Quy định về chức năng, nhiệm vụ của BĐBP dựa trên quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước và lợi ích quốc gia, dân tộc

Quốc hội vừa tiến hành thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam (BPVN). Qua thảo luận, các đại biểu đề nghị Quốc hội thông qua Dự án Luật BPVN tại Kỳ họp thứ 10 nhằm tạo hành lang pháp lý vững chắc, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các văn bản pháp luật hiện hành.

Đặc biệt, các đại biểu nhất trí cao với quy định “Bộ đội Biên phòng chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở KVBG, cửa khẩu theo quy định của pháp luật” (khoản 2, Điều 12); “kiểm tra, kiểm soát, xử lý các phương tiện khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới (KVBG), cửa khẩu theo quy định của pháp luật” (khoản 3, Điều 14)… Báo Biên phòng trân trọng giới thiệu một số ý kiến tâm huyết của đại biểu Quốc hội góp ý hoàn thiện dự thảo Luật BPVN.

Đại biểu Cầm Thị Mẫn, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa: Về quy định BĐBP được quyền kiểm tra, kiểm soát, xử lý phương tiện khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật ở KVBG, cửa khẩu theo quy định của pháp luật, tại khoản 3, Điều 14 của dự thảo Luật BPVN là phù hợp dựa trên quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước và vì lợi ích quốc gia, dân tộc, không chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ với lực lượng khác. Bởi theo quy định tại Điều 32, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, lực lượng BĐBP và Hải quan đều có thẩm quyền điều tra ban đầu hai tội danh buôn lậu và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Việc luật hóa thẩm quyền của BĐBP trong kiểm tra phương tiện ở KVBG, cửa khẩu chỉ là phương thức bảo đảm cho lực lượng BĐBP thực hiện nhiệm vụ quan trọng là phát hiện, xử lý tội phạm buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới mà không vô hiệu hóa thẩm quyền của lực lượng Hải quan. Mặt khác, BĐBP có lực lượng trinh sát tinh nhuệ, nên việc quy định BĐBP kiểm tra phương tiện ở KVBG, cửa khẩu khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật sẽ là một phương cách hữu hiệu để xử lý hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm vận chuyển vũ khí, ma túy qua biên giới. Bên cạnh đó, xét về mục đích kiểm tra, kiểm soát giữa lực lượng BĐBP và Hải quan là hoàn toàn khác nhau, Hải quan kiểm tra, kiểm soát về hàng hóa, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh xem có đầy đủ giấy tờ theo quy định của pháp luật hay không. Còn BĐBP kiểm tra, kiểm soát đảm bảo về an ninh đối với hàng hóa, phương tiện khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Về mặt thực tiễn, qua tổng kết Pháp lệnh BĐBP, trong giai đoạn từ năm 1997 đến tháng 12-2018, qua việc kiểm tra, kiểm soát tại cửa khẩu, BĐBP đã phát hiện, xử lý 13.078 vụ/16.192 đối tượng người Việt Nam và 4.917 vụ/5.215 đối tượng người nước ngoài vi phạm pháp luật, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở KVBG, cửa khẩu, tạo điều kiện tốt nhất trong xuất, nhập khẩu, xuất, nhập cảnh cho cá nhân, tổ chức, tạo hình ảnh đẹp trong lòng bạn bè quốc tế. Đặc biệt, trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, BĐBP đã tổ chức đăng ký, xét duyệt, điều phối, phân luồng, tiếp nhận công dân Việt Nam xuất, nhập cảnh tại cửa khẩu, tạo điều kiện thuận lợi cho hơn 100.000 phương tiện xuất, nhập cảnh với hàng trăm triệu tấn hàng hóa xuất, nhập khẩu qua cửa khẩu; phối hợp với cơ quan chức năng đưa công dân nhập cảnh về nước đi cách ly an toàn; phối hợp xử lý có hiệu quả các vụ việc, các đối tượng lợi dụng quá trình xuất nhập cảnh qua cửa khẩu để vi phạm pháp luật, góp phần cùng cả nước phòng, chống hiệu quả dịch Covid-19.

Đại biểu Hứa Văn Nghĩa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh: Quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ của BĐBP tại khoản 2, Điều 12, dự thảo Luật BPVN là phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành và thực tiễn hoạt động của BĐBP, không chồng chéo với nhiệm vụ của các lực lượng khác hoạt động ở KVBG, cửa khẩu. Luật BGQG năm 2013 quy định BGQG bao gồm: Biên giới đất liền, trên biển, trên không, dưới lòng đất, là một thể thống nhất không thể tách rời, có vị trí chiến lược hết sức quan trọng, là địa bàn phòng thủ đặc biệt quan trọng của đất nước. Vì vậy, không thể tách rời công tác quản lý, bảo vệ toàn diện chủ quyền, an ninh BGQG, nhiệm vụ tác chiến phòng thủ với nhiệm vụ giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở KVBG.

