Quy hoạch cây xanh gắn với thiết kế đô thị

Năm 2019, Thủ đô Hà Nội tiếp tục kế hoạch trồng mới thêm 600.000 cây xanh các loại trong giai đoạn 2019 – 2020 trên các tuyến đường bộ đi qua khu vực dân cư, đây được xem là một trong những giải pháp quan trọng trong việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường trước tình trạng dân số đô thị ngày càng tăng nhanh.

Nguy cơ tiềm ẩn đến hệ thống cây xanh

Trên rất nhiều các tuyến phố trong khu vực nội đô Hà Nội, tình trạng những búi dây cáp điện được treo lộn xộn trên cột điện và thân cây xanh, kéo qua trước cửa nhà dân đã trở thành hình ảnh quen thuộc. Qua khảo sát, một số tuyến phố như: Lý Nam Đế, Đê La Thành, Trần Thánh Tông, Lê Thánh Tông... là những khu vực có hệ thống dây cáp điện được treo lên cây xanh nhiều nhất.

 Đường Võ Nguyên Giáp rực rỡ sắc hoa. Ảnh: Công Hùng

Đường Võ Nguyên Giáp rực rỡ sắc hoa. Ảnh: Công Hùng

Theo nghiên cứu của Tổ chức Thành phố sống tốt (HealthBridge) Việt Nam, cây xanh có vai trò đặc biệt quan trọng đến đời sống sức khỏe của con người. Cây xanh có tính năng cải thiện môi trường không khí và khí hậu rất tốt trên các tuyến đường bộ. Cây xanh hai bên đường phố có thể giảm lượng bụi trong không khí đối với những tầng trên của nhà cao tầng từ 30 - 60%, làm giảm thiểu khí nhà kính, làm giảm phản xạ bức xạ mặt trời ra xung quanh. Trung bình 1 ha rừng hay vườn cây rậm rạp có thể hấp thụ 1.000kg CO2 và thải ra 730kg O2 mỗi ngày. Như vậy, mỗi người dân đô thị cần diện tích khoảng 10m2 cây xanh hoặc 25m2 thảm cỏ để đảm bảo không khí trong lành.

Chuyên gia Nguyễn Thu Hiền - tổ chức HealthBridge Việt Nam cho biết, sức khỏe cây xanh đô thị tại TP Hà Nội đang gặp nhiều vấn đề: “Hệ thống hạ tầng đô thị Hà Nội đa phần vẫn đi nổi trên những vỉa hè chật hẹp, cây xanh không chỉ bị vướng dưới bộ rễ dưới ngầm mà còn cả ở trên không trung. Sự đan xen giữa cây xanh và hệ thống dây điện đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ nguy hiểm cho người dân”.

Gắn với giao thông và thiết kế đô thị

Số liệu của Sở Xây dựng Hà Nội, đến thời điểm hiện tại TP đã hoàn thành đề án cải tạo, trồng mới được 1 triệu cây xanh các loại, được trồng trên gần 3.000km đường đô thị, với khoảng 175 loài, tạo ra hệ thống cây xanh đồng bộ, góp phần tích cực vào cải thiện môi trường và đa dạng sinh học.

Trước tình trạng môi trường đô thị ngày càng bị ô nhiễm nghiêm trọng do gia tăng dân số, TP Hà Nội tiếp tục triển khai chương trình trồng mới cây xanh trong giai đoạn 2019 – 2020, theo kế hoạch trong thời gian gian này TP sẽ trồng thêm khoảng 600.000 cây xanh, mỗi năm có thêm khoảng 300.000 cây xanh mới.

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc trồng mới cây xanh là chủ trương đúng của TP Hà Nội, nhưng phải có sự kết hợp hài hòa giữa các giải pháp về khoa học kỹ thuật, gắn với điều kiện thực tiễn của Thủ đô. Trong khu vực nội đô, gần như không còn diện tích để mở rộng cho hệ thống cây xanh, vì vậy việc cải tạo và thay thế phải có phương án nghiên cứu những loại cây có khả năng hấp thụ ô nhiễm môi trường, phù hợp với điều kiện thời tiết của địa phương.

Theo PGS. TS Lưu Đức Hải -Viện trưởng Viện nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng, việc bố trí trồng cây, phát triển cây xanh phải đảm bảo yêu cầu cải thiện môi trường, chú ý đến việc ngăn chặn sự lan tỏa của các chất gây ô nhiễm, tiếng ồn từ các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất, cơ sở tiểu thủ công nghiệp, xe cộ, giao thông... Cây xanh dọc các tuyến đường bộ không nhất thiết phải phân bố đều, mà có thể được phát triển ở những nơi thu hút đông đảo dân cư nhất.

Mai Vân

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/quy-hoach-cay-xanh-gan-voi-thiet-ke-do-thi-337269.html