Quy hoạch nuôi trồng thủy sản trên sông Chà Và bị phá vỡ

Nhiều năm trở lại đây, số lượng lồng bè nuôi trồng thủy sản (NTTS) trên sông Chà Và (xã Long Sơn, TP Vũng Tàu) tăng lên nhanh chóng, đã phá vỡ quy hoạch, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng an toàn giao thông đường thủy và còn làm phát sinh những thiệt hại lớn cho chính ngư dân…

Những bè nuôi cá lồng bè nằm san sát nhau trên sông Chà Và

Những bè nuôi cá lồng bè nằm san sát nhau trên sông Chà Và

Quản lý lỏng lẻo

Trở lại Long Sơn trong cái nắng nóng tháng 6, đứng trên cầu Chà Và phóng tầm mắt về hai bên bờ sông có thể thấy nơi đây tập trung NTTS với những chiếc bè nằm san sát nhau kéo dài về hướng TP Vũng Tàu. Cách đây gần 2 năm, tại đây, hàng trăm tấn cá của bà con ngư dân chết hàng loạt, thiệt hại hơn 18 tỷ đồng. Cơ quan chức năng kết luận nguyên nhân chủ yếu do xả thải của các doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, đến năm 2016, cá lồng bè trên sông Chà Và lại tiếp tục chết với thiệt hại khoảng 37 tỷ đồng. Ngoài yếu tố ô nhiễm môi trường tích tụ, cơ quan chức năng đã chỉ ra nguyên nhân cá chết hàng loạt là thời tiết thay đổi đột ngột dẫn đến độ mặn giảm và nhất là việc NTTS với mật độ dày đặc đã gây nên tình trạng thiếu ôxy trong nước.

Ông Lê Văn Thuận (tiểu khu 2), một ngư dân dày dạn kinh nghiệm cho hay, từ NTTS nhiều người dân ở Long Sơn có nhà lầu, xe hơi, nhưng cũng chính từ NTTS vài năm trở lại đây nhiều người trắng tay sau những đợt cá chết. Ông Thuận cũng đồng tình quan điểm số lượng lồng bè tăng đột biến trong nhiều năm làm ảnh hưởng không ít đến môi trường nuôi trồng. Theo Chi cục Thủy sản của tỉnh, năm 2006 có 13 DN với 13 bè NTTS tại khu vực, đến nay số cơ sở và số lượng bè nuôi gia tăng không ngừng: năm 2012 có 81 bè với khoảng 2.670 lồng; năm 2017 lên đến 275 bè với khoảng 8.000 lồng NTTS, trong đó có 99 bè (khoảng 2.697 lồng) nằm ngoài quy hoạch. Tính toán của cơ quan chức năng cho thấy, nhiều khu NTTS nơi đây đã vượt quy hoạch gấp nhiều lần so với quy định. Chẳng hạn như tiểu khu 4 có 76 hộ nuôi với 1.852 lồng, vượt 117,6%; còn tại tiểu khu 8 có 50 hộ nuôi với 1.031 lồng, vượt 155%. Theo đại diện Sở NN-PTNT, tình trạng lồng bè NTTS trái phép mọc lên rầm rộ là do sự buông lỏng quản lý và thiếu phối hợp giữa chính quyền địa phương với các sở, ngành.

Cần mạnh tay cắt giảm, di dời lồng bè

Theo người dân địa phương, đánh bắt thủy hải sản là nghề có từ khi mới khai khẩn vùng đất này, theo thời gian, người dân chuyển sang nuôi trồng hải sản và trở thành một nghề chính nuôi sống hàng trăm hộ gia đình ở xã đảo. Sau những đợt cá chết, người dân ngậm ngùi phơi lưới đợi vay mượn các nơi để tiếp tục đợt nuôi mới, nếu không nuôi tiếp sẽ không biết lấy gì trả số nợ cũ đang chồng chất. Thêm một lý do, nguồn lợi nhuận thu được từ nuôi cá lồng bè của những năm trước và nhìn toàn cục thì số lượng hộ làm ăn khấm khá vẫn nhiều hơn số hộ thua lỗ, do đó công việc NTTS vẫn có sức hút lớn.

Ông Trần Văn Cường, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, để giải quyết tình trạng quá tải NTTS ở khu vực sông Chà Và, sở đã xây dựng kế hoạch bố trí sắp xếp và di dời các cơ sở lồng bè vào khu quy hoạch được tỉnh phê duyệt. Theo đó, sở sẽ phối hợp với UBND xã Long Sơn, Phòng Kinh tế TP Vũng Tàu thành lập ban chỉ đạo thực hiện công tác quy hoạch khu NTTS và sắp xếp lồng bè, tuyên truyền vận động toàn bộ các cơ sở NTTS lồng bè trên sông Chà Và cắt giảm 50% mật độ lồng nuôi. Tỉnh cũng sẽ mở rộng diện tích hiện hữu tại các tiểu khu hiện có và 2 vị trí nuôi tập trung mới là khu NTTS lồng bè phía trái luồng sông Mỏ Nhát, khu NTTS lồng bè phía bên trái luồng sông Dinh (đoạn từ cầu Gò Găng đến cầu Cỏ May) để bố trí cho các cơ sở nuôi, tập trung di dời về đây.

Theo quy hoạch phát triển NTTS được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phê duyệt đến năm 2020, cá biển nuôi lồng bè là một trong các mặt hàng thủy sản chủ lực của tỉnh. Chính vì vậy, UBND tỉnh cũng đã quyết định kiện toàn ban soạn thảo quy chuẩn kỹ thuật địa phương về cơ sở nuôi cá lồng bè cửa sông để có thể quản lý các vấn đề an toàn thực phẩm và môi trường, hướng ngành NTTS theo hướng phát triển bền vững. Bên cạnh công tác vận động, thiết nghĩ chính quyền địa phương cùng ngành chức năng cũng cần mạnh tay với các trường hợp nuôi trồng tự phát với số lượng lớn, đẩy nhanh tiến độ di dời lồng bè để góp phần tránh những thiệt hại cho chính ngư dân.

NÔNG NGÂN

Nguồn SGGP: http://www.sggp.org.vn/quy-hoach-nuoi-trong-thuy-san-tren-song-cha-va-bi-pha-vo-450433.html