Quỹ Hỗ trợ nông dân: Đổi mới phương thức hỗ trợ sản xuất

Những năm gần đây, Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) của Hội Nông dân tỉnh đã trở thành 'đòn bẩy' giúp các hộ nông dân phát triển sản xuất. Ngoài ra, Quỹ còn là kênh hữu hiệu góp phần tập hợp, củng cố tổ chức Hội thông qua những mô hình kinh tế hợp tác cùng lợi ích, cùng trách nhiệm.

Nguồn vốn phát huy hiệu quả

Anh Nguyễn Tiến Hiếu, ở thôn Phước Hiệp, xã Đức Hòa (Mộ Đức) gắn bó với nghề chăn nuôi bò đã lâu. Tuy nhiên, do thiếu vốn, gia đình anh chỉ nuôi từ 1 - 2 con, chứ không thể tăng đàn. Năm 2017, anh Hiếu cùng 19 hộ dân trong xã thành lập tổ hợp tác nuôi bò lai sinh sản.

Từ nguồn vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân, anh Nguyễn Tiến Hiếu, ở thôn Phước Hiệp, xã Đức Hòa (Mộ Đức) đã phát triển được đàn bò của gia đình.

Được sự hướng dẫn của Hội Nông dân huyện Mộ Đức và xã Đức Hòa, tổ hợp tác đã lập dự án “Chăn nuôi bò lai sinh sản” và được vay 1 tỷ đồng từ Quỹ HTND của Hội Nông dân tỉnh để phát triển sản xuất. Thời gian thực hiện dự án từ tháng 4.2017 đến tháng 4.2020. Trong đó, anh Hiếu được vay 50 triệu đồng. Với số tiền này, anh đã mua thêm được 3 con bò thịt giống 3B. Nhờ đó, mỗi năm gia đình anh duy trì đàn bò 5 con, khi xuất bán, mỗi con có giá trị từ 60 - 80 triệu đồng, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.

Ở xã Tịnh Sơn (Sơn Tịnh), từ năm 2017, hội viên Hội Nông dân xã đã thành lập tổ hợp tác để liên kết sản xuất và lập dự án “Nuôi trồng thủy sản”. Theo đó, dự án được duyệt với tổng số vốn vay là 600 triệu đồng từ Quỹ HTND của Hội ND tỉnh. Từ nguồn vốn này, các hộ gia đình đã tập trung cải tạo lồng bè đúng quy cách, mua giống đảm bảo chất lượng...

Nhờ đó, năng suất nuôi cá lồng bè được nâng lên đáng kể. “Sau khi thành lập tổ hợp tác, các thành viên còn thường xuyên trao đổi kinh nghiệm trong việc phòng dịch bệnh, giúp nhau thu hoạch cá khi đến thời vụ. Đặc biệt, thống nhất được giá bán, thời điểm thu hoạch, cùng chịu trách nhiệm trả nguồn vốn vay”, anh Trần Nhật Tấn, ở thôn Tây, xã Tịnh Sơn, một trong những nông dân tham gia tổ hợp tác, cho biết.

Kết nối nông dân

Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Đức Hòa Phạm Văn Tín, tham gia các dự án, nông dân không chỉ được vay vốn không qua thế chấp tài sản, mà còn được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, để sử dụng đồng vốn đạt hiệu quả. Năm 2017, 19 hộ đầu tiên tham gia dự án nuôi bò vỗ béo, thấy có hiệu quả, nhiều nông dân khác đã mạnh dạn đăng ký tham gia.

Tính đến cuối năm 2019, các cấp hội nông dân trong tỉnh đang cho 1.276 hộ vay nguồn vốn Quỹ HTND, bình quân mỗi hộ vay 30 triệu đồng. Riêng Quỹ HTND tỉnh đang cho vay 802 hộ vay, với số tiền 26.446 triệu đồng tại 84 dự án, mô hình. Nhiều mô hình đã khẳng định được hiệu quả, người vay vốn thu được sản phẩm, tăng thu nhập. Trên thực tế, mặc dù số vốn vay không lớn, nhưng đã tạo “đòn bẩy” góp phần giúp hàng nghìn lượt hộ nông dân có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất, tăng thu nhập, tạo thêm việc làm, cải thiện đời sống và làm giàu chính đáng, hình thành nhiều vùng chuyên canh cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản, gia súc, gia cầm.

"Từ năm 2011, Quỹ HTND đổi mới căn bản phương thức hỗ trợ cho nông dân vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh theo mô hình dự án, thay cho vay theo hộ, hay nhóm hộ nhỏ lẻ để xây dựng và nhân rộng các mô hình liên kết, hợp tác, nhóm hộ, trang trại... Sự thay đổi này đã góp phần tăng thêm ý nghĩa của nguồn vốn Quỹ HTND. Dự kiến trong năm 2020, Hội Nông dân tỉnh sẽ tiếp tục giải ngân 10 tỷ đồng từ nguồn Quỹ HTND cho 24 dự án trên địa bàn tỉnh", Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Trần Ngọc Vinh chia sẻ.

Bài, ảnh: VŨ YẾN

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2025/202003/quy-h%E1%BB%97-tr%E1%BB%A3-n%C3%B4ng-d%C3%A2n-%C4%91%E1%BB%95i-m%E1%BB%9Bi-ph%C6%B0%C6%A1ng-th%E1%BB%A9c-h%E1%BB%97-tr%E1%BB%A3-san-xu%E1%BA%A5t-2995769/