Quy hoạch chống ngập TP.HCM 'lạc hậu': Điều kỳ lạ...

Vì sao đã có dự án làm đê bao chống ngập rồi mà vẫn có những dự án chống ngập riêng lẻ kiểu đầu tư để tiêu tiền...?

Liên quan tới kiến nghị của UBND TP.HCM xin cho phép tiến hành nghiên cứu, rà soát tổng thể Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TP.HCM vì lý do quy hoạch phê duyệt trước đây đã không còn phù hợp, KTS Võ Kim Cương - nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM đồng tình nhưng còn bày tỏ băn khoăn.

Dự án chống ngập 10.000 tỷ của TP.HCM có nhiều vấn đề. Ảnh: TTXVN

Dự án chống ngập 10.000 tỷ của TP.HCM có nhiều vấn đề. Ảnh: TTXVN

Nhận xét về quy hoạch cũ, nguyên KTS trưởng của thành phố cho rằng, quy hoạch cũ "lạc hậu" là do thiết kế theo quy trình ngược.

Về nguyên tắc, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, quy hoạch chống ngập... phải có sự liên kết với nhau.

Tuy nhiên, trên thực tế quy hoạch thoát nước lại được làm trước và ngay trong quy hoạch thủy lợi chống ngập úng cho thành phố cũng đã không tuân theo nguyên tắc nào.

Tính liên kết giữa các quy hoạch không có nên quy hoạch nào chỉ biết vai trò, chức năng, nhiệm vụ của quy hoạch đó. Quy hoạch thoát nước thì do thành phố thực hiện nhưng quy hoạch thủy lợi chống ngập ủng lại do Bộ NN-PT-NT chủ trì.

Chính vì bất cập trên mới dẫn tới hiện tượng quy hoạch thoát nước chỉ quan tâm tới chuyện thoát nước trong nội thành còn quy hoạch chống ngập lại chỉ đạo đắp đê bao quanh thành phố.

Bên cạnh đó, quy hoạch cũ do xây dựng từ nhiều năm qua nhưng triển khai thực hiện lại quá chậm, tới thời điểm này nhiều thông tin số liệu được cập nhật không còn phù hợp với điều kiện thực tế. Ví dụ, số liệu ngập do triều, do mưa, do sụt lún, phát triển đô thị quá nhanh và hạ tầng... đã quá cũ khiến việc nghiên cứu, đánh giá, xây dựng phương án xử lý không khả thi. Đây là nguyên nhân khiến thành phố HCM đã tốn rất nhiều tiền chống ngập nhưng ngập vẫn hoàn ngập.

Cụ thể, trong báo cáo của thành phố cho biết trong 3 năm gần đây, thành phố đã xuất hiện 21 đỉnh triều đạt và vượt mức báo động cấp III (1,5 m). Ngoài ra, trong năm 2018, do ảnh hưởng của bão số 9 gây ra mưa lớn, lượng mưa đo được tại trạm Tân Sơn Hòa (gần sân bay Tân Sơn Nhất) là 401 mm làm ngập khoảng 102 tuyến đường, chiều sâu ngập 10 cm đến 70 cm.

Trong khi đó, báo cáo từ Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, đỉnh triều cường cuối tháng 10/2019 (đầu tháng 10 Âm lịch) tại TP sẽ đạt đỉnh vào lúc 17h ngày 29/10, đỉnh triều đạt mức 1,7m (cao hơn báo động 3 là 0,2m), sau đó sẽ xuống dần vào các ngày kế tiếp. Với những thông số mới được cập nhật chắc chắn TP.HCM không thể triển khai các giải pháp chống ngập theo số liệu cũ được nữa.

"Công tác chống ngập tại TP.HCM vừa rồi có rất nhiều chuyện kỳ lạ, tôi cũng không hiểu được.

Vì sao đã có dự án làm đê bao chống ngập rồi mà vẫn có những dự án chống ngập riêng lẻ kiểu đầu tư siêu máy bơm trên đường Nguyễn Hữu Cảnh hay lại có dự án nâng cấp, sửa chữa lòng đường Nguyễn Hữu Cảnh... rất khó hiểu.

Chống ngập phải có hệ thống, phải nằm trong cả một giải pháp tổng thể không thể có quy hoạch tổng thể nhưng vẫn có những dự án riêng lẻ để tiêu tiền", KTS Võ Kim Cương nhận định.

Vẫn theo nguyên KTS trưởng của thành phố, vấn đề của TP.HCM bây giờ không chỉ là xây dựng quy hoạch mới mà cần đánh giá lại các dự án đã thực hiện theo quy hoạch cũ. Cái gì đã làm được thì tiếp tục làm, cái gì chưa phù hợp phải sửa. Quan trọng nhất là giữa các phương án phải có sự kết nối với nhau. Giải pháp thoát nước với chống ngập về tổng thể chính là một, mới có thể điều chỉnh được.

Một điều quan trọng hơn, KTS Võ Kim Cương nhấn mạnh tính cần thiết phải quy trách nhiệm trong xây dựng quy hoạch của những cá nhân, đơn vị chịu trách nhiệm liên quan.

"Xây dựng quy hoạch là phải bảo đảm tính kết nối liên tục, không bị chi phối bởi tư duy nhiệm kỳ thì mới được.

Hiện nay xây dựng quy hoạch còn bị ảnh hưởng bởi tư duy nhiệm kỳ, nhiệm kỳ này làm xong, chưa thực hiện xong thì nhiệm kỳ sau lại thay đổi. Cứ luẩn quẩn như vậy thì chỉ tốn tiền mà không giải quyết được vấn đề một cách triệt để", vị KTS nói.

Vì lý do này, nguyên KTS trưởng của thành phố kiến nghị phải xem xét lại toàn bộ quy trình, hệ thống lập quy hoạch của thành phố, bao gồm từ việc cung cấp tư liệu cho tới việc xây dựng, phê duyệt quy hoạch nhằm bảo đảm tính chặt chẽ, khả thi.

Cùng với đó, vấn đề quản lý hệ thống thực tiễn cũng cần phải xem lại. Vị KTS lấy ví dụ như hiện tưởng đổ trộm rác thải xuống cống rãnh cũng có thể sẽ gây hiện tượng ngập úng nghiêm trọng.

Quy hoạch chống ngập TP.HCM 'lạc hậu' vì sao?

Hay trong quản lý quy hoạch đô thị, theo ông Cương, quá trình xây dựng, mỗi công trình sẽ thiết kế dựa theo cột mốc cao độ mua của Nhà nước. Thế nhưng, các cột mốc này đang bị lún theo thời gian dẫn đến thực trạng tính cao độ san nền "mỗi nơi một phách", ảnh hưởng tiêu cực đến công tác chống ngập của TP.

Theo nguyên lý thiết kế, mặt đường phải cao hơn mặt nước cao nhất tối thiểu là 0,5 m để đảm bảo an toàn cho con đường. Việc xác định chưa chính xác cao độ chuẩn khiến nhiều tuyến đường, công trình liên tục bị ngập, dẫn đến hư hỏng nhanh, tuổi thọ thấp.

Vì những lý do trên, vị KTS cho biết, do thông tin cao độ nền đã có sự thay đổi, TP đang bị lún và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, vì vậy phải tìm cách để nâng cao cốt nền hoặc đắp đê mới có thể hy vọng giải quyết được bài toán chống ngập.

Lam Nguyễn

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/khoa-hoc/quy-hoach-chong-ngap-tphcm-lac-hau-dieu-ky-la-3390528/