Quy định về Khu vực tư

Xin quý báo có thể cho Công ước của Liên Hợp quốc về Phòng chống tham nhũng quy định như nào về các biện pháp liên quan đến hoạt động truy tố và xét xử?

Hỏi:

Xin quý báo có thể cho Công ước của Liên Hợp quốc về Phòng chống tham nhũng quy định như nào về khu vực tư?

Nguyễn Hoài Minh, trú tại huyện Ba Vì, Hà Nội

Trả lời:

Về câu hỏi của bạn, báo PL&XH xin trả lời như sau: Điều 12 Công ước của Liên Hợp quốc quy định về Khu vực tư như sau:

1. Trên cơ sở phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật nước mình, mỗi quốc gia thành viên sẽ tiến hành các biện pháp để phòng ngừa tham nhũng liên quan đến khu vực tư, tăng cường các tiêu chuẩn kế toán và kiểm toán trong khu vực tư và, khi thích hợp, ban hành những chế tài dân sự, hành chính hoặc hình sự hiệu quả tương xứng và có tính răn đe đối với những hành vi không tuân thủ các biện pháp này.

2. Những biện pháp để đạt được mục đích này, có thể bao gồm:

(a) Thúc đẩy hợp tác giữa các cơ quan thực thi pháp luật và các tổ chức tư nhân tương ứng;

(b) Thúc đẩy xây dựng các chuẩn mực và thủ tục nhằm bảo vệ sự liêm khiết của các tổ chức tư nhân tương ứng, trong đó có quy tắc ứng xử về tính chính xác, tính chính trực và tính đúng đắn trong hoạt động kinh doanh và tất cả các nghề nghiệp liên quan, đồng thời thúc đẩy công tác phòng ngừa xung đột lợi ích, thúc đẩy nhân rộng các thực tiễn thương mại tốt trong hoạt động kinh doanh và trong quan hệ hợp đồng với quốc gia đó;

(c) Tăng cường tính minh bạch giữa các tổ chức tư nhân, khi thích hợp áp dụng cả các biện pháp nhận dạng cá nhân tham gia thành lập và quản lý công ty;

(d) Phòng ngừa việc lạm dụng thủ tục điều chỉnh tổ chức tư nhân, trong đó có thủ tục trợ cấp và cấp phép của các cơ quan chức năng đối với các hoạt động thương mại;

(e) Phòng ngừa xung đột lợi ích bằng cách cấm, khi thấy phù hợp và trong một thời gian hợp lý, những người đã từng là công chức thực hiện các hoạt động nghề nghiệp hoặc cấm khu vực tư nhân tuyển dụng công chức vào làm việc sau khi họ đã từ chức hoặc về hưu nếu các hoạt động nghề nghiệp hoặc việc tuyển dụng đó có liên quan trực tiếp đến chức năng mà công chức này đảm nhiệm hoặc giám sát khi còn đương nhiệm.

(f) Đảm bảo rằng các doanh nghiệp tư nhân, trên cơ sở xét đến cơ cấu tổ chức và quy mô của mình, có chế độ kiểm soát kiểm toán nội bộ nhằm phòng ngừa và phát hiện hành vi tham nhũng; và rằng các tài khoản và các báo cáo tài chính cần thiết của những doanh nghiệp này tuân thủ các quy trình thích hợp về kiểm toán và chứng nhận.

3. Nhằm mục đích phòng ngừa tham nhũng, phù hợp với pháp luật và quy định của nước mình về duy trì sổ sách, chứng từ, công khai báo cáo tài chính và tiêu chuẩn kế toán, kiểm toán, mỗi Quốc gia thành viên tiến hành các biện pháp cần thiết để cấm những hành vi sau đây được thực hiện nhằm mục đích phạm bất kỳ tội nào trong những tội được quy định theo Công ước này:

(a) Lập tài khoản ngoài sổ sách;

(b) Tiến hành giao dịch ngoài sổ sách hoặc giao dịch không được xác minh thỏa đáng;

(c) Lập chứng từ khống;

(d) Đưa vào sổ sách những khoản nợ mà xác định sai đối tượng nợ;

(e) Dùng giấy tờ, chứng từ giả; và

(f) Cố tình hủy tài liệu sổ sách trước thời hạn do pháp luật quy định.

4. Mỗi quốc gia thành viên không cho phép việc khấu trừ thuế đối với các khoản chi tiêu là tiền hối lộ, mà khoản tiền hối lộ này là một trong những yếu tố cấu thành các tội phạm được quy định theo Điều 15 và Điều 16 của Công ước này, và khi thích hợp, đối với cả các khoản chi tiêu khác phát sinh để thực hiện hành vi tham nhũng.

Đỗ Phương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/quy-dinh-ve-khu-vuc-tu-148868.html