Ngoài ra, Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28-9-2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ BGQG xác định: BĐBP là lực lượng chuyên trách quản lý, bảo vệ BGQG, đấu tranh phòng, chống có hiệu quả với các loại tội phạm, nhất là tội phạm xuyên quốc gia, xuyên biên giới, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở KVBG, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ hòa bình, an ninh, văn hóa, pháp luật, tài nguyên môi trường, sinh thái ở KVBG... Thực tiễn trong hơn 61 năm chiến đấu và trưởng thành, BĐBP luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước, quân đội giao phó. BĐBP là lực lượng phối hợp rất chặt chẽ với các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương ở KVBG, hải đảo, xây dựng tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định và phát triển; tham gia xóa đói, giảm nghèo cho nhân dân biên giới. Đồng thời, BĐBP là lực lượng nòng cốt, chủ trì phối hợp với các lực lượng chức năng đấu tranh phòng, chống có hiệu quả các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm ma túy ở KVBG... Vì vậy, dự thảo Luật BPVN quy định BĐBP có chức năng chủ trì phối hợp với cơ quan, tổ chức duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở KVBG, cửa khẩu là hoàn toàn phù hợp.

Đại biểu Trương Anh Tuấn, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định: Thành lập ngày 3-3-1959 theo Nghị định số 100/TTg của Thủ tướng Chính phủ, lực lượng Công an nhân dân vũ trang (nay là BĐBP) trực thuộc Bộ Công an; năm 1979 được đổi tên là BĐBP và chuyển về thuộc Bộ Quốc phòng; đến năm 1988 chuyển sang thuộc Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an); năm 1995 lại chuyển về Bộ Quốc phòng. Mặc dù tên gọi có thay đổi, tổ chức có thời điểm thuộc Bộ Công an, thời điểm thuộc Bộ Quốc phòng, nhưng chức năng, nhiệm vụ của BĐBP không thay đổi.

Đây là lực lượng nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ BGQG, bảo vệ KVBG, vì lẽ đó, tôi tán thành khoản 2, Điều 12 như nêu trong dự thảo: “BĐBP có chức năng tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hoặc đề xuất với Đảng, Nhà nước chính sách, pháp luật về biên phòng; thực hiện quản lý Nhà nước về quốc phòng, an ninh, đối ngoại và chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở KVBG, cửa khẩu theo quy định của pháp luật”. Cũng vì lẽ đó, tôi tán thành điểm a, khoản 1, Điều 10 quy định Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ, các địa phương cấp tỉnh thực hiện quản lý, bảo vệ BGQG, KVBG.

Đại biểu Đặng Hoàng Tuấn, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An: Để phát huy sức mạnh tổng hợp, cần phân định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, lực lượng ở KVBG, cửa khẩu để đảm bảo tính chủ động, linh hoạt, bí mật, kịp thời trong xử lý các vụ việc, không tạo khoảng trống, đảm bảo không sót lọt trong xử lý các vụ việc. Xác định rõ cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp và trách nhiệm của mỗi cơ quan, tổ chức lực lượng, tránh hiện tượng “tranh công đổ lỗi”, đùn đẩy trách nhiệm. Đặc biệt, trong công tác phối hợp phòng, chống dịch Covid-19 thời gian vừa qua ở KVBG, cửa khẩu, lực lượng BĐBP phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện rất hiệu quả, cần được cụ thể hóa thành những điều khoản trong dự thảo Luật BPVN.

Về vị trí, chức năng của BĐBP quy định tại Điều 12 của dự thảo Luật BPVN, tôi cho rằng, việc bảo vệ và giữ vững an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở KVBG, cửa khẩu là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, trong đó có lực lượng Công an nhân dân, các lực lượng thuộc QĐND Việt Nam, các cơ quan quản lý nhà nước và người dân. Theo các nghị quyết của Đảng, các văn bản pháp luật như Luật BGQG năm 2003, Luật An ninh quốc gia năm 2004, Luật Quốc phòng năm 2018, Luật Công an nhân dân năm 2018 đều xác định BĐBP là lực lượng nòng cốt, chuyên trách, chủ trì, phối hợp với lực lượng Công an nhân dân, các cơ quan, chính quyền địa phương trong quản lý, bảo vệ BGQG, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở KVBG, cửa khẩu. Do đó, dự thảo Luật BPVN quy định BĐBP có chức năng chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở KVBG, cửa khẩu là hoàn toàn phù hợp với thực tiễn và phải khẳng định là đồng bộ với quan điểm của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Đại biểu Nguyễn Văn Chương, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh: Tôi đã đọc báo cáo ngày 13-9-2020 của Ban soạn thảo Luật BPVN. Trong báo cáo nêu rõ, từ sau Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Ban soạn thảo đã tổ chức 2 lần hội thảo và lấy ý kiến của hơn 20 đơn vị ở quân khu, binh chủng, Viện Chiến lược Bộ Quốc phòng; ý kiến góp ý của 19 bộ, ngành, 44 UBND cấp tỉnh, thành phố khắp cả nước. Riêng Đoàn đại biểu Thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi đã tổ chức hội thảo ngày 2-9-2020, lấy ý kiến góp ý của các cơ quan, đơn vị có liên quan tại Thành phố Hồ Chí Minh và Quân khu 7 trước Kỳ họp thứ 10. Xem lại các chương, điều, tôi thấy rằng, so với dự án luật trình tại Kỳ họp thứ 9, nội dung đã có sự điều chỉnh phù hợp và sát với thực tiễn. Về tên gọi của luật, tôi nhất trí với tên gọi Luật BPVN như dự thảo mà Chính phủ đã trình bày.

