Quy định tuyển sinh lớp 10 tại Hà Nội: Có làm khó học sinh?

Trước một số ý kiến lo lắng, hoang mang của phụ huynh học sinh về những bất cập trong quy định mới của Sở GD&ĐT Hà Nội về việc đăng ký nguyện vọng dự tuyển vào lớp 10 trường THPT công lập, ông Phạm Văn Đại, Phó Giám đốc phụ trách Sở GD&ĐT Hà Nội khẳng định, về bản chất quy định không có gì thay đổi, không mới.

Thi vào lớp 10 tại Hà Nội năm nay có quy định mới?

Thi vào lớp 10 tại Hà Nội năm nay có quy định mới?

Phụ huynh lo lắng, sốt sắng bảo quy định mới?

Năm nay, kế hoạch tuyển sinh vừa được UBND TP. Hà Nội phê duyệt quy định: mỗi học sinh được đăng ký nguyện vọng dự tuyển vào 3 trường THPT công lập thay vì 2 nguyện vọng như trước.

Nhiều phụ huynh khác tỏ ra bối rối trước điểm mới trong tuyển sinh lớp 10 tại Hà Nội năm nay. Trên các diễn đàn, phụ huynh có con chuẩn bị thi vào lớp 10 sốt sắng đặt câu hỏi.

Quy định có nêu: “Nguyện vọng 1 và nguyện vọng 2 phải thuộc khu vực tuyển sinh mà học sinh có hộ khẩu thường trú”.

Quy định này khiến nhiều phụ huynh hoang mang và băn khoăn vì nếu căn cứ theo các khu vực tuyển sinh như các năm trước thì không phải khu vực nào cũng có các trường THPT công lập chất lượng tương đương nhau. Như vậy, theo phụ huynh, có thể vô hình chung sẽ làm mất cơ hội đăng ký học tập các trường tốt của con em họ.

Theo nhiều phụ huynh bộc lộ trên các diễn đàn, nếu quy định bắt buộc phải đăng ký 2 nguyện vọng trong khu vực tuyển sinh mà học sinh có hộ khẩu thường trú, thì cơ hội lựa chọn trường THPT công lập theo nguyện vọng 1, nguyện vọng 2 sẽ giảm đi.

Chia sẻ với phóng viên Báo Tiền Phong, ông Nguyễn Cao Cường, Hiệu trưởng trường THCS Thái Thịnh, Hà Nội cho rằng, do mọi người đọc văn bản không kĩ chứ thực chất quy định này vẫn như năm ngoái.

Ông Cường cho rằng, trong mục khu vực tuyển sinh thì văn bản quy định rõ, toàn thành phố quy định thành 12 khu vực tuyển sinh, học sinh thì học sinh được đăng ký NV1, NV2 ở nơi mình có hộ khẩu thường trú.

Có nghĩa khu vực tuyển sinh có thể gồm 2 quận: ví dụ là Đống Đa và Thanh Xuân thì học sinh có hộ khẩu ở hai khu vực này được phép đăng ký hai trường ở trong khu vực đó chứ không phải là hộ khẩu quận nào thi quận đấy.

“Tôi cho rằng, mọi người đang cầm đèn chạy trước ô tô. Đây là chủ trương để UBND TP Hà Nội phê duyệt. Còn khi thi thì Sở GD&ĐT Hà Nội, trong “Những điều cần biết về tuyển sinh lớp 10 THPT” sẽ có quy định rõ như mọi năm”- ông Cường nói.

Cũng theo ông Cường, ở đây là quy định của thành phố thì không thể chi tiết hóa mọi việc được mà phải có quy chế tuyển sinh trong cuốn “Những điều cần biết...” của Sở sẽ có hướng dẫn thêm. Khi đó, nếu việc hộ khẩu của học sinh và nhu cầu mong muốn dự thi của học sinh sẽ khác nhau họ sẽ có đơn chuyển khu vực tuyển sinh như mọi năm.

