Quy hoạch bến, bãi đỗ xe Hà Nội: Vốn 'khủng' trông vào đâu?

Tại kỳ họp thứ 7, HĐND thành phố đã thông qua Quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo nội dung tờ trình của UBND TP Hà Nội, trong giai đoạn 2018 - 2025, Hà Nội sẽ đầu tư 5 dự án bến xe khách liên tỉnh (gồm các bến Cổ Bi, Đông Anh, Nội Bài, bến xe phía Nam và bến Sơn Tây 1), tổng diện tích khoảng 41,95ha, mức đầu tư dự kiến khoảng 2.300 tỷ đồng.

Cần có các biện pháp để hỗ trợ, thúc đẩy xã hội hóa chủ trương đầu tư, xây dựng các bến xe. Ảnh: S.T.

Nguồn vốn sẽ lấy từ đâu?

Cũng theo tờ trình, Hà Nội sẽ đầu tư 5 bến xe tải là Yên Viên, bến xe phía Nam, bến Cổ Bi phía Đông, bến Khuyến Lương và bến Hà Đông, tổng diện tích 57ha, mức đầu tư khoảng 2.570 tỷ đồng; 4 trung tâm tiếp vận phía Đông, Đông Bắc, phía Bắc và phía Nam với tổng diện tích 39ha, mức đầu tư 1.950 tỷ đồng.

Cũng trong giai đoạn này, Hà Nội sẽ đầu tư 204 dự án bãi đỗ xe công cộng, tập trung tại khu vực nội đô đạt diện tích đỗ xe khoảng 183,56ha, tổng mức đầu tư dự báo khoảng 29.872 tỷ đồng (chủ yếu bằng nguồn vốn xã hội hóa).

Về nguồn vốn để thực hiện, theo tờ trình, UBND TP Hà Nội đề xuất xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các nhà đầu tư thực hiện dự án xây dựng bãi đỗ xe trên địa bàn thành phố. Cho phép bố trí kết hợp các chức năng thương mại, dịch vụ tiện ích trong các bãi đỗ xe ngầm để tăng tính hấp dẫn nhà đầu tư, đẩy nhanh thời gian thu hồi vốn đầu tư từ dự án.

Tuy nhiên, với số vốn đầu tư “khủng” như được nêu trong tờ trình, chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên nhận định, Hà Nội sẽ phải thực hiện xã hội hóa nguồn vốn này và việc thu hút được nguồn vốn xã hội hóa sẽ rất khó khăn.

Ông Bùi Danh Liên cho biết, trước đây, Hà Nội đã thực hiện việc xã hội hóa bến xe nhưng do quy hoạch không ổn định, thường thay đổi nên nhà đầu tư phải cân nhắc rất nhiều. Đặc biệt, hiện nay theo phương án quy hoạch về lâu dài là sẽ quy hoạch mới 7 bến xe khách liên tỉnh phục vụ đô thị trung tâm gồm: Bến xe khách phía Bắc 10 ha; bến xe khách Đông Anh 5,3 ha; Bến xe khách phía Đông Bắc (bến xe Cổ Bi) 10,4 ha; Bến xe khách phía Nam 10 ha; Bến xe khách Yên Nghĩa 7ha; Bến xe khách phía Tây 5 ha; Bến xe khách phía Tây Bắc (Phùng) 15 ha. Như vậy, các bến xe sẽ được quy hoạch ra xa khu vực trung tâm, xa khu vực dân cư. Với quy hoạch như vậy, sẽ khó thu hút được nguồn vốn xã hội hóa của các doanh nghiệp bởi nguồn vốn đầu tư rất lớn, nhưng do quy hoạch xa trung tâm nên sẽ không có khách, thu hồi vốn sẽ rất khó. Hai điều kiện cơ bản nhất khi doanh nghiệp đầu tư vào bến xe đó là xe và khách. Trước đây, bến xe Nước Ngầm đã mất 10 năm để thu hút được lượng xe khách vào bến đạt được như bây giờ; bến xe Mỹ Đình sau khi thay đổi luồng chuyến xe chạy về các tỉnh, lượng xe khách vào cũng đã giảm đi đáng kể. Như vậy có thể thấy, với quy hoạch này, nhà đầu tư sẽ rất khó thu hồi được vốn.

Thứ hai, tuy khi đầu tư vào bến xe các doanh nghiệp sẽ được miễn tiền thuế đất, nhưng nếu thời hạn quy hoạch bến xe không lâu dài thì nhà đầu tư cũng không mặn mà với việc đầu tư vào bến xe.

Thứ ba, hiện nay do việc đấu thầu các dự án không được công khai, minh bạch cũng khiến các nhà đầu tư ngại đầu tư vào lĩnh vực này. Các doanh nghiệp quan tâm nhiều hơn đến việc đầu tư vào hạ tầng xây dựng cơ bản (không khai thác bến xe) bởi sẽ lấy lại được vốn nhanh hơn.

