Quy định về xuất xứ hàng hóa: Đại biểu 'truy', Bộ trưởng kêu khó...

Dẫn chứng nhiều vụ việc gian lận xuất xứ hàng hóa, điển hình như Khaisilk, Asanzo,...đã bị phát hiện. Các đại biểu Quốc hội quan tâm giải pháp của Bộ Công Thương trong việc xử lý triệt để hiện tượng này.

Bộ trưởng Bộ Công Thương trả lời chất vấn vào cuối giờ chiều ngày 6/11.

Bộ trưởng Bộ Công Thương trả lời chất vấn vào cuối giờ chiều ngày 6/11.

Nhiều giải pháp đối diện nguy cơ

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) “xoáy sâu” vào vấn đề quản lý xuất xứ, chứng nhận xuất xứ của Việt Nam chống việc gian lận thương mại và gian lận xuất xứ của hàng Trung Quốc cũng như của các nước thứ 3 trong việc lợi dụng xuất xứ của Việt Nam trong các ưu đãi thương mại kể cả trong xuất nhập khẩu cũng như trong tiêu thụ tại thị trường trong nước…

Trả lời, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, hiện nay chúng ta đang thực thi hàng loạt các quy định của luật pháp rất quan trọng liên quan đến vấn đề tiêu thụ tại thị trường trong nước cũng như thực thi trong hoạt động xuất, nhập khẩu như Luật Quản lý ngoại thương, Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, Luật Hải quan, Luật Quản lý thuế, Pháp lệnh Quản lý thị trường, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa,...

“Tại sao tôi nói nhiều văn bản quy phạm pháp luật này, bởi vì nó đều liên quan đến việc điều chỉnh các hoạt động trong thương mại trong nước cũng như liên quan đến hoạt động thương mại quốc tế” - Bộ trưởng giải thích.

Theo quy định pháp luật, là cơ quan thực thi chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực này nên Bộ Công Thương đã chủ trì xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết về quản lý ngoại thương. Đây là Nghị định rất quan trọng, hướng dẫn cho các doanh nghiệp và các cơ quan quản lý về thương mại quốc tế và cấp cấp giấy chứng nhận xuất xứ có cơ sở cấp xuất xứ của Việt Nam cho các sản phẩm của chúng ta xuất khẩu đi các thị trường mà Việt Nam được hưởng ưu đãi thương mại về thuế quan trong Hiệp định đó.

Bộ Công Thương cũng đã có những hướng dẫn và Thông tư cụ thể để cụ thể hóa những việc tổ chức triển khai thực hiện cũng như tăng cường kiểm soát việc cấp chứng nhận xuất xứ.

Thứ hai, Bộ Công Thương đã tăng cường tuyên truyền, phổ biến tới cộng đồng doanh nghiệp để phòng tránh ngăn chặn về hành vi chuyển tải hàng hóa và gian lận thương mại.

Đặc biệt để chủ động hơn nữa trong bối cảnh mới khi chúng ta đang phải đối mặt nhiều nguy cơ gian lận hàng hóa của các nước ngoài đối với xuất xứ của Việt Nam trong thương mại quốc tế, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Đề án tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ.

Mục tiêu là tăng cường quản lý nhà nước đối với tất cả các khâu trong liên quan đến xuất khẩu, nhập khẩu và đầu tư của nước ngoài để ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại. Bộ Công Thương cũng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để quy định cụ thể về xuất xứ hàng hóa lưu thông trong nước.

Đang xây dựng Thông tư quy định chi tiết

Báo cáo rõ hơn, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, ngoài các văn bản và Nghị định hướng dẫn về Luật Quản lý ngoại thương còn có Nghị định 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa để quy định những nội dung điều chỉnh trong việc chứng nhận nhãn mác, ghi nhãn mác cũng như các hàng hóa sản phẩm lưu thông trong nước.

