Quy định về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng chưa đáp ứng yêu cầu

Đối tượng xâm hại trẻ em rất đa dạng, có trình độ, tuổi tác, nghề nghiệp khác nhau, nhiều đối tượng có mối quan hệ với trẻ và chủ yếu là nam giới, chiếm trên 95%.

Tiếp tục chương trình phiên họp 44, ngày 27-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Báo cáo tóm tắt kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” giai đoạn từ ngày 1-1-2015 đến ngày 30-6-2019.

Kết quả giám sát cho biết, theo Báo cáo của Chính phủ, giai đoạn này có 8.442 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, xử lý, với 8.709 trẻ em bị xâm hại. Trong đó, có 6.432 trẻ bị xâm hại tình dục; 857 trẻ bị bạo lực; 106 trẻ bị mua bán, bắt cóc, chiếm đoạt; 1.314 trẻ bị xâm hại bằng các hình thức khác. Trong các vụ xâm hại này thì phổ biến nhất, để lại hậu quả nặng nề, gây bức xúc dư luận nhất là xâm hại tình dục, chiếm 75,4% tổng số vụ xâm hại trẻ em. Nhiều địa phương, số vụ xâm hại tình dục trẻ em chiếm trên 90% như: Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang, Đồng Nai...

 Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu kết luận nội dung thảo luận, cho biết UBTVQH cơ bản tán thành các nội dung báo cáo của Đoàn giám sát. Ảnh: quochoi.vn

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu kết luận nội dung thảo luận, cho biết UBTVQH cơ bản tán thành các nội dung báo cáo của Đoàn giám sát. Ảnh: quochoi.vn

Qua giám sát cho thấy, còn nhiều trường hợp trẻ em bị xâm hại nhưng chưa được phát hiện kịp thời, đầy đủ để xử lý, nhất là các hành vi bạo lực gây tổn hại về thể chất và tinh thần cho trẻ em; đồng thời công tác theo dõi, thống kê tình hình trẻ em bị xâm hại chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến, số vụ xâm hại trẻ em được phát hiện và xử lý nêu trong các báo cáo chưa phản ánh đầy đủ tình hình thực tế.

Đối tượng xâm hại trẻ em rất đa dạng, có trình độ, tuổi tác, nghề nghiệp khác nhau, nhiều đối tượng có mối quan hệ với trẻ và chủ yếu là nam giới, chiếm trên 95%. Tại một số địa phương cho thấy, đối tượng xâm hại trẻ em là người ruột thịt, người thân thích và người quen biết với trẻ có xu hướng gia tăng, chiếm trên dưới 90%, như: tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, Cà Mau, Phú Thọ, thành phố Hà Nội..

Xâm hại trẻ em không chỉ xảy ra ở vùng nông thôn, vùng còn khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, mà thời gian gần đây còn xảy ra nhiều ở các địa bàn kinh tế - xã hội phát triển; không chỉ xảy ra ở nơi vắng vẻ, mà còn xảy ra tại gia đình và các khu vực công cộng.

Đáng lo ngại, trẻ em bị xâm hại đều xâm hại đều phải gánh chịu những tổn hại về thể chất, tinh thần với những mức độ khác nhau, nhiều trường hợp để lại hậu quả nặng nề, nghiêm trọng, lâu dài về thể chất, tinh thần đối với trẻ em và gia đình của các em. Đoàn giám sát cũng dự báo tình hình trẻ em bị xâm hại thời gian tới tiếp tục diễn biến phức tạp, nghiêm trọng và có chiều hướng gia tăng.

Thời gian qua, công tác xây dựng, ban hành chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em được quan tâm và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Quốc hội đã thông qua Luật Trẻ em và 18 luật, bộ luật liên quan đến trẻ em; Chính phủ sửa đổi và ban hành mới 12 Nghị định, Thủ tướng ban hành 03 chỉ thị và 15 quyết định; Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các bộ đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thi hành Luật, tạo cơ sở pháp lý cho việc bảo vệ trẻ em nói chung và phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng.

Tuy nhiên, còn có những quy định của Luật Trẻ em và các luật có liên quan đến bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em chậm được hướng dẫn. Một số chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong các Nghị định về lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống bạo lực gia đình; bảo vệ, chăm sóc trẻ em không còn phù hợp với thực tiễn, mức xử phạt còn nhẹ, không bảo đảm tính răn đe, phòng ngừa chung, nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung. Quy định về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng chưa đầy đủ, chưa đáp ứng yêu cầu...

Báo cáo giám sát cũng chỉ ra nhiều nguyên nhân, trong đó có mặt trái của kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, internet, mạng xã hội; việc di dân tự do; sự xuống cấp nghiêm trọng về đạo đức xã hội trong một bộ phận người dân; tình trạng lạm dụng rượu, bia, chất kích thích mạnh khác chưa được ngăn chặn hiệu quả; cùng với đó, còn số lượng lớn trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em có cha mẹ ly hôn, cha mẹ mắc các tệ nạn xã hội, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn với trẻ.

Gia đình vốn được xem là môi trường an toàn nhất với trẻ em, song vừa qua xảy ra nhiều vụ xâm hại trẻ em ngay tại gia đình. Thống kê của Tổng đài 111 (trong tổng số các cuộc gọi đến) cho thấy, số vụ bạo lực trẻ em do người thân trong gia đình gây ra chiếm tới 65,88%. Còn trong nhà trường, cũng xảy ra nhiều vụ xâm hại trẻ em, trong đó có những vụ bạo lực học đường nghiêm trọng. Nhiều trẻ em chưa được gia đình, nhà trường trang bị những kiến thức cơ bản về việc sử dụng internet, mạng xã hội an toàn. Công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu...

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ đánh giá cao sự cố gắng của Đoàn giám sát trong giám sát chuyên đề này. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu kết luận nội dung thảo luận, nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành các nội dung báo cáo của Đoàn giám sát và đề nghị Đoàn giám sát tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý của thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, hoàn thiện nội dung báo cáo để trình Quốc hội tại Kỳ họp tới.

Kết quả giám sát cho thấy, trong giai đoạn này, các địa phương đã hỗ trợ, can thiệp cho 8.337 trẻ em. 100% trẻ em bị xâm hại trong cơ sở giáo dục được áp dụng các biện pháp hỗ trợ, can thiệp. Tổng đài 111 đã hỗ trợ, can thiệp cho 2.033 ca trẻ em bị xâm hại. Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và các cấp Hội phụ nữ tại địa phương đã hỗ trợ, can thiệp cho 1.952 trẻ em bị xâm hại. Mô hình Ngôi nhà Bình yên được vận hành khá hiệu quả. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí minh tại 63 địa phương đã hỗ trợ, can thiệp cho 112 trẻ em bị xâm hại.

Tuy nhiên, vẫn chưa thống kê được đầy đủ số trẻ em có nguy cơ bị xâm hại, nên chưa có biện pháp tương xứng, hiệu quả để phòng ngừa xâm hại cho trẻ. Còn nhiều trẻ em bị xâm hại chưa được áp dụng biện pháp can thiệp. Một số địa phương chủ yếu tiến hành thăm hỏi, động viên, tặng quà mà chưa thực hiện đầy đủ các biện pháp can thiệp như chăm sóc y tế, trị liệu tâm lý để giúp trẻ sớm hòa nhập cộng đồng.

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/quy-dinh-ve-bao-ve-tre-em-tren-moi-truong-mang-chua-dap-ung-yeu-cau-190862.html