Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp: Thích ứng với thị trường lao động

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trao đổi với phóng viên Báo Hànôịmới về nội dung này, Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Trương Anh Dũng cho biết, việc triển khai lập quy hoạch hướng tới mục tiêu hình thành mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp đa dạng, linh hoạt, tạo nền tảng phát triển giáo dục nghề nghiệp thích ứng với thị trường lao động.

So với giai đoạn trước, thời gian gần đây số người lựa chọn học nghề không ngừng tăng lên. Ảnh: Mạnh Hùng

- Nhìn lại công tác tuyển sinh, đào tạo nghề, ông đánh giá thế nào về tình hình hoạt động của mạng lưới giáo dục nghề nghiệp hiện nay?

- Cả nước hiện có hơn 1.900 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 399 trường cao đẳng, 462 trường trung cấp và hơn 1.000 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên. Mạng lưới này phân bố rộng khắp cả nước, các cơ sở không ngừng đổi mới, thu hút đông đảo người lao động học nghề. Từ năm 2017 đến nay, trung bình mỗi năm cả nước tuyển sinh, đào tạo nghề cho hơn 2 triệu lượt người, vượt kế hoạch đề ra (từ năm 2016 trở về trước, số người học nghề chỉ đạt từ 60% đến 70% chỉ tiêu). Khi ra trường, 85% số người học nghề có việc làm, thậm chí một số ngành, nghề không đủ cung ứng lao động cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, hoạt động giáo dục nghề nghiệp ngày càng nhận được sự quan tâm của các cơ quan chức năng, người dân, thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia quá trình tuyển sinh, đào tạo, sử dụng lao động… Đó là những yếu tố thuận lợi, tạo đà cho mạng lưới giáo dục nghề nghiệp phát triển, góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo, tăng năng suất lao động…

- Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động của mạng lưới giáo dục nghề nghiệp vẫn còn bộc lộ không ít hạn chế, vướng mắc, thưa ông?

- So với giai đoạn trước, thời gian gần đây số người lựa chọn học nghề không ngừng tăng lên. Tuy nhiên, so với quy mô dân số hơn 90 triệu người, trong đó có hơn 50 triệu người trong độ tuổi lao động, thì số lao động học nghề ở nước ta chưa đáp ứng được mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chưa đủ cung ứng nguồn nhân lực có kỹ năng nghề cho thị trường lao động.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là công tác phân luồng sau trung học cơ sở, trung học phổ thông chưa hợp lý; đa số người dân còn nặng tâm lý muốn con, em mình theo học trung học phổ thông, sau đó học tiếp đại học. Trong khi đó, một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa chủ động đổi mới, sáng tạo; cơ sở vật chất chưa đáp ứng được yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực thời kỳ hội nhập, phát triển…

- Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, theo ông, thời kỳ 2021-2030, những ngành, nghề nào cần nhiều nhân lực?

- Nhiều quốc gia dự báo, trong tương lai gần, các ngành, nghề liên quan đến tự động hóa, điện tử, chế tạo thiết bị cơ khí, vận hành hệ thống quản trị, công nghệ chế tạo khuôn mẫu, công nghệ thông tin, nhà máy thông minh, trang trại thông minh, thời trang số… cần rất nhiều nhân lực. Việc sử dụng nhân lực không còn trong phạm vi một nước, mà có sự hội nhập, xóa bỏ ranh giới giữa các quốc gia.

Điều này đòi hỏi mạng lưới giáo dục nghề nghiệp ở nước ta vừa phải tuyển sinh, đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động, vừa đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đủ khả năng làm chủ công nghệ mới.

- Theo ông, để phát triển giáo dục nghề nghiệp thích ứng với thị trường lao động, việc lập quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẽ được triển khai theo hướng nào?

- Triển khai quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp hướng tới hai mục tiêu lớn là tăng quy mô và nâng cao chất lượng. Tuy nhiên, việc tăng quy mô không có nghĩa là tăng số lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp, mà tập trung tăng số lượng người học nghề. Từ năm 2025, cả nước tuyển sinh, đào tạo nghề cho khoảng 4,5 triệu lượt người/năm. Cùng với đó, mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng như các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải phát triển theo hướng mở, linh hoạt, phù hợp với đặc thù sử dụng lao động ở từng địa phương, khu vực; đáp ứng tốt nhu cầu nguồn nhân lực cho từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội trong nước, tiếp cận với thị trường thế giới.

Mặt khác, công tác tuyển sinh, đào tạo nghề có sự tham gia chặt chẽ của doanh nghiệp, đưa doanh nghiệp trở thành trường học thứ hai. Các nhà trường tích cực đổi mới cơ chế hoạt động, từng bước tự chủ tài chính, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, nội dung, chương trình đào tạo…

Phía sau sự phát triển giáo dục nghề nghiệp là tăng năng suất lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia. Do vậy, các cơ quan chức năng, các địa phương cần quan tâm nhiều hơn đến công tác phát triển giáo dục nghề nghiệp.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Minh Ngọc

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/972014/quy-hoach-mang-luoi-co-so-giao-duc-nghe-nghiep-thich-ung-voi-thi-truong-lao-dong