Quy hoạch để Đồng bằng sông Cửu Long bật tăng mọi nguồn lực

Ngày 23/11, Bộ Kế Hoạch và Đầu tư đã tổ chức Họp báo về Hội nghị báo cáo và tham vấn quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đồng bằng sông Cửu Long là vùng ven biển thuộc hạ lưu sông Mekong, là một trong những vùng đồng bằng trù phú, có điều kiện tự nhiên gắn với hệ thống sông, ngòi, kênh rạch đất nước, môi trường… Với tiềm năng cùng với những quyết sách phù hợp của Đảng, Nhà nước, Chính phủ trong thời gian qua Đồng bằng sông Cửu Long đã từng bước hình thành khu vực sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp và du lịch tập trung với quy mô ngày một dần lớn, trở thành trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất Việt Nam.

Toàn cảnh buổi Họp báo.

Toàn cảnh buổi Họp báo.

Tuy nhiên, có thể nói chưa bao giờ Đồng bằng sông Cửu Long lại đứng trước nhiều thách thức như hiện nay bao gồm các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, nước biển dâng cũng như những áp lực về phát triển kinh tế - xã hội.

Phát biểu tài buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, nhìn chung Đồng bằng sông Cửu Long so với các vùng khác trong cả nước có vai trò quan trọng. Trong Covid-19 nông nghiệp là trụ đỡ lúc khó khăn và vùng Đồng bằng sông Cửu Long đóng vai trò đặc biệt, không chỉ đảm bảo an ninh lương thực mà còn cho xuất khẩu.

Nhưng trong thời gian gần đây, tốc độ tăng trưởng có xu hướng chậm hơn vì cơ cấu kinh tế vùng dựa vào nông nghiệp là chủ yếu. Trong các báo cáo về phát triển có thể thấy rằng, tỷ lệ đóng góp của nông nghiệp thường chậm hơn so với dịch vụ và công nghiệp. Bên cạnh đó, vùng lại hứng chịu nhiều thách thức, trong các kịch bản biến đổi khí hậu là vùng dễ bị tổn thương.

Thách thức đầu tiên là nước, do sự tác động lớn của việc khai thác nước đầu nguồn, thay đổi quy luật về nước từ trước đến nay dẫn đến hệ lụy, khi nước ngọt rút bớt thì nước biển xâm nhập làm phá hủy mô hình canh tác dựa trên nước ngọt. Bên cạnh đó, vùng Đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất phụ thuộc nhiều phù sa của sông, đến nay bù đắp phù sa thiếu hụt, việc khai thác, canh tác nhiều đã làm sói mòn chất lượng đất. Việc áp dụng nhiều hóa chất cũng làm sói mòn đất, tài nguyên ngày càng cạn kiệt. Tiếp theo là vấn đề liên quan đến dân số, mô hình dân số trẻ nhưng phải đối mặt với việc di cư ra các vùng khác nhất là Đông Nam Bộ và Thành phố Hồ Chí Minh.

Việc lập quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long là một yêu cầu cấp thiết, do đó muốn có hiệu quả cần có các tiếp cận tích cực, sâu sát. Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã và đang nỗ lực triển khai các hoạt động để đảm bảo xây dựng được bản quy hoạch có chất lượng tốt, hiệu quả, khả thi, làm cơ sở cho các Bộ, ngành, địa phương xây dựng và triển khai các quy hoạch, kế hoạch có liên quan đảm bảo tính liên kết, thống nhất, đồng bộ.

“Cho đến nay, cơ bản bản dự thảo quy hoạch vùng đã hoàn thiện, nhưng điều quan trọng nhất là phải đảm bảo sự đồng thuận cao nhất từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là sự đồng thuận của 13 địa phương trong vùng. Các ý kiến của lãnh đạo địa phương sẽ là căn cứ quan trọng để Bộ và cơ quan tư vấn tiếp thu cập nhận hoàn chỉnh dự thảo trước khi trình Chính phủ, sẽ phấn đấu trình trong tháng 12/2020. Kỳ vọng, quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ là vùng mẫu để rút ra các kinh nghiệm quy hoạch vùng cho các địa phương còn lại trên cả nước”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.

Nhiều ý kiến góp ý của các đại biểu tham dự cũng được đưa ra tại buổi Họp báo liên quan đến vấn đề xây dựng quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long về phương án phân tiểu vùng, việc giảm đất trồng lúa, định hướng phát triển đô thị, xây dựng hạ tầng…

Kim Oanh

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/quy-hoach-de-dong-bang-song-cuu-long-bat-tang-moi-nguon-luc-293621.html