Quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết

Nghị định số 132/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Nghị định quy định nguyên tắc, phương pháp, trình tự, xác định yếu tố hình thành giá giao dịch liên kết; quyền và nghĩa vụ của người nộp thuế trong xác định giá giao dịch liên kết, thủ tục kê khai; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong quản lý thuế đối với người nộp thuế có phát sinh giao dịch liên kết.

Các giao dịch liên kết thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này là các giao dịch mua, bán, trao đổi, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn, chuyển giao, chuyển nhượng hàng hóa, cung cấp dịch vụ; vay, cho vay, dịch vụ tài chính, đảm bảo tài chính và các công cụ tài chính khác; mua, bán, trao đổi, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn, chuyển giao, chuyển nhượng tài sản hữu hình, tài sản vô hình và thỏa thuận mua, bán, sử dụng chung nguồn lực như tài sản, vốn, lao động, chia sẻ chi phí giữa các bên có quan hệ liên kết, trừ các giao dịch kinh doanh đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc phạm vi điều chỉnh giá của Nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật về giá.

Nghị định gồm 4 chương, 23 điều. Chương I (Điều 1 đến Điều 5) bao gồm những quy định chung về đối tượng áp dụng; nguyên tắc áp dụng; các bên có quan hệ liên kết… Chương II (Điều 6 đến Điều 15) bao gồm những quy định về phân tích, so sánh, lựa chọn đối tượng so sánh độc lập và các phương pháp xác định giá giao dịch liên kết. Chương III (Điều 16 đến Điều 19) bao gồm những quy định về chi phí tính thuế và kê khai, xác định giá giao dịch liên kết. Chương IV (Điều 20 đến Điều 23) quy định về điều khoản thi hành.

Nghị định này thay thế Nghị định số 20/2017/NĐ-CP và Nghị định số 68/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/12/2020 và áp dụng từ kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) năm 2020.

Người nộp thuế thuộc trường hợp khai bổ sung hồ sơ khai quyết toán thuế TNDN năm 2017, năm 2018 theo quy định tại khoản 2, Điều 2 Nghị định số 68/2020/NĐ-CP, nhưng chưa thực hiện kê khai bổ sung hồ sơ quyết toán thuế TNDN được tiếp tục thực hiện đến trước ngày 1/1/2021.

Người nộp thuế đã được cơ quan thuế hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện thanh tra, kiểm tra và đã có kết luận thanh tra, kiểm tra, quyết định xử lý đối với kỳ tính thuế năm 2017, năm 2018, nhưng thuộc trường hợp được xác định lại số thuế phải nộp theo điểm c, khoản 2, Điều 2 Nghị định số 68/2020/NĐ-CP đến ngày 20/12/2020 chưa gửi đề nghị cho cơ quan thuế, thì có quyền đề nghị cơ quan thuế quản lý trực tiếp xác định lại số thuế phải nộp.

Trường hợp người nộp thuế có số tiền thuế TNDN, tiền chậm nộp đã nộp ngân sách nhà nước của năm 2017, năm 2018 lớn hơn số tiền thuế TNDN, tiền chậm nộp đã xác định lại, thì phần chênh lệch được bù trừ vào số thuế TNDN từ năm 2020 đến hết năm 2024. Kết thúc thời hạn trên, không xử lý số thuế còn lại chưa bù trừ hết.

Đối với trường hợp được chuyển chi phí lãi vay sang kỳ tính thuế tiếp theo khi quyết toán thuế TNDN năm 2019 theo quy định tại Nghị định số 68/2020/NĐ-CP, thời gian chuyển chi phí lãi vay tính liên tục không quá 5 năm kể từ kỳ tính thuế TNDN năm 2020. Trường hợp sau 5 năm không chuyển hết thì phần chi phí lãi vay còn lại không được chuyển sang các kỳ tính thuế tiếp theo.

Bích Diệp (Cục Thuế tỉnh)

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/202012/quy-dinh-ve-quan-ly-thue-doi-voi-doanh-nghiep-co-giao-dich-lien-ket-2512776/