp để chúng tôi bổ sung và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại báo Nhà báo & công luận. Việc ổn định nguồn cung nhân lực được chúng tôi tiến hành song song với việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ PV, BTV, nhân viên đang công tác tại tòa soạn.

Vừa là cơ hội, vừa là thách thức

Cùng quan điểm trên, Phó Tổng biên tập báo Thanh Tra Đỗ Công Định cho rằng, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, cùng với sự vận động rất nhanh của cuộc sống chính là mảnh đất màu mỡ cho báo chí phát triển và khẳng định chỗ đứng của mình, nhưng đồng thời cũng đặt ra vấn đề về nhân sự và chất lượng nhân sự, mà cụ thể là chất lượng phóng viên để đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao nhu cầu thông tin và sự tích hợp của báo chí hiện đại. Đây cũng chính là cơ hội, đồng thời cũng là thách thức khó khăn vô cùng lớn đối với báo chí nói chung và với mỗi người cầm bút nói riêng.

Phóng viên cần có khả năng tác nghiệp đa dạng và đa phương tiện

Thật tình mà nói, số lượng nhà báo đáp ứng được đòi hỏi của thời cuộc, của công nghệ làm báo hiện nay thấp hơn nhu cầu. Đấy là chưa kể thường xuyên đối mặt với việc bị thu hút nhân sự từ các tờ báo khác có thu nhập tốt hơn, chế độ đãi ngộ cao hơn. Song song đó, các nhà báo chuyên nghiệp hiện nay đang phải “cạnh tranh” trong một “cuộc chơi” không dễ dàng với các các nhà báo công dân trên các mạng xã hội rất phổ biến như Facebook, Youtube, Instagram, Twitter.v.v… Người cầm bút nếu không vững thông tin, vững tay nghề, sẽ trở thành những người sao chép thông tin mờ nhạt, đi sau mạng xã hội. Điều này cho thấy nhu cầu và chất lượng nhân sự ngày một khó khăn hơn trong bối cảnh mạng xã hội đang là một kênh “cạnh tranh” với báo chí hiện nay.

Trước một lực lượng “nhà báo công dân” trên các mạng xã hội cực kỳ lớn như thế, thông tin thật giả, thực hư khó kiểm chứng tính chính xác, thì tính chuyên nghiệp của nhà báo càng càn hơn bao giờ hết- đó chính là bản lĩnh đạo đức nghề nghiệp và sự dấn thân có phẩm chất phụng sự. Bởi thế, hiện nhiều cơ quan báo chí và nhiều nhà báo đã sử dụng rất hiệu quả sự tương hỗ nguồn thông tin của các nhà báo công dân, bằng cách sử dụng nguồn “tài nguyên” thông tin phong phú này như một thứ “quặng” để luyện nên những bài viết hay, kịp thời, chân thực cung cấp đến cho độc giả, thính giả những thông tin kiểm chứng chất lượng tin cậy. Đó chính là cách nhà báo chuyên nghiệp “luyện quặng thành vàng”, là cách mà báo chí chuyên nghiệp “giong buồm” tận dụng sức gió từ các thông tin mênh mông trong đời sống, để tạo nên một con tàu truyền thông siêu tốc trên hành trình phát triển của mình…

Chu Lương - Thanh Nhung

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/quy-hoach-phat-trien-quan-ly-bao-chi-va-su-canh-tranh-cua-mang-xa-hoi-d99887.html