Quy hoạch Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030 chưa theo quy định Luật Quy hoạch

Góp ý kiến đối với Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho rằng hiện nay, quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030 và các quy hoạch ngành quốc gia chưa được lập theo quy định của Luật Quy hoạch.

Thành phố Đà Nẵng hiện tại. Ảnh minh họa

Thành phố Đà Nẵng hiện tại. Ảnh minh họa

Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 dự kiến xác định các mục tiêu, động lực phát triển, quy mô dân số, đất đai, chỉ tiêu cơ bản về hạ tầng xã hội, hạ tàng kỹ thuật đô thị; mô hình phát triển, cấu trúc phát triển không gian nội thị và khu vực ngoại thị; định hướng hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật khung; đánh giá môi trường chiến lược phục vụ phát triển ngành đến năm 2045.

Bộ KH&ĐT cho rằng, hiện nay, quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030 và các quy hoạch ngành quốc gia chưa được lập theo quy định của Luật Quy hoạch. Do đó, đề nghị xem xét về tính khả thi, cơ sở khoa học và sự phù hợp của các nội dung đề xuất cho giai đoạn sau năm 2020 và thời kỳ quy hoạch đến năm 2045.

Trong góp ý của mình, Bộ KH&ĐT đề nghị bổ sung nội dung đánh giá thực hiện liên kết vùng của thành phố theo các nội dung đã được xác định tại các quy hoạch có liên quan; đánh giá hiện trạng kinh tế-xã hội và dân cư, đối chiếu với các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại Quyết định số 393/QĐ-TTg ngày 18/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Bộ cũng đề nghị đánh giá cụ thể hơn về định hướng phát triển không gian, quy hoạch sử dụng đất, cấu trúc đô thị…

Một trong những mục tiêu đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 là phát triển thành phố Đà Nẵng trở thành đô thị thông minh, sáng tạo. Theo Bộ KH&ĐT, hiện nay Thành phố đã lập Đề án xây dựng thành phố thông minh, do đó, để cụ thể hóa mục tiêu này, cần bổ sung các nhiệm vụ và giải pháp áp dụng công nghệ thông minh trong các lĩnh vực hạ tầng đô thị; bổ sung định hướng các lĩnh vực hạ tầng ưu tiên áp dụng công nghệ thông minh phù hợp với nguồn lực đầu tư trong từng giai đoạn.

Đối với việc di dời Ga Đà Nẵng, xây dựng nhà ga đường sắt mới để tái phát triển đô thị có quy mô lớn, giải quyết những bất cập trong tổ chức khai thác, nâng cao năng lực vận tải đường sắt… Bộ KH&ĐT đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng phối hợp với Bộ Giao thông vận tải để thống nhất phương án quy hoạch di dời Ga Đà Nẵng.

Đối với hàng không, Đà Nẵng cần cập nhật số liệu phù hợp theo như Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 236, theo đó Cảng HKQT Đà Nẵng có công suất thiết kế dự kiến là 13 triệu hành khách/năm vào năm 2020 và 28 triệu hành khách/năm vào năm 2030.

Cũng trong góp ý của mình, liên quan đến vấn đề huy động vốn đầu tư, Bộ KH&ĐT cho rằng, để đảm bảo tính khả thi của quy hoạch, đề nghị bổ sung dự báo, phân tích, xác định nguồn vốn đầu tư phù hợp với khả năng có thể để thực hiện quy hoạch.

Đồng thời, phương án huy động vốn để đầu tư các dự án trọng điểm, các dự án đợt đầu của quy hoạch cần đảm bảo phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; sắp xếp lựa chọn các dự án ưu tiên, phân kỳ đầu tư hợp lý và có giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm thu hút đầu tư.

Đức Anh

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/chinh-sach/quy-hoach-da-nang-thoi-ky-2021-2030-chua-theo-quy-dinh-luat-quy-hoach/20200729040451844