Tại Điều 12, về vị trí, chức năng của BĐBP, tôi thấy rằng, việc chỉ định lực lượng chuyên trách làm nòng cốt là thống nhất với các nghị quyết của Bộ Chính trị, phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành. Sự phù hợp đó không có điều gì phải bàn cãi, vì người gác cửa BGQG được Nhà nước giao cho lực lượng BĐBP, lực lượng này phải là lực lượng chủ yếu trong việc bảo vệ BGQG. Do vậy, họ giữ vai trò nòng cốt, chủ trì là hoàn toàn đúng đắn.

Mặt khác, có ý kiến cho rằng, cần xem lại chức năng duy trì an ninh, trật tự và thực thi pháp luật của KVBG, sợ chồng chéo với Công an hay không. Tôi thấy rằng, ở KVBG có những quy định riêng, an ninh riêng mà căn cứ vào đó, BĐBP thực thi nhiệm vụ của mình, những quy định đó có sự khác biệt với an ninh nội địa. An ninh biên giới, trật tự biên giới do BĐBP chịu trách nhiệm giữ vai trò chủ trì là đúng, có nhiệm vụ nào cần phối hợp với lực lượng Công an thì chắc chắn rằng, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an có trách nhiệm hướng dẫn, phối hợp sao cho việc thực thi pháp luật của 2 lực lượng này không chồng chéo. Theo nguyên tắc này thì ở các cấp chính quyền địa phương cũng đều phải có quy chế phối hợp hoạt động.

Thực tiễn trong nhiều năm qua, nội dung phối hợp và kết quả phối hợp từ năm 1997 đến tháng 12-2018 đều đạt kết quả tốt. Đặc biệt, trong đại dịch Covid-19, từ tháng 1-2020 đến nay, BĐBP đã quản lý biên giới an toàn, ngăn chặn sự xâm nhập của dịch bệnh và các loại tội phạm. Tuy nhiên, cũng cần hiểu rằng, trong phối hợp hoạt động sẽ xảy ra những tình huống hết sức phức tạp, việc xử lý khó tránh khỏi những va chạm, thiếu sót, điều này thuộc về trách nhiệm cụ thể của người chỉ huy mỗi bên tại thực địa. Cuộc khảo sát của Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh ngày 22-9-2020 với các cơ quan có liên quan không phát hiện những mâu thuẫn lớn trong công tác phối hợp. Việc phối hợp giữa 2 lực lượng BĐBP và Công an ở Thành phố Hồ Chí Minh đã ổn định và thành nền nếp từ lâu.

Đại biểu Lê Thị Nguyệt, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc: Trong thực tiễn, các luật cũng đã quy định rất rõ, đối với một vị trí và một nhiệm vụ thì có thể một cơ quan chủ trì, nhiều cơ quan phối hợp và có những nội dung sẽ do một cơ quan chủ trì, có những nội dung thì rất nhiều cơ quan tham gia chủ trì và tham gia phối hợp. Ở đây, vấn đề BĐBP chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở KVBG, cửa khẩu theo quy định của pháp luật quy định tại khoản 2, Điều 12, dự thảo Luật BPVN, tôi thấy hoàn toàn phù hợp với thực tiễn và các quy định khác của pháp luật.

Theo tôi, cần phải quy định cụ thể hơn trách nhiệm của cơ quan, tổ chức ở nơi không có biên giới đối với biên giới và thực thi nhiệm vụ Biên phòng để thực hiện đúng quan điểm của Đảng về xây dựng nền biên phòng toàn dân, xây dựng thế trận biên phòng toàn dân. Bên cạnh đó, về chế độ, chính sách trong khoản 3, Điều 7, dự thảo Luật BPVN, nếu chỉ theo các quy định của pháp luật thì còn chung chung, tôi đề nghị phải giao cho Chính phủ hướng dẫn việc thực hiện.

