Quy hoạch phát triển điện: Khó vẫn phải làm

Điện là một trong những vấn đề liên quan trực tiếp hàng ngày đến đời sống dân sinh, hoạt động của DN... Xoay quanh 'Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn tới năm 2045' (Quy hoạch điện VIII), hiện vẫn có nhiều ý kiến chia sẻ, góp ý từ các nhà quản lý, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực công nghiệp điện lực.

Công nhân EVN đảm bảo cung cấp điện an toàn. Ảnh: Hoàng Anh

Công nhân EVN đảm bảo cung cấp điện an toàn. Ảnh: Hoàng Anh

Cân nhắc phương án

Theo Phó trưởng phòng Phát triển hệ thống điện (Viện Năng lượng, Bộ Công Thương) Nguyễn Mạnh Cường, việc thiết kế hệ thống lưới truyền tải đảm bảo đi trước một bước. Tuy nhiên, đang có sự thiếu cân đối giữa công suất nguồn đăng ký với phụ tải, giữa các vùng, tiểu vùng và các tỉnh. Các nguồn điện hiện đăng ký tập trung quá nhiều tại miền Trung, miền Nam. Đến năm 2030, Nam bộ và Nam Trung bộ dư khoảng 80 GW, Tây Nguyên dư 18 GW. Nếu tất cả các nguồn đăng ký đầu tư thêm đều được phê duyệt (162,5 GW) thì tổng công suất nguồn toàn quốc năm 2030 sẽ dư 137 GW (dư 162%). Do vậy, đến năm 2030 sẽ chỉ có một phần nguồn điện đăng ký được phê duyệt bổ sung quy hoạch. Lượng công suất nguồn còn lại xem xét phát triển trong giai đoạn 2031 - 2045.Trước bất cập này, ông Cường đưa ra 3 phương án truyền tải điện liên vùng. Cụ thể, phương án 1: Xây thêm đường dây AC 500 kV mạch kép Nam Trung bộ - Bắc bộ chiều dài khoảng 1.200km, quy mô truyền tải 2.000MW. Phương án 2: Xây đường dây DC 525 kV Nam Trung bộ - Bắc bộ dài 1.200km, quy mô 2.000MW. Phương án 3: Xây đường dây DC 800kV Nam Trung bộ - Bắc bộ. Phân tích từng phương án, ông Cường cho hay, phương án 1 có mức chi phí đầu tư thấp, còn lại phương án 2 và 3 có vốn đầu tư cao hơn do chi phí của các trạm chuyển đổi AC - DC lớn. Do vậy, nên xem xét phương án 1, nâng cấp hệ thống truyền tải 500kV Nam Trung bộ - Bắc bộ. Giai đoạn 2021 - 2030, trên toàn quốc cần xây mới 81GVA công suất trạm biến áp 500kV và khoảng 12.000km đường dây 500 kV; 83GVA công suất trạm biến áp 220kV và 20.000 km đường dây 220kV. Trong 10 năm tới, trung bình mỗi năm cần đưa vào vận hành 1.200 đường dây 500kV, 2.000km đường dây 220kV. “Cần thực hiện thêm nhiều nghiên cứu chuyên sâu để nâng cao hiệu quả vận hành lưới điện, giảm thiểu các rủi ro về an toàn hệ thống do sự bất định của năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió; nghiên cứu ứng dụng các loại công nghệ tích trữ năng lượng, nhà máy điện ảo...” - ông Cường kiến nghị.Đề cập đến giá truyền tải điện, theo bà Lê Thị Thu Hà, phòng Phát triển Hệ thống điện (Viện Năng lượng), giai đoạn 2020 - 2025 nhu cầu đầu tư rất lớn, các nguồn vay ODA chính đã dừng hẳn. Do vậy, cần xem xét giá truyền tải, điều chỉnh để các chỉ tiêu tài chính của các đơn vị truyền tải tốt hơn nữa (xem xét tăng tỷ lệ lợi nhuận, tạo nguồn vốn tự có lớn hơn), đáp ứng nhu cầu đầu tư của hệ thống. “Giá truyền tải cần tăng từ 101,3 đồng/kWh năm 2019 lên mức 138 đồng/kWh năm 2025 và sau đó giảm còn 130 đồng/kWh giai đoạn 2026-2030” - bà Hà nói.Xu hướng truyền tải điện sẽ có nhiều thay đổiTheo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, Quy hoạch điện VIII về cơ bản đã hoàn thành, theo đúng kế hoạch Bộ Công Thương sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ vào tháng 10/2020. Chương trình phát triển nguồn điện giai đoạn tới năm 2030, dự kiến tổng công suất nguồn điện sẽ tăng thêm khoảng gần 80.000MW so với năm 2020, trong đó các nguồn điện lớn như các nhà máy nhiệt điện than, khí và LNG dự kiến sẽ tăng thêm khoảng trên 30.000MW; các nhà máy điện gió onshore, offshore và điện mặt trời dự kiến tăng thêm khoảng gần 30.000MW. Tuy nhiên, phần lớn các nguồn điện đều tập trung nằm xa trung tâm phụ tải. Vì vậy, công tác phát triển lưới truyền tải để giải tỏa công suất các nguồn điện này đặt ra nhiều nội dung cần xem xét và nghiên cứu. Kết quả nghiên cứu của Đề án chỉ ra rằng xu hướng truyền tải điện sẽ có nhiều thay đổi trong thời gian tới. Thay vì truyền tải điện từ miền Bắc vào miền Nam như những năm qua, chiều truyền tải có xu hướng thay đổi dần theo chiều ngược lại. “Chính vì vậy, việc phát triển hợp lý, hài hòa, lưới điện truyền tải, đảm bảo vận hành ổn định hệ thống cần phải được nghiên cứu và xem xét cụ thể” - Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh. Theo báo cáo của Viện Năng lượng, hiện hệ thống điện được phân chia thành 6 vùng (Bắc bộ, Bắc Trung bộ, Trung Trung bộ, Tây Nguyên, Nam Trung bộ và Nam bộ), 19 tiểu vùng để tính toán cơ cấu nguồn từng vùng và quy mô truyền tải liên vùng, gồm công suất, sản lượng, chiều truyền tải. Quy mô nguồn điện bao gồm tất cả các nguồn điện hiện trạng và đã được đăng ký khoảng 2.200 dự án, tương đương 220 GW. Nhiều vùng, tiểu vùng có quy mô nguồn đăng ký lớn hơn rất nhiều phụ tải khu vực đó.

Dự kiến đến năm 2030, miền Bắc có xu hướng bị thiếu nguồn, cần nhận điện từ Vùng lân cận như Bắc Trung bộ, Trung Trung bộ và Tây Nguyên. Đến 2045, Nam Trung bộ và Tây Nguyên sẽ là 2 khu vực nguồn lớn của cả nước, cần truyền tải đi xa tới các vùng khác.

Hoàng Anh

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/quy-hoach-phat-trien-dien-kho-van-phai-lam-398049.html