Quy hoạch Điện VIII: Khuyến khích năng lượng tái tạo đến đâu?

Thành tích đột biến của công suất nguồn điện mặt trời tác động như thế nào đến hệ thống điện, nguyên nhân nào thúc đẩy thành tích ấy...?

Nhóm tác giả PGS.TS. Nguyễn Cảnh Nam, PGS.TS. Bùi Huy Phùng, TS. Nguyễn Thành Sơn, TS. Trần Chí Thành vừa góp ý cho Dự thảo “Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045” (Quy hoạch Điện VIII).

Trong bài viết được Thời báo Kinh tế Sài Gòn đăng tải, các chuyên gia đã đưa ra nhiều ý kiến góp ý liên quan đến công tác dự báo nhu cầu phụ tải, tiêu chí phát triển nguồn điện, các kịch bản phát triển nguồn điện v.v...

Đáng lưu ý, liên quan đến phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo, dự thảo Quy hoạch Điện VIII đánh giá rằng: "Cơ cấu nguồn điện cho thấy Quy hoạch Điện VIII khuyến khích phát triển mạnh mẽ năng lượng tái tạo (ngoài thủy điện), từ khoảng 13% năm 2020 lên tới gần 30% năm 2030 và 44% năm 2045. Đây là xu hướng phù hợp với sự phát triển của thế giới”.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, “phù hợp với sự phát triển của thế giới” nhưng không phù hợp với thực tế của Việt Nam.

Thời gian qua các dự án điện gió, điện mặt trời phát triển quá nóng

Thời gian qua các dự án điện gió, điện mặt trời phát triển quá nóng

Theo số liệu của tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đến ngày 31/12/2020, tổng công suất lắp đặt điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối trên cả nước đã xấp xỉ 27% tổng công suất lắp đặt của cả hệ thống, vượt rất xa con số 13% nêu trong dự thảo Quy hoạch Điện VIII. Trong đó, công suất nguồn điện mặt trời nhiều gấp hơn 19 lần so với công suất đề ra trong Quy hoạch Điện VII điều chỉnh, trong khi công suất của đa phần các dạng nguồn điện khác vẫn nằm dưới ngưỡng mục tiêu đề ra trong quy hoạch.

Vì vậy, cần phân tích làm rõ “thành tích” đột biến đó đã tác động như thế nào đến hệ thống điện trong thời gian qua; và nguyên nhân nào đã thúc đẩy “thành tích” đó để rút kinh nghiệm cho thời gian tới trong việc xác định cơ cấu nguồn điện hợp lý, quản lý tổ chức thực hiện quy hoạch và đề xuất cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực phát triển nguồn điện.

So sánh với công suất điện mặt trời đã và dự kiến sẽ huy động trong dự thảo Quy hoạch Điện VIII, công suất điện gió nói chung và điện gió ngoài khơi nói riêng dự kiến huy động chưa tương xứng với tiềm năng kỹ thuật và các ưu điểm, lợi thế của nguồn tài nguyên năng lượng này. Công suất điện gió ngoài khơi đến năm 2030 chỉ đề ra 2 GW ở Kịch bản cơ sở và 3 GW ở Kịch bản cao, trong khi tiềm năng kỹ thuật điện gió ngoài khơi lên đến 162,2 GW.

Việc tăng cường phát triển nguồn điện năng lượng tái tạo “là xu hướng phù hợp với sự phát triển của trên thế giới”. Nhưng sau hơn 30 năm phát triển điện năng lượng tái tạo kết quả đạt được của các nước trên thế giới có sự cao thấp khác nhau.

Thực tế này cho thấy trong phát triển điện năng lượng tái tạo không phải các nước “xếp hàng ngang” để cùng tiến mà là “xếp hàng dọc” để phát triển; các nước có tỷ trọng điện năng lượng tái tạo cao chủ yếu là các nước có nền kinh tế phát triển, độ tin cậy cung cấp điện của hệ thống cao, đồng thời phải có nguồn điện truyền thống ổn định, tin cậy và chủ yếu là những nước phải có giá bán điện cao (sức mua điện của nền kinh tế phải cao).

Số liệu thực tế trong ba năm 2015-2017 ở Đức, quốc gia có tỷ trọng điện năng lượng tái tạo cao nhất thế giới, cho thấy nguồn điện than của nước này bình quân mỗi năm chỉ chạy 4.655-4.905 giờ, thay vì phải chạy 6.000÷6.500 giờ; điện mặt trời và điện gió phải tạo ra công suất lớn hơn nhiều để phát ra một sản lượng điện nhất định thấp hơn nhiều. Như vậy, điện than phải làm nhiệm vụ “dự phòng” cho điện mặt trời, điện gió.

Ở Việt Nam, độ tin cậy cung cấp điện của hệ thống còn thấp. Cụ thể, độ tin cậy cung cấp điện của hệ thống được đánh giá qua số giờ kỳ vọng xảy ra thiếu hụt công suất nguồn cấp cho phụ tải đỉnh (LOLE) được lựa chọn trong quy hoạch phát triển nguồn là bằng hoặc thấp hơn 12 giờ/năm đối với mỗi hệ thống điện miền, tương đương với độ tin cậy là 99,86%. Hiện nay, các nước phát triển như Nhật Bản, Mỹ, châu Âu chọn chỉ tiêu LOLE là 2,4 giờ/năm, chỉ bằng 1/5 của nước ta, hay nói cách khác độ tin cậy cung cấp điện của họ cao gấp 5 lần của ta.

Những phân tích trên cho thấy, tỷ trọng nguồn điện năng lượng tái tạo, nhất là điện mặt trời, có ảnh hưởng đến tiêu chí an toàn của hệ thống điện và đảm bảo an ninh cung cấp điện. Để đảm bảo hệ thống điện vận hành an toàn, không sụt điện áp, tần số thì cần có lượng công suất sẵn sàng (dự phòng) phải gần tương đương với tổng công suất các nguồn điện mặt trời, điện gió tham gia.

Vì vậy, ở Việt Nam, chi phí biên bình quân cho phần nguồn sản xuất điện là 8,8 xu Mỹ/kWh giai đoạn 2021-2030 và 9,6 xu/kWh giai đoạn 2021-2045, chi phí biên bình quân đến lưới phân phối là 11,4 xu Mỹ/kWh giai đoạn 2021-2030 và 12,3 xu/kWh giai đoạn 2021-2045 như được nêu trong Quy hoạch Điện VIII là không đáng tin cậy. Vì, số liệu này rất thấp so với giá điện bình quân của các nước có tỷ trọng điện năng lượng tái tạo trên 20%.

Lược theo TBKTSG

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/khoa-hoc/khoa-hoc/quy-hoach-dien-viii-khuyen-khich-nang-luong-tai-tao-den-dau-3429966/