Quy hoạch điện VIII có giải quyết được nỗi lo thiếu điện?

Quy hoạch VIII có gì mới so với các Quy hoạch trước và liệu có giải quyết được nỗi lo thiếu điện?

Quy hoạch điện VIII chú trọng phát triển mạnh nguồn năng lượng sạch và năng lượng tái tạo, tiến tới đấu thầu để chọn đúng nhà đầu tư

Quy hoạch điện VIII chú trọng phát triển mạnh nguồn năng lượng sạch và năng lượng tái tạo, tiến tới đấu thầu để chọn đúng nhà đầu tư

Theo kế hoạch, Dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (gọi tắt là Quy hoạch điện VIII) sẽ được trình Chính phủ để xem xét, cho ý kiến vào tháng 10/2020.

Cơ chế “mở”

Trao đổi với Báo Giao thông, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng nhận xét, đến nay, kết quả thực hiện của Quy hoạch điện VII mới có khoảng 87,7% khối lượng nguồn điện trong Tổng sơ đồ Điện VII được thực hiện, khoảng 72% khối lượng lưới điện 500kV và khoảng 80% khối lượng lưới điện 220kV được triển khai, thực hiện. Bên cạnh đó, nhiều dự án nguồn điện trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh không đạt tiến độ đã hưởng đến việc cung ứng điện cho giai đoạn tới.

“Từ đó có thể thấy, thực hiện Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh đang có nhiều vướng mắc khi quy hoạch cứng về thời gian đưa vào vận hành, vị trí triển khai, thậm chí cả quy mô, chủ đầu tư... Điều này làm chúng ta có thể phải đối diện với nguy cơ thiếu điện trầm trọng từ nay đến năm 2025 nếu không có giải pháp cấp bách”, Thứ trưởng Vượng nói và cho rằng, các nguồn điện năng lượng tái tạo có thời gian thực hiện nhanh hơn cần được bổ sung vào Quy hoạch điện VIII. Và để làm được điều đó cần “mở” cơ chế thu hút các nhà đầu tư lớn để tạo nên một thị trường điện cạnh tranh.

Nhận định cách thiết kế trong Quy hoạch điện VIII khác nhiều so với quy hoạch điện VII, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo Hoàng Tiến Dũng cho rằng, việc thiết kế cơ cấu nguồn điện năng lượng tái tạo trong Quy hoạch điện VIII khá linh hoạt. Thay vì các quy định cứng, đóng khung như trước thì Quy hoạch VIII quy định khá “thoáng”, song lại rất chi tiết về những vấn đề mà doanh nghiệp thường gặp phải khi thực hiện trong thời gian qua như chính sách về vốn, về đấu thầu, lưới truyền tải điện…

Đặc biệt, Quy hoạch lần này sẽ không chú trọng đến cơ chế giá điện cố định (FIT) mà thông qua đấu thầu lựa chọn những nhà đầu tư đưa ra mức giá thấp hơn mức giá trần FIT hiện tại. Từ đó, có sự cạnh tranh tốt về giá, tiến tới một môi trường đầu tư bền vững.

Thực hiện đúng quy hoạch, không lo thiếu điện

Nhận định về việc Quy hoạch điện VIII có giải quyết được mối lo thiếu điện, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo Hoàng Tiến Dũng cho rằng, nếu thực hiện đúng Quy hoạch điện VII, VIII thì không bao giờ thiếu điện, thậm chí còn có dự phòng.

Tuy nhiên, việc chậm tiến độ của nhiều dự án nguồn điện trong Quy hoạch điện VII do giải tỏa mặt bằng không được, không thu xếp được vốn, năng lực của một số nhà đầu tư chưa đảm bảo nên dẫn đến nguy cơ thiếu điện rơi vào giai đoạn 2021-2024 là khá rõ ràng.

Trước tình thế đó, việc đưa những dự án nguồn điện điện lớn bổ sung thêm vào vận hành giai đoạn 2021-2024 là không thể vì việc hoàn thành mất nhiều thời gian, nên giải pháp được đưa ra trong giai đoạn này chính là bổ sung nguồn điện gió, điện mặt trời có thời gian đầu tư nhanh để bù đắp thiếu hụt và tính toán nhập khẩu thêm từ các nước láng giềng.

Theo ông Dũng, về lâu dài, Quy hoạch điện VIII tính toán đầy đủ cân bằng giữa nhu cầu điện và khả năng đáp ứng. Có nghĩa là, bên cạnh phát triển nguồn điện thì phải đồng bộ với nó là phát triển lưới điện để truyền tải điện năng được sản xuất ra.

