Quy hoạch giao thông tĩnh: Cơ sở để thu hút đầu tư hạ tầng đô thị

UBND TP Hà Nội vừa có Tờ trình gửi HĐND TP xem xét, thông qua Quy hoạch bến, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Nếu được thông qua, đây sẽ là cơ sở pháp lý vững chắc, ổn định, tạo động lực thúc đẩy các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực hạ tầng giao thông tĩnh của Thủ đô.

15 năm bấp bênh
Theo thống kê của Sở GTVT Hà Nội, TP hiện có 706.468 ô tô, 5.627.637 xe máy, gần 143.000 xe máy điện và các loại phương tiện khác. Trong khi đó, hạ tầng giao thông tĩnh mới đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu thực tế. Sự phát triển mất cân đối giữa phương tiện giao thông cá nhân với kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó có hạ tầng giao thông tĩnh, dẫn đến UTGT vẫn diễn biến phức tạp.

Quang cảnh bến xe khách Mỹ Đình. Ảnh: Thanh Hải

Mặt khác, năm 2013, UBND TP Hà Nội đã xây dựng Quy hoạch mạng lưới bến bãi, điểm đỗ xe công cộng, được phê duyệt tại Quyết định số 165/QĐ - UB (Quy hoạch 165). Theo đó, đến năm 2020, Hà Nội sẽ dành tổng quỹ đất cho giao thông tĩnh là 796,82ha. Nhưng trên thực tế, đến hết năm 2016 mới bố trí được 91,16ha, chiếm 0,21% đất xây dựng đô thị. Kết quả giám sát của HĐND TP Hà Nội trong năm 2017 đã cho thấy, Quy hoạch 165 đã không còn phù hợp với tình hình hiện tại. Một trong những vấn đề lớn nhất là nhiều vị trí dành cho giao thông tĩnh tại Quy hoạch 165 đã hoặc sắp bị thay đổi, điều chỉnh theo một số quy hoạch, định hướng khác. Sự bấp bênh đó chính là lực cản rất lớn khiến cho việc thu hút nguồn vốn xã hội hóa đầu tư vào hạ tầng giao thông tĩnh không đem lại hiệu quả như mong muốn.

Mục tiêu quy hoạch mạng lưới bãi đỗ xe công cộng là đáp ứng được khoảng 66% tổng nhu cầu đỗ xe của Hà Nội. Nhu cầu đỗ xe còn lại được phân bổ vào công trình xây dựng (công cộng, dịch vụ, hỗn hợp, trụ sở, trường đào tạo, nhà ở cao tầng...) theo hướng tăng tầng hầm, tăng diện tích đỗ xe đảm bảo đáp ứng nhu cầu bản thân và một phần nhu cầu công cộng của khu vực xung quanh.

Theo Quy hoạch sẽ có 1.480 vị trí bãi đỗ xe công cộng tập trung với tổng quy mô diện tích 1.197,8ha. Trong đó có 74 vị trí xây dựng bãi đỗ xe ngầm (chiếm tỷ lệ 5% - chủ yếu trong khu vực nội đô lịch sử); 450 bãi đỗ xe cao tầng (chiếm tỷ lệ 30,4%) còn lại là các bãi đỗ xe mặt đất. Quy hoạch 13 vị trí bãi đỗ xe trung chuyển Park and Ride (17,7ha) dọc theo các trục đường vành đai, trục hướng tâm tại vị trí gần các đầu mối giao thông, vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn. Quy hoạch 133 vị trí các bãi đỗ xe buýt và 88 bãi đỗ xe tải trong phạm vi đô thị trung tâm, tổng diện tích 590,2ha. UBND TP Hà Nội cũng đưa ra các phân kỳ đầu tư cụ thể gồm: giai đoạn 2018 - 2025, và 2025 - 2030, với tổng số vốn cần huy động khoảng 268.000 tỷ đồng.

Thạc sỹ Quản lý đô thị Phan Trường Thành cho rằng, hạ tầng giao thông tĩnh là một trong những lĩnh vực khó khăn kêu gọi đầu tư nhất. Bởi lẽ, vốn đầu vào quá lớn, doanh thu lại nhỏ giọt, thời gian thu hồi và quay vòng vốn quá chậm, không hấp dẫn được DN. Bên cạnh đó, còn cả những rủi ro có thể gặp phải khi đầu tư vào bến, bãi đỗ xe; nay được làm, mai lại phải bỏ, khiến DN bất an, không mặn mà. “Chính vì vậy, Hà Nội rất cần có một Quy hoạch tổng thể, phù hợp, mang tầm chiến lược dài hạn đối với hạ tầng giao thông tĩnh. Quy hoạch không chỉ là kim chỉ nam cho cả quá trình phát triển hạ tầng giao thông tĩnh mà còn là sự đảm bảo chắc chắn, ổn định về pháp lý cho các nhà đầu tư” - ông Thành nhấn mạnh.
Bền vững - đồng bộ - hiện đại
Theo Quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, sẽ tạm thời giữ lại, tiếp tục khai thác trong giai đoạn quá độ và chỉ nâng cấp, cải tạo trên cơ sở quy mô hiện có đối với 4 bến: Gia Lâm, Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm. Trong giai đoạn trung hạn, xây dựng bến xe khách Yên Sở (Hoàng Mai), diện tích khoảng 3,4ha. Sau khi hoàn thành bến xe khách chính phía Nam (khu vực Ngọc Hồi - đường Vành đai 4), các bến: Yên Sở và Nước Ngầm sẽ được đồng thời chuyển đổi chức năng thành đầu mối trung chuyển vận tải hành khách công cộng kết hợp bãi đỗ xe.
Dài hạn, Quy hoạch mới 7 bến xe khách liên tỉnh phục vụ đô thị trung tâm với tổng diện tích 62,7ha. Tại các đô thị vệ tinh: Phú Xuyên; Xuân Mai; Hòa Lạc; Sơn Tây; Sóc Sơn cũng được quy hoạch xây dựng 10 bến xe khách với tổng diện tích 43,7ha. Tại các thị trấn huyện lỵ, thị trấn sinh thái, bố trí các bến xe khách quy mô từ l - 5ha đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân.
Mục tiêu của TP là sẽ xây dựng hệ thống bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ đáp ứng các tiêu chí: Bền vững - đồng bộ - hiện đại. Xác định rõ quy mô, vị trí, tính chất, hình thức xây dựng từng đối tượng được quy hoạch; đầu tư theo từng giai đoạn phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu đi lại, dừng đỗ xe của người dân. Qua đó, giảm UTGT, đảm bảo ATGT, góp phần phát triển đô thị bền vững và đồng bộ với hạ tầng giao thông.
UBND TP Hà Nội cũng đưa ra một số cơ chế, chính sách khuyến khích các nhà đầu tư như: Cho phép bố trí kết hợp các chức năng thương mại, dịch vụ tiện ích trong các bãi đỗ xe ngầm để đẩy nhanh thời gian thu hồi vốn đầu tư dự án.

Đặng Sơn

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/quy-hoach-giao-thong-tinh-co-so-de-thu-hut-dau-tu-ha-tang-do-thi-330954.html