Tuy nhiên, Nghị định 43 giao trách nhiệm cho các doanh nghiệp, các nhà sản xuất tự kê khai và ghi nhãn mác hàng hóa cũng như phần xuất xứ hàng hóa và để phục vụ cho lưu thông trong nước, thị trường trong nước. Chính vì vậy, trong một thời gian dài đã diễn ra bước đầu những hành vi có dấu hiệu gian lận thương mại và gian lận xuất xứ lừa dối người tiêu dùng.

“Chúng ta đã từng chứng kiến vụ Khaisilk trong một thời gian trước kia cũng như sau này có những câu chuyện chưa rõ ràng trong hướng dẫn về ghi xuất xứ với hàm lượng như thế nào trong phần giá trị gia tăng của sản xuất nội địa dẫn đến có vướng mắc cho một số doanh nghiệp mà trong đó đã chứng kiến câu chuyện như của ASANZO” – ông Tuấn Anh dẫn chứng.

Ngay từ năm 2018, Bộ Công Thương đã chủ động báo cáo với Thủ tướng Chính phủ để đề xuất việc xây dựng một văn bản pháp quy hướng dẫn cụ thể hơn nữa việc ghi chứng nhận xuất xứ cho các sản phẩm hàng hóa sản xuất tại Việt Nam và lưu thông tại thị trường trong nước.

“Đây xác định là một việc khó nên Bộ Công Thương cũng đã báo cáo và xin ý kiến các bộ, ngành để tổ chức xây dựng Thông tư dưới hình thức mở và có sự tham gia đóng góp ý kiến của các bộ, ngành, cơ sở pháp lý cũng như cả về nội dung điều chỉnh trong các chủ thể của hoạt động này” – Tư lệnh ngành Công Thương cho biết.

Sau gần 1 năm xây dựng đã hoàn thành dự thảo Thông tư hướng dẫn chứng nhận xuất xứ hàng hóa cho sản phẩm lưu thông tại thị trường trong nước và đang tổ chức lấy ý kiến đăng tải công khai trên các phương tiện truyền thông và tổ chức lấy ý kiến phản biện của xã hội, của doanh nghiệp, của người dân, của các tổ chức.

Hiện nay, dự thảo này đã qua 2 vòng, có thể nói những ý kiến đóng góp đa dạng và đầy đủ.

Tuy phần trả lời khá “đầy đủ” song đại biểu Nguyễn Tiến Sinh vẫn chưa thỏa mãn và giơ bảng xin tranh luận.

Đại biểu cho rằng các vụ việc đã xảy ra một thời gian rồi mà Bộ cũng đã mất gần 1 năm và vẫn đang “xây dựng và xin ý kiến dự thảo Thông tư hướng dẫn” trong khi việc ban hành Thông tư nằm trong thẩm quyền của Bộ. Điều này cần được thúc đẩy nhanh hơn.

Trả lời, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói: “Không phải chúng tôi không quyết tâm hoặc không mong muốn làm quyết liệt. Thực sự, đây là vấn đề phức tạp, ý kiến cũng rất đa dạng, nhiều chiều về nhiều khía cạnh kỹ thuật, đòi hỏi phải có sự cân nhắc. Chúng tôi cam kết với các đại biểu Quốc hội và cử tri là sẽ làm hết trách nhiệm, chứ không phải thiếu kiên quyết hoặc có thái độ vô cảm. Trong cuối năm nay, Bộ Công Thương sẽ phối hợp cùng các bộ, ngành có liên quan, trong đó Bộ Tư pháp để rà soát lại tính chất pháp lý cũng như cơ sở của nó và phạm vi điều chỉnh và hiệu quả của nó để đảm bảo văn bản pháp quy này được ban hành và sẽ có hiệu lực hiệu quả và đi vào cuộc sống”.

Hồng Vân

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/quy-dinh-ve-xuat-xu-hang-hoa-dai-bieu-truy-bo-truong-keu-kho-114802.html