Cụ thể, Quy hoạch điện VIII xem xét giao những dự án nguồn điện năng lực cho tư nhân đi kèm với phát triển đầu dây đấu nối lên lưới điện theo những quy định thỏa thuận với EVN, vừa đảm bảo lợi ích cho doanh nghiệp, vừa đảm bảo thuận lợi cho tiến độ. Do đó, về mặt nguyên tắc, thực hiện theo Quy hoạch điện VIII không bao giờ xảy ra thiếu điện.

Lý giải rõ hơn, ông Dũng cho biết, 1-2 năm vừa rồi có sự lệch pha giữa tiến độ thi công các dự án điện mặt trời và dự án lưới điện. Nguyên nhân do lưới điện chủ yếu được EVN thực hiện nên thủ tục phức tạp hơn. Tuy nhiên, trong Quy hoạch điện VIII, việc xây dựng dự án gắn liền với lưới điện, gắn với lợi ích doanh nghiệp nên rút ngắn được thời gian đưa vào vận hành dự án.

Lựa chọn nhà đầu tư “sạch”

Việc phát triển nhanh chóng của năng lượng từ trước đến nay nhờ vào chính sách khuyến khích bởi giá FIT cố định. Vì vậy, liệu việc chuyển qua hình thức đấu thầu, bảo lãnh dự thầu hay bảo lãnh thực hiện gói thầu tại Quy hoạch điện VIII có làm cho thị trường này kém hấp dẫn?

Trao đổi với PV Báo Giao thông, TS. Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Năng lượng tái tạo, Viện Năng lượng (Bộ Công thương) cho biết, phát triển năng lượng tái tạo là xu thế tất yếu trong tương lai. Đặc biệt, Việt Nam là nước có tiềm năng năng lượng tái tạo rất lớn và đa dạng với gió, mặt trời và sóng biển. Tuy nhiên, việc khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên này là một câu chuyện dài.

“Ở Quy hoạch điện VII và VII điều chỉnh, chúng ta chỉ mới dừng lại ở giai đoạn khảo sát cơ chế khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo. Hiện, chúng ta đang ở giai đoạn đầu của việc đánh giá chính xác các tiềm năng năng lượng tái tạo có thể khai thác, cho nên có rất nhiều khó khăn. Quy hoạch điện VIII định hướng phát triển mạnh các nguồn điện sạch và năng lượng tái tạo và không quá chú trọng về cơ chế giá điện cố định, cũng có thể được xem là điểm khác biệt để có thể chọn lựa được những nhà đầu tư tốt hay dự án tốt”, TS. Tuấn cho hay.

Theo TS. Tuấn, chính sách giá FIT đã thành công trong việc thúc đẩy triển khai nhanh các dự án năng lượng tái tạo, song việc phát triển một cách ồ ạt trong thời gian qua làm cho chúng ta không kiểm soát được khối lượng đầu vào là bao nhiêu, dẫn đến chất lượng và tiến độ cũng bị ảnh hưởng. Do đó, mặc dù việc đấu thầu sẽ phức tạp hơn, qua nhiều công đoạn, kéo theo việc sẽ kém hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư, song là điều bắt buộc phải chọn lựa để tìm ra những doanh nghiệp “sạch”, hạn chế “xin - cho”, không minh bạch.

Từ góc độ doanh nghiệp tham gia đầu tư dự án, đại diện Tập đoàn Trung Nam Group cho rằng, khi bỏ giá FIT cố định thì chắc chắn bước đầu sẽ khó thu hút đầu tư hơn vì những doanh nghiệp nhỏ trước đây vẫn đầu tư theo kiểu ăn xổi để sang tay dự án, hưởng ngay lợi nhuận trước mắt theo giá thành định sẵn. Nhưng không còn FIT cố định thì nhà đầu tư khó tính toán được phương án tài chính để quyết định có nên đầu tư hay không.

Ngược lại, trong Quy hoạch điện VIII đã xây dựng được cơ chế rõ ràng hơn, minh bạch hơn trong việc lựa chọn các nhà đầu tư, điều này là điểm mạnh để thu hút những nhà đầu tư lớn có nguồn tài chính tốt và có định hướng gắn bó lâu dài.

Hồng Hạnh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/quy-hoach-dien-viii-co-giai-quyet-duoc-noi-lo-thieu-dien-d472887.html