Quy định về hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài

Trong quá trình chuẩn bị sơ kết thi hành Luật HNGD, Bộ Tư pháp đã rà soát, kiến nghị hoàn thiện một số quy định về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài.

Về thẩm quyền giải quyết các vụ việc hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài: Khoản 1 và khoản 2 Điều 123 Luật HNGĐ dẫn chiếu đến quy định trong các đạo luật khác là pháp luật về hộ tịch và Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 mà không có quy định loại trừ. Tuy nhiên, khoản 3 Điều này, Điều 128, khoản 2 Điều 129 Luật HNGĐ lại có quy định riêng biệt về thẩm quyền của TAND cấp huyện, thẩm quyền áp dụng cho một số quan hệ hôn nhân và gia đình cụ thể.

Quy định tại khoản 3 Điều 123 Luật HNGĐ trùng với quy định tại khoản 4 Điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015. Do vậy, không cần thiết phải quy định thẩm quyền trong Luật HNGĐ.

Thẩm quyền xác định cha, mẹ, con có yếu tố nước ngoài: Về thẩm quyền của cơ quan hộ tịch, Điều 128 Luật HNGĐ mặc dù chỉ dẫn đế pháp luật về hộ tịch nhưng còn thiếu trường hợp công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài đã được quy định tại Điều 43 Luật Hộ tịch năm 2014.

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Về thẩm quyền của Tòa án, các Điều 28, 29, 469 và 470 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định về thẩm quyền của tòa án Việt Nam với các vụ việc dân sự nói chung và các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài nói riêng, nhưng Điều 469 và Điều 470 không có quy định cụ thể về thẩm quyền quốc tế (thẩm quyền của tòa án Việt Nam so với tòa án nước ngoài) đối với vụ việc về quan hệ pháp lý giữa cha mẹ con. Việc Luật HNGĐ có quy định riêng nhưng không đầy đủ về thẩm quyền của tòa án có thể dẫn đến những cách giải thích khác nhau.

Về thẩm quyền giải quyết nghĩa vụ cấp dưỡng có yếu tố nước ngoài: Khoản 1 và khoản 2 Điều 129 Luật HNGĐ mâu thuẫn nhau. Khoản 2 xác định thẩm quyền thuộc về cơ quan của nước nơi người yêu cầu cấp dưỡng cư trú, như vậy nếu người yêu cầu không cư trú ở Việt Nam thì cơ quan của Việt Nam không có thẩm quyền giải quyết vụ việc và không có điều kiện để áp dụng khoản 1 trong đó cho phép giải quyết các yêu cầu cấp dưỡng của người không cư trú tại Việt Nam (áp dụng pháp luật mà họ là công dân).

Trong các Hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự mà Việt Nam đã ký kết với các nước đều xác định cơ quan có thẩm quyền là cơ quan nơi người yêu cầu cấp dưỡng thường trú hoặc cư trú nhưng pháp luật áp dụng thì có Hiệp định quy định là pháp luật nơi người yêu cầu thường trú, có Hiệp định lại quy định là pháp luật nơi người yêu cầu là công dân.

Về pháp luật áp dụng đối với các vụ việc về hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài: Luật HNGĐ không quy định rõ về hệ thuộc luật áp dụng trong một số quan hệ cụ thể: quan hệ nhân thân và tài sản của vợ chồng, quan hệ giữa các thành viên trong gia đình đặc biệt là quan hệ cha mẹ con... Trong những trường hợp này, nguyên tắc chung của Luật HNGĐ là áp dụng pháp luật Việt Nam (không theo nguyên tắc áp dụng pháp luật của nước nơi có mối liên hệ gắn bó nhất với quan hệ đó như quy định của Bộ luật dân sự năm 2015). Điều 122 Luật HNGĐ cũng quy định một số vấn đề về áp dụng pháp luật nước ngoài, tập quán quốc tế, dẫn chiếu... là những vấn đề có tính nguyên tắc đã được quy định trong Bộ luật dân sự.