Mọi năm văn bản lúc đầu đều như vậy còn sau sẽ có hướng dẫn cụ thể. Ngành giáo dục luôn tạo ra điều kiện tốt nhất cho người học, hoc sinh được đi học. Chẳng hạn, học sinh có hộ khẩu ở Hà Đông, bố mẹ làm ở Hoàn Kiếm, để tiện đưa đón con thì có thể xin chuyển khu vực tuyển sinh bình thường, như mọi năm. Nếu có sự thay đổi đặc biệt thì đầu năm đã có sự thông báo rồi.

Như mọi năm, vẫn phương án lúc đầu chung chung như thế và sau sẽ có hướng dẫn chi tiết trong cuốn “Những điều cần biết...” về tay cha mẹ học sinh.

Vị hiệu trưởng này cũng cho rằng, với quy định này, cơ bản năm nay còn mở ra cơ hội cho học sinh chứ đâu phải đóng cơ hội đi như các phụ huynh đang nghĩ. Do mọi người đọc văn bản không kĩ dẫn đến hiểu nhầm. Những suy diễn này không đúng. Chúng ta phải đọc cho thật rõ.

Mở rộng chứ không "thắt" quyền lợi của thí sinh

Ông Nguyễn Cao Cường, Hiệu trưởng trường THCS Thái Thịnh, Hà Nội cho rằng, việc có tăng thêm nguyện vọng 3 là một quy định mới, mở rộng quyền lợi cho học sinh. Trước đây có học sinh trượt cả hai nguyện vọng nhưng điểm còn cao hơn điểm tuyển sinh của rất nhiều trường khác ở khu vực khác. Việc có thêm NV3 làm cho chất lượng đầu vào của các trường được nâng lên.

Ông Cường ví dụ, học sinh trượt trường THPT Kim Liên, hay THPT Đống Đa nhưng điểm của học sinh cao hơn rất nhiều so với điểm đầu vào của các trường khác. Việc tăng nguyện vọng đây cũng không khác gì tuyển sinh đại học để các trường được lựa chọn đầu vào tốt. Và như vậy làm cho học sinh học tập tốt không may sơ sẩy ở những khu vực cạnh tranh cao thì có cơ hội học tập ở những trường tốt. Điều này quá tốt và tạo cơ hội mở cho học sinh.

Ông Đào Tuấn Đạt là giảng viên Vật lý đại cương tại Đại học Bách Khoa Hà Nội, và là phụ trách chuyên môn trường THPT Anhxtanh (Đống Đa, Hà Nội) cho rằng, việc cho phép có 3 nguyện vọng rất hay vì thông thường các trường chia làm 3 tốp, tốp 1, tốp 2 và tốp 3 nên phụ huynh tự định lượng khả năng của con họ để đăng ký, trong đó, có một nguyện vọng ở ngoài khu vực.

Với quy định, mỗi học sinh được đăng ký 3 nguyện vọng (NV) nhưng học sinh NV phải đặt NV1, NV2 vào trường thuộc khu vực tuyển sinh có hộ khẩu thường trú, NV3 thuộc khu vực tuyển sinh bất kỳ trong tuyển sinh lớp 10 Hà Nội năm nay. Nhiều phụ huynh, học sinh lo lắng vì có thể mất cơ hội học trường top đầu như những năm trước.

Về vấn đề này, ông Đạt cho rằng, ở Hà Nội thì quận, huyện nào cũng cũng có trường tốt, trừ những trường chuyên thì không nói còn việc công lập các trường cách xa một trời một vực là không có. Quy định của Hà Nội như năm nay là hợp lý và việc thêm nguyện vọng 3 đã giải quyết được rất nhiều vấn đề

Ông Đạt cũng cho rằng, nếu Sở GD&ĐT Hà Nội giải quyết được được việc xét tuyển vào lớp 10 như xét tuyển vào đại học, cho thí sinh có ba nguyện vọng lấy từ trên xuống dưới được thì tốt nhưng như thế gây phức tạp cho người quản lý.