Cần sớm có quy hoạch tổng thể để giữ chân nhà đầu tư

Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, ông Nguyễn Anh Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Bến xe khách Việt Nam cho rằng, trên cơ sở bản quy hoạch chúng ta có thể tổ chức đấu thầu để các thành phần kinh tế tham gia. Trong đó phải quy định rõ cái gì Nhà nước sẽ làm, cái gì thành phần kinh tế tư nhân sẽ làm. Chủ trương của Nhà nước là xã hội hóa các bến xe thì phải có các biện pháp để hỗ trợ, thúc đẩy phần xã hội hóa này.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (VATA) cho rằng, cần có một quy hoạch dài hạn và cần giữ ổn định lâu dài quy hoạch bến xe khách, bởi hiện nhiều doanh nghiệp vẫn rất “lăn tăn” khi đầu tư vào các bến, bãi đỗ xe khi chưa có một quy hoạch thống nhất, trong khi đó đây lại là lĩnh vực đầu tư dài hạn và doanh thu không thể thu lợi được trong “một sớm một chiều”. Có quy hoạch sẽ là sự đảm bảo chắc chắn, ổn định về pháp lý cho các nhà đầu tư.

Về quản lý các bến xe, ông Thanh cho rằng, hiện đang có tình trạng các bến xe khách ở nhiều tỉnh, thành phố bị giải tỏa, di dời; dành đất cho xây dựng khu đô thị, thương mại; tính ổn định về vị trí thấp; vai trò kết nối của bến xe không được tính đến một cách đầy đủ khi quy hoạch bến xe dẫn đến hiệu suất sử dụng đất của bến xe thấp…

“Vì vậy, theo tôi, cần chú ý vai trò đầu mối kết nối các phương thức vận tải và kết nối vận tải ô tô đường dài với xe buýt, taxi. Đối với trường hợp bắt buộc phải di chuyển bến xe thì đất bến xe phải dành cho giao thông tĩnh, điểm trung chuyển và logistics. Không chuyển đất bến xe sang mục đích khác vì sẽ làm giảm tỷ lệ đất dành cho giao thông ở các đô thị vốn đang rất thấp hiện nay. Đồng thời, để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, chúng ta có thể cho thí điểm xây dựng một số bến xe cao tầng ở các đô thị (như Trung Quốc, Nhật Bản) đã làm. Cụ thể, tầng 1 dành cho xe đến bến, tầng 2 khách chờ đi xe, xe nhận khách xuất bến, các tầng trên làm văn phòng, thương mại, dịch vụ. Điều này sẽ giúp tối ưu hóa các quỹ đất hiện có”, ông Nguyễn Văn Thanh kiến nghị.

Trong giai đoạn 2025 - 2030, thành phố sẽ đầu tư 12 dự án bến xe khách tại các đô thị vệ tinh (bến Phùng, bến phía Tây, Cam Thượng, Xuân Khanh, Bắc Hòa Lạc, Nam Hòa Lạc, Xuân Mai, Miếu Môn, Phú Xuyên, Mai Đình, Tân Minh), tổng diện tích khoảng 57ha, mức đầu tư dự báo khoảng 3.254 tỷ đồng.

Đầu tư 8 dự án bến xe tải (Phùng, Sơn Tây, Hòa Lạc, Phụng Hiệp, Phú Xuyên, Sóc Sơn), tổng diện tích khoảng 83ha với tổng mức đầu tư dự báo khoảng 3.850 tỷ đồng. Với bãi đỗ xe công cộng, giai đoạn 2025-2030, thành phố dự kiến đầu tư khoảng 1.334 dự án, tổng mức đầu tư dự báo khoảng 231.723 tỷ đồng.

Về quy hoạch mạng lưới bãi đỗ xe, tờ trình của UBND TP.Hà Nội cho biết, trong phạm vi đô thị trung tâm, quy hoạch 1.480 vị trí bãi đỗ xe công cộng tập trung với tổng quy mô diện tích 1197,8ha. Trong đó, có 74 vị trí xây dựng bãi đỗ xe ngầm (chiếm tỷ lệ 5%, chủ yếu trong khu vực nội đô lịch sử); 450 bãi đỗ xe cao tầng (chiếm tỷ lệ 30,4%), còn lại là các bãi đỗ xe công cộng được xác định phù hợp với các đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết được duyệt, đã cập nhật khớp nối thống nhất với các dự án đầu tư. Từ nay đến 2030, Hà Nội sẽ chi khoảng 262.595 tỷ đồng để xây dựng hơn 1.538 bãi đỗ xe công cộng trong khu vực nội đô.

Xuân Thảo

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/quy-hoach-ben-bai-do-xe-ha-noi-von-khung-trong-vao-dau.aspx