Quy định về chủ thể, đối tượng hoạt động kiểm tra, giám sát

Bạn đọc Phạm Thị Toàn ở huyện Kỳ Sơn (Hòa Bình) hỏi: Hiện nay, theo quy định kiểm tra, giám sát của Đảng được hiểu như thế nào? Chủ thể, đối tượng hoạt động kiểm tra, giám sát của Đảng là cá nhân, tổ chức nào?

Công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật có ý nghĩa quan trọng trong hoạt động xây dựng Đảng (Ảnh: TL)

Công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật có ý nghĩa quan trọng trong hoạt động xây dựng Đảng (Ảnh: TL)

Trả lời:

Điểm 1.1, khoản 1, Điều 30, Quy định số 30-QĐ/TW ngày 26/7/2016 của Ban Chấp hành Trung ương "Quy định thi hành chương VII và chương VIII Điều lệ Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng", quy định:

Điều 30:

1. Kiểm tra, giám sát là những chức năng lãnh đạo của Đảng. Tổ chức đảng phải tiến hành công tác kiểm tra, giám sát. Tổ chức đảng và đảng viên chịu sự kiểm tra, giám sát của Đảng

1.1 Kiểm tra, giám sát là những chức năng lãnh đạo của Đảng. Lãnh đạo mà không kiểm tra, giám sát thì coi như không có lãnh đạo

- Kiểm tra của Đảng là việc các tổ chức đảng xem xét, đánh giá, kết luận về ưu điểm, khuyết điểm hoặc vi phạm của cấp ủy, tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên trong việc chấp hành Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.

- Tổ chức đảng và đảng viên phải thường xuyên tự kiểm tra. Tổ chức đảng cấp trên kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên.

- Giám sát của Đảng là việc các tổ chức đảng quan sát, theo dõi, xem xét, đánh giá hoạt động nhằm kịp thời tác động để cấp ủy, tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên được giám sát chấp hành nghiêm chỉnh Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Tổ chức đảng cấp trên giám sát tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên. Tổ chức đảng và đảng viên thực hiện nhiệm vụ giám sát theo sự phân công. Giám sát của Đảng có giám sát thường xuyên và giám sát theo chuyên đề; giám sát trực tiếp, giám sát gián tiếp.

1.1.1 Chủ thể kiểm tra và giám sát

Chi bộ, đảng ủy bộ phận, ban thường vụ đảng ủy cơ sở, đảng ủy cơ sở; cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy từ cấp trên cơ sở trở lên; ủy ban kiểm tra; các ban đảng, văn phòng cấp ủy (gọi chung là các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy); ban cán sự đảng, đảng đoàn (chỉ là chủ thể kiểm tra).

1.1.2 Đối tượng kiểm tra và giám sát

Chi ủy, chi bộ, đảng ủy bộ phận, ban thường vụ đảng ủy cơ sở, đảng ủy cơ sở; cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, thường trực cấp ủy từ cấp trên cơ sở trở lên; ủy ban kiểm tra, các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy; ban cán sự đảng, đảng đoàn; đảng viên./.

Ban Bạn đọc

Nguồn Đảng Cộng Sản VN: http://cpv.org.vn/tien-toi-dai-hoi-dang-bo-cac-cap-va-dai-hoi-xiii-cua-dang/chuyen-muc-hoi-dap/quy-dinh-ve-chu-the-doi-tuong-hoat-dong-kiem-tra-giam-sat-541854.html