Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp: Khó khăn, vẫn có thể chuyển ngân sách 50.000 tỷ đồng

Nếu không phát sinh khoản chi lớn đột xuất thì số dư Quỹ tại thời điểm ngày 31/12/2018 sẽ đáp ứng đủ nguồn để chuyển về ngân sách nhà nước trong năm 2019 là 50.000 tỷ đồng.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, tại thời điểm 31/12/2018, tổng tài sản của Quỹ là 69.994 tỷ đồng, trong đó số dư bằng tiền là 52.069 tỷ đồng.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, trong báo cáo thừa ủy quyền Thủ tướng gửi đến Quốc hội đã cho biết thông tin trên, về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp.

Quỹ này, từ đầu năm 2018 được chuyển giao từ Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) về Bộ Tài chính theo dõi, quản lý.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, tại thời điểm 31/12/2018, tổng tài sản của Quỹ (đã điều chỉnh theo báo cáo kiểm toán) là 69.994 tỷ đồng, trong đó số dư bằng tiền là 52.069 tỷ đồng.

Trong năm 2018, tổng thu về Quỹ là 38.631 tỷ đồng đạt 117,2% so với kế hoạch.

“Trong trường hợp Quỹ không phát sinh các khoản chi lớn đột xuất khác phát sinh ngoài kế hoạch (nếu có) của năm 2019, số dư Quỹ tại thời điểm ngày 31/12/2018 sẽ đáp ứng đủ nguồn để chuyển về ngân sách nhà nước trong năm 2019 là 50.000 tỷ đồng”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhận định.

Vẫn theo đánh giá của người đứng đầu ngành tài chính, giai đoạn 2011-2017, việc thu hồi nợ gốc và lãi chậm nộp chưa được SCIC xử lý dứt điểm. Theo báo cáo của SCIC phần lớn các khoản nợ là khó đòi hoặc không có khả năng thu hồi.

Đến thời điểm 31/12/2017, nợ Quỹ đã được SCIC theo dõi, hạch toán và bàn giao cho Bộ Tài chính là 2.088 tỷ đồng. Trong năm 2018, Bộ Tài chính đã tích cực triển khai đôn đốc, thu hồi công nợ. Đến ngày 31/12/2018, số nợ SCIC bàn giao sang đã được Bộ Tài chính thu hồi là 871 tỷ đồng (giảm 42% so với số SCIC bàn giao), nợ tồn đọng còn phải thu do SCIC bàn giao là 1.218 tỷ đồng.

Tại báo cáo Bộ trưởng cũng nêu hạn chế, vướng mắc, như nguồn thu của Quỹ phụ thuộc vào kết quả cổ phần hóa doanh nghiệp và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, trong khi tiến độ triển khai việc này diễn ra rất chậm. Việc thu hồi còn nhiều khó khăn do các đối tượng chưa thực hiện nghiêm trách nhiệm trả nợ, đối tượng nợ bao gồm cả cá nhân là người nghèo mua cổ phần trả chậm theo quy định trước đây, nhiều đối tượng nợ là doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản hoặc tình hình tài chính khó khăn nên chậm trả nợ...

Nguyên nhân, theo Bộ trưởng là do cơ quan đại diện chủ sở hữu chưa nghiêm túc thực hiện đầy đủ, kịp thời nghĩa vụ và trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát, quyết toán các khoản thu từ cổ phần hóa, thoái vốn cũng như việc đôn đốc các doanh nghiệp nộp các khoản thu, báo cáo về Quỹ dẫn đến phát sinh các khoản nợ Quỹ kéo dài, khó khăn trong việc theo dõi và thu hồi kịp thời.

KHÁNH PHƯƠNG

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/tai-chinh/quy-ho-tro-sap-xep-doanh-nghiep-kho-khan-van-co-the-chuyen-ngan-sach-50000-ty-dong-3524398.html