Quy định về chứng cứ điện tử trong BLTTHS 2015

Một trong những quy định mới, tiến bộ nhằm phục vụ có hiệu quả cho yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm trong Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) năm là quy định về nguồn chứng cứ dữ liệu điện tử (chứng cứ điện tử).

Việc luật hóa dữ liệu điện tử là một loại nguồn chứng cứ trong BLTTHS 2015, cùng với việc bổ sung quy định về một số tội phạm mới trong lĩnh vực công nghệ thông tin trong BLHS 2015, là sự điều chỉnh phù hợp, kịp thời của các nhà lập pháp, đáp ứng nhu cầu cấp bách của thực tiễn đấu tranh với loại tội phạm công nghệ cao đang ngày càng gia tăng về số lượng, mức độ phức tạp và sự nguy hiểm đối với xã hội.

Trong hệ thống pháp luật hiện hành, dữ liệu điện tử được quy định trong Luật giao dịch điện tử năm 2006. Với tư cách là một nguồn chứng cứ, dữ liệu điện tử được ghi nhận trong BLTTHS 2015 tại các Điều 87, 88, 99, 107. Ngoài ra khoản 3 Điều 223 BLTTHS 2015 cũng đề cập đến việc “thu thập bí mật dữ liệu điện tử” với tư cách là một biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt. Hiện tại, chưa có văn bản dưới luật hướng dẫn chi tiết về vấn đề này.

Hiện tại BLTTHS 2015 chỉ có quy định về việc “thu thập phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử” (Điều 107 BLTTHS). Còn việc kiểm tra, đánh giá chứng cứ điện tử không có quy định riêng. Do đó, việc kiểm tra, đánh giá chứng cứ điện tử được thực hiện theo quy định chung về kiểm tra, đánh giá chứng cứ quy định tại Điều 108 BLTTHS.

Khoản 3 Điều 99 BLTTHS 2015 quy định: “giá trị chứng cứ của dữ liệu điện tử được xác định căn cứ vào cách thức khởi tạo, lưu trữ hoặc truyền gửi dữ liệu điện tử, cách thức bảo đảm và duy trì tính toàn vẹn của dữ liệu điện tử, cách thức xác định người khởi tạo và các yếu tố phù hợp khác”.

Để dữ liệu điện tử được sử dụng làm chứng cứ thì cần thiết phải đảm bảo những thuộc tính sau:

Tính khách quan: Dữ liệu này có thật, tồn tại khách quan, có nguồn gốc rõ ràng, không bị làm cho sai lệch, biến dạng.

Tính hợp pháp: Chứng cứ phải được thu thập đúng quy định của BLTTHS, sử dụng công nghệ được pháp luật công nhận, trong cả quá trình khám nghiệm hiện trường, khám xét, thu giữ vật chứng, sao lưu điện tử, chặn thu trên mạng, bảo quản, phục hồi, phân tích, tìm kiếm và giám định dữ liệu và khi sử dụng chứng cứ phải kiểm tra tính hợp pháp của biện pháp thu thập.

Tính liên quan của chứng cứ: Dữ liệu thu được có liên quan đến hành vi phạm tội, đối tượng phạm tội, nạn nhân, hậu quả..., được sử dụng để xác định các tình tiết của vụ án. Tính liên quan thể hiện ở nguyên lý, công nghệ hình thành dấu vết điện tử, thông tin về không gian, thời gian hình thành dữ liệu.

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Biên bản khám nghiệm hiện trường, khám xét, niêm phong, ghi lời khai, bản tưởng trình phải thể hiện được ba thuộc tính của dữ liệu. Đây cũng là điều kiện phải có để chuyển hóa chứng cứ thu được trong giai đoạn trinh sát và xác lập chứng cứ, chuyển dữ liệu điện tử có liên quan thành những văn bản, bút lục, tang vật có thể sử dụng làm chứng cứ.

Bên cạnh các quy định đặc thù về thu thập phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử (Điều 107), các nội dung khác như: việc kiểm tra, đánh giá, bảo quản, niêm phong.... đối với chứng cứ điện tử được thực hiện theo quy định chung hiện hành. Tuy nhiên, chứng cứ điện tử có những đặc điểm khác biệt với các chứng cứ truyền thống cần phải có những quy định chặt chẽ của pháp luật về quy trình thu giữ và phục hồi đối với loại chứng cứ này nhằm bảo vệ tính toàn vẹn của dữ liệu, giữ nguyên giá trị chứng cứ của dữ liệu; cũng như quy định về trách nhiệm của các cá nhân trong việc sử dụng, bảo quản loại chứng cứ đặc thù này; đặc biệt là đối với việc “thu thập bí mật dữ liệu điện tử” còn liên quan đến quyền con người, quyền công dân. Việc chưa có hướng dẫn cụ thể dẫn đến việc cơ quan điều tra áp dụng một cách tùy nghi, tương tự.

Đẻ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng cứ điện tử, cần phải có những quy định rõ ràng, cụ thể về việc thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng điện tử cũng như ban hành văn bản hướng dẫn về đường lối xử lý đối với các tội phạm công nghệ cao trong Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Ngoài ra, cần có quy định chặt chẽ về trách nhiệm thậm chí là chế tài xử lý đối với cá nhân, tổ chức trong việc chậm trễ cung cấp dữ liệu điện tử, giám định dữ liệu điện tử làm ảnh hưởng tới tiến trình giải quyết vụ án.

Bên cạnh đó, những người tiến hành tố tụng cần nâng cao kiến thức cơ bản về dữ liệu điện tử, về công nghệ thông tin (am hiểu nhất định về đối tượng đang được khai thác)... Cần phải có những tổng kết khoa học và thực tiễn về thu thập, đánh giá, sử dụng chứng cứ điện tử trong các vụ án hình sự. Mặt khác, dữ liệu điện tử là nguồn chứng cứ phi truyền thống, tồn tại trên không gian mạng, sự tồn tại đó có thể vượt ra khỏi phạm vi của một quốc gia và loại tội phạm để lại dấu vết này cũng thường mang tính chất xuyên quốc gia. Do vậy, cơ quan có thẩm quyền cần tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh với loại tội phạm này.

Phương Nam

Nguồn Công Lý: http://congly.vn/hoat-dong-toa-an/nghiep-vu/quy-dinh-ve-chung-cu-dien-tu-trong-bltths-2015-304814.html