Quy định 'uống rượu bia không lái xe': Quyết tâm mạnh mẽ từ tác động của báo chí

'Qua nhiều lần lấy ý kiến, tiếp thu thì UBTVQH cũng quyết tâm, và tôi thấy quyết tâm chính trị mạnh mẽ của UBTVQH và Cơ quan thẩm tra chính là từ tác động của báo chí' - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi nói.

Chiều nay, 14-6, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã chủ trì cuộc Họp báo Công bố kết quả Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV.

Đồng thuận cao

Tại cuộc họp, các phóng viên báo chí đã đặt câu hỏi liên quan đến Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia vừa được Quốc hội thông qua, có điều khoản cấm uống rượu bia khi lái xe.

“Đây là quyết định đáp ứng được nguyện vọng của cử tri, đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội cho biết quá trình chuyển biến trong nhận thức và chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) để có được bản báo cáo giải trình đầy thiết tha gửi Quốc hội”, một phóng viên nêu ý kiến.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, đây là Luật mà khi xin ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) có trình ra 2 phương án. Phương án 1 thì Quốc hội muốn thể hiện quan điểm rất mạnh mẽ, khác với Điều 8 Luật Giao thông đường bộ là chỉ cấm với ô tô máy kéo, phương tiện vận tải. Tuy nhiên khi biểu quyết do chưa hiểu rõ nội dung nên tỷ lệ không cao.

“Khi họp tổ thì các đoàn có giải thích rõ là muốn tăng nặng hơn điều luật này. ĐBQH nghe ra rồi nên qua thảo luận thấy rằng nên quy định một khoản ở Điều 5. Và thực tế là qua biểu quyết nội dung này có trên 70% ĐBQH tán thành. Quy định này nhận được sự đồng thuận rất cao” – Tổng Thư ký Quốc hội lý giải.

Tăng chế tài xử phạt

Cũng liên quan quy định đã uống rượu bia thì không lái xe, có phóng viên băn khoăn chế tài của việc xử phạt hành vi này như thế nào vì quy định trong Luật Giao thông đường bộ thì khác, mà Luật vừa thông qua thì không nêu rõ chế tài xử lý?

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi, đại diện Cơ quan thẩm tra dự thảo Luật cho hay, khi làm luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, Cơ quan thẩm tra cùng với Cơ quan soạn thảo đã gửi toàn bộ hồ sơ dự án luật cho Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và cũng được họ trả lời và tham gia rất đầy đủ. Đồng thời cũng đã tính toán sự đồng bộ với Luật Giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, hàng không; Luật thương mại, quảng cáo...

Đông đảo phóng viên báo chí tham dự họp báo

“Lúc đầu Chính phủ trình đúng như phương án thực hiện theo Luật Giao thông đường bộ. Sau đó, ngay Ủy ban chúng tôi, tôi đã rất nhiều lần có phát biểu, đã tham gia giao thông là không uống rượu bia. Qua nhiều lần lấy ý kiến, tiếp thu thì UBTVQH cũng quyết tâm, và tôi thấy quyết tâm chính trị mạnh mẽ của UBTVQH và Cơ quan thẩm tra chính là từ tác động của báo chí. Quốc hội cũng đã quyết tâm rất cao khi chúng tôi đề xuất đưa vào khoản 6 Điều 5”, ông Lợi phân tích.

Về chế tài xử phạt, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội viện dẫn quy định trong Nghị quyết của kỳ họp đã nêu rất rõ: “Giao Chính phủ khẩn trương sửa đổi, bổ sung quy định về xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, trong đó, cần tăng chế tài, xử phạt nghiêm các trường hợp sử dụng ma túy, rượu, bia, chất kích thích khác khi điều khiển phương tiện giao thông”.

“Chắc chắn khi Chính phủ sửa Luật Xử phạt vi phạm hành chính sẽ nâng mức xử phạt về hành vi này. Điều này thể hiện quyết tâm rất cao của Quốc hội và Chính phủ”, ông Lợi một lần nữa nhấn mạnh.

Ứng dụng phần mềm chuyển tải giọng nói sang chữ viết

Tại họp báo, các phóng viên báo chí cũng hỏi đánh giá của Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc về tác dụng của ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong kỳ họp này, cũng như việc ứng dụng này có được áp dụng trong Kỳ họp thứ 8 hay không?

“Tại kỳ họp này chúng tôi áp dụng thí điểm đưa CNTT vào trong toàn bộ nội dung. Chúng tôi rất phấn khởi vì vào Quốc hội họp chỉ cần mang Ipad hoặc Iphone. Toàn bộ thông tin, tài liệu kỳ họp, tài liệu nghiên cứu, tham khảo, các dự án luật thông qua hoặc cho ý kiến... đều nằm gọn trong đó, ĐBQH không phải ôm một tập tài liệu đi họp nữa”, ông Phúc cho biết.

Bên cạnh đó theo ông, Quốc hội cũng đổi mới bằng việc xin ý kiến đại biểu qua hệ thống điện tử, rất thân thiện, công khai minh bạch, có kết quả ngay, số người xin ý kiến nhiều và đạt hiệu quả.

Toàn cảnh họp báo

“Trong các phiên chất vấn, phiên họp tổ, họp đoàn thì chúng tôi có áp dụng trí tuệ thông minh để đưa vào phần mềm chuyển tải giọng nói sang chữ viết, giúp cho việc bóc băng ghi âm rất nhanh. Như phiên thảo luận tại hội trường, sáng họp xong thì trưa là có ngay khối lượng thảo luận buổi sáng rồi” – Tổng Thư ký Quốc hội nói.

Ông cũng thông tin thêm, trong chất vấn thì bàn của chủ tọa, bàn của thư ký và bàn các Bộ trưởng có ngay câu hỏi của các ĐBQH. “Nó hiện ngay trên máy tính trên mặt bàn, không cần ghi chép nữa mà chỉ cần nhìn vào đấy là trả lời được ngay, rất thuận tiện. Sau đó chúng tôi cũng lưu được toàn bộ câu hỏi và câu trả lời trong máy tính, giúp cho việc soạn thảo dự thảo Nghị quyết chất vấn rất nhanh”, ông giải thích.

Tổng Thư ký Quốc hội khẳng định, sau đó Văn phòng Quốc hội có gửi phiếu xin ý kiến đóng góp của ĐBQH để phần mềm thực sự hữu hiệu, thuận tiện, đơn giản và hiệu quả cao. “Sau kỳ họp này chúng tôi sẽ tiếp thu, chỉnh lý phần mềm cho phù hợp bởi tiết kiệm được rất nhiều văn bản, giấy tờ”, ông nhấn mạnh.

Không đồng tình đề xuất thu phí “chia tay”

Có phóng viên nêu đề xuất thu phí “chia tay” khi xuất cảnh của ĐBQH khi thảo luận về dự thảo Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, quan điểm của cá nhân Tổng Thư ký Quốc hội như thế nào?

Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, dự án Luật này chỉ mới vòng cho ý kiến, sau này Ban soạn thảo tiếp thu, sửa đổi mới đưa ra Quốc hội. “Cá nhân tôi không đồng tình, mình không thể áp đặt thêm phí nào cho người dân như thế. Nếu biểu quyết tôi không đồng tình”, Tổng Thư ký Quốc hội nêu quan điểm.

Quỳnh Vinh

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/quy-dinh-uong-ruou-bia-khong-lai-xe-quyet-tam-manh-me-tu-tac-dong-cua-bao-chi-549257/