Về định nghĩa quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài: Trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình, yếu tố cư trú (hoặc thường trú) tại nước ngoài có thể ảnh hưởng đến thẩm quyền giải quyết và pháp luật áp dụng đối với các quan hệ hôn nhân và gia đình, đặc biệt là trong bối cảnh một số quốc gia (tương tự như Việt Nam) cho phép những người nước ngoài kết hôn với nhau trước cơ quan có thẩm quyền của họ. Trong khi đó, đối tượng người Việt Nam định cư ở nước ngoài theo Luật Quốc tịch Việt Nam bao gồm cả người có quốc tịch Việt Nam và quốc tịch nước ngoài nên không rõ ràng về tư cách chủ thể. Vì vậy, người Việt Nam định cư ở nước ngoài không còn là một nhóm chủ thể riêng biệt trong định nghĩa về quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài theo BLDS. Trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài mang quốc tịch nước ngoài, quan hệ có sự tham gia của chủ thể này là quan hệ có yếu tố nước ngoài. Trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhưng mang quốc tịch Việt Nam và mọi yếu tố trong quan hệ dân sự đều liên quan đến Việt Nam thì quan hệ này phải được coi như quan hệ trong nước.

Về pháp luật áp dụng đối với kết hôn có yếu tố nước ngoài: Điều 126 nên sử dụng chung thuật ngữ "pháp luật của nước mà bên kết hôn có quốc tịch" tương tự như cách sử dụng trong BLDS.

Khoản 2 Điều 126 Luật HNGĐ không áp dụng nguyên tắc chung tại khoản 1 mà chỉ buộc các bên tuân theo quy định của pháp luật Việt Nam. Quy định này có thể khiến cho hôn nhân của những người nước ngoài này không được công nhận tại quốc gia mà họ là công dân, tạo kẽ hở để người nước ngoài lẩn tránh các quy định pháp luật về kết hôn ở quốc gia mà họ là công dân.

Đối với các văn bản quy định chi tiết, mặc dù có quy định về việc áp dụng pháp luật của nước mà mỗi bên kết hôn có quốc tịch, các quy định về thủ tục kết hôn có yếu tố nước ngoài (Điều 38 Luật Hộ tịch, Điều 30 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch) chỉ đòi hỏi bên nước ngoài nộp giấy chứng minh tình trạng hôn nhân hoặc giấy tờ xác nhận đủ điều kiện kết hôn theo pháp luật nước ngoài (trong trường hợp không có giấy chứng minh tình trạng hôn nhân) mà không xem xét nội dung quy định của pháp luật nước ngoài về các điều kiện kết hôn.

Các quy định hiện hành (Điều 38 Luật hộ tịch, Điều 30, Điều 31, Điều 32 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch) không yêu cầu việc nộp hồ sơ phải có mặt cả bên nam nữ. Tuy nhiên, Điều 3 Luật Hộ tịch quy định người yêu cầu đăng ký kết hôn trực tiếp nộp hồ sơ tại cơ quan hộ tịch. Như vậy, cần quy định rõ một trong hai bên có thể nộp hồ sơ đăng ký kết hôn hay không.

Trường hợp kết hôn với người nước ngoài, bên kết hôn nước ngoài đang cứ trú ở nước ngoài thường gặp trở ngại trong việc sắp xếp tới Việt Nam 2 lần vào cả thời điểm nộp hồ sơ và thời điểm đăng ký kết hôn. Sự có mặt của bên nước ngoài trong giai đoạn này không có nhiều ý nghĩa khi pháp luật không bắt buộc phỏng vấn các bên kết hôn như trước đây (chưa có quy định về các trường hợp cần phỏng vấn).

Phương Nam

Nguồn Công Lý: http://congly.vn/hoat-dong-toa-an/nghiep-vu/quy-dinh-ve-hon-nhan-va-gia-dinh-co-yeu-to-nuoc-ngoai-310070.html