Đại biểu Võ Thị Như Hoa, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng: Tại khoản 2, Điều 12, dự thảo Luật BPVN đã khẳng định, BĐBP chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở KVBG, cửa khẩu theo quy định của pháp luật. Tôi cho rằng, việc quy định chức năng cụ thể như dự thảo là hoàn toàn phù hợp, bởi theo quan điểm của Đảng thì chức năng duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở KVBG, cửa khẩu của lực lượng BĐBP là chủ trương của Đảng trong việc lãnh đạo toàn diện công tác biên phòng và bảo vệ BGQG, đã được khẳng định tại các nghị quyết như các đại biểu đã nêu. Việc quy định khoản 2, Điều 12, dự thảo luật là hoàn toàn phù hợp và thể hiện tính thống nhất với các quy định có liên quan trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Tại khu vực BGQG có nhiều lực lượng làm nhiệm vụ, do đó, cần thiết phải quy định một lực lượng làm nòng cốt, chuyên trách, chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở KVBG, cửa khẩu. Thực tiễn cho thấy, trong những năm qua, tình hình an ninh, trật tự trên các tuyến biên giới, vùng biển luôn giữ vững ổn định, BĐBP luôn được Đảng, Nhà nước đánh giá cao, chính quyền và nhân dân ghi nhận. Từ cơ sở chính trị, thực tiễn như phân tích ở trên, việc quy định về vị trí, chức năng của BĐBP như dự thảo là phù hợp và cần thiết.

Bên cạnh đó, tôi xin góp ý nội dung về hình thức hợp tác quốc tế tại khoản 3, Điều 11 của dự thảo Luật BPVN. Theo đó, dự thảo có quy định 4 hình thức hợp tác quốc tế. Tôi đề nghị bổ sung thêm 1 hình thức hợp tác quốc tế về biên phòng, đó là phối hợp tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về biên phòng. Đây là hình thức hợp tác ngày càng phổ biến hiện nay giữa các nước, qua đó, vừa nâng cao hiệu quả công tác biên phòng, vừa xây dựng lòng tin, mối quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay, tình trạng tội phạm xuyên quốc gia ngày càng phổ biến và cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các quốc gia để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Đại biểu Dương Minh Tuấn, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: Tôi xin bày tỏ sự thống nhất cao đối với Báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Có thể nói, nhiều nội dung của dự thảo Luật BPVN đã được rà soát, đối chiếu với các quy định của pháp luật liên quan và được chỉnh lý, bổ sung, hoàn thiện. Tại khoản 5, Điều 14 của dự thảo Luật BPVN, đề nghị bổ sung cụm từ “một số hoạt động” trước cụm từ “điều tra hình sự” và xin viết lại như sau: “tiến hành một số hoạt động điều tra hình sự, xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật", để phù hợp và thống nhất với quy định của Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự.

Đề nghị bổ sung thêm từ "kịp thời" vào sau cụm từ "an toàn xã hội", tại khoản 4, Điều 13 của dự thảo Luật BPVN và đề nghị xin viết lại là "duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội, kịp thời phát hiện phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh các phương thức, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch, phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm trên địa bàn". Tại khoản 5, Điều 13 của dự thảo Luật BPVN, đề nghị bổ sung và viết lại như sau: "kiểm soát xuất, nhập cảnh tại cửa khẩu do Bộ Quốc phòng quản lý. Thực hiện tuần tra, kiểm tra kiểm soát, xử lý người và phương tiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật".

Về chức năng chủ trì, phối hợp: Từ cơ sở lý luận và thực tiễn đã khẳng định và chứng minh BĐBP đã và đang thực hiện tốt chức năng chủ trì duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở KVBG, cửa khẩu theo quy định của pháp luật. Do vậy, thống nhất với khoản 2, Điều 12 của dự thảo Luật BPVN về chức năng chủ trì, phối hợp của BĐBP. Về khoản 3, Điều 7, dự thảo Luật BPVN quy định cơ quan, tổ chức, công dân tham gia phối hợp cộng tác, hỗ trợ, giúp đỡ lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng bị thương tích, tổn hại sức khỏe, tính mạng thì bản thân hoặc gia đình được hưởng chế độ chính sách theo quy định của pháp luật. Đề nghị dự thảo ghi rõ là "hưởng theo chế độ, quy định nào hoặc giao cho Chính phủ quy định chi tiết".

Viết Hà - Bình Minh (ghi)

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/quy-dinh-ve-chuc-nang-nhiem-vu-cua-bdbp-dua-tren-quan-diem-cua-dang-phap-luat-cua-nha-nuoc-va-loi-ich-quoc-gia-dan-toc-post434384.html