Vì theo ông Đạt, dữ liệu của Hà Nội rất lớn, đều trên 100.000 học sinh, gấp 10 lần so các thành phố khác. Việc đổi nguyện vọng vào lớp 10 cũng phức tạp. Không phải trường đông học sinh thi thì điểm sẽ cao, ít học sinh thi là điểm thấp đâu. Vì thực chất trường giỏi vẫn giỏi và trường kém vẫn kém.

“Khi quy định cho học sinh có tới 3 nguyện vọng là phụ huynh lượng sức, và lựa sức mình. Có 3 nguyện vọng ứng với ba mức độ. Mà trong quận, huyện nào cũng có trường tốt. Trong đó nếu không vào được trường tốt hơn khu vực mình thì sang trường tốt ở khu vực khác. Như vậy, quy định thế này là mất cơ hội cho thí sinh đâu”- ông Đạt khẳng định.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT: "Về bản chất quy định không có gì thay đổi, học sinh và phụ huynh yên tâm"

Trước băn khoăn, lo lắng của hàng ngàn phụ huynh tại Hà Nội, ông Phạm Văn Đại, Phó Giám đốc phụ trách Sở GD&ĐT Hà Nội khẳng định, về bản chất quy định không có gì thay đổi, không mới. Học sinh và phụ huynh có thể yên tâm ôn tập.

Ông Đại cho biết, nếu như các năm trước, mỗi học sinh được đăng ký nguyện vọng dự tuyển vào 2 trường THPT công lập, hai nguyện vọng này phải thuộc cùng một khu vực tuyển sinh. Trong năm học 2021-2022, mỗi học sinh được đăng ký nguyện vọng (NV) dự tuyển vào 3 trường THPT công lập, xếp theo thứ tự nguyện vọng 1, nguyện vọng 2 và nguyện vọng 3.

Trong đó, nguyện vọng 1 và nguyện vọng 2 phải thuộc khu vực tuyển sinh mà học sinh có hộ khẩu thường trú; nguyện vọng 3 có thể thuộc khu vực tuyển sinh bất kỳ.

Quy định này khiến một số phụ huynh học sinh lo lắng bởi thực tế có tình trạng học sinh đăng ký hộ khẩu ở quận A nhưng lại cư trú thực tế ở quận B. Nếu quy định về việc học sinh phải đăng ký nguyện vọng học lớp 10 ở quận A thì học sinh phải di chuyển để đi học xa, không thuận lợi.

Tuy nhiên, Ông Đại cho biết, trong các trường hợp cụ thể, Sở GD&ĐT Hà Nội vẫn tạo điều kiện để các em được đổi khu vực tuyển sinh. Nếu học sinh có hộ khẩu ở địa bàn này nhưng cư trú thực tế tại nơi khác thì gia đình học sinh làm đơn, có xác nhận của địa phương.

"Sở GD&Đ Hà Nội sẽ xem xét, cho phép học sinh được đăng ký nguyện vọng dự tuyển ở khu vực tuyển sinh theo nơi cư trú thực tế. Vì thế, về bản chất quy định không có gì thay đổi, không mới so với năm trước"- Ông Đại khẳng định.

12 khu vực tuyển sinh:

Khu vực tuyển sinh 1 gồm các quận: Ba Đình, Tây Hồ.

Khu vực tuyển sinh 2 gồm các quận: Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng.

Khu vực tuyển sinh 3 gồm các quận: Đống Đa, Thanh Xuân, Cầu Giấy.

Khu vực tuyển sinh 4 gồm quận Hoàng Mai, huyện Thanh Trì.

Khu vực tuyển sinh 5 gồm quận Long Biên và huyện Gia Lâm.

Khu vực tuyển sinh 6 gồm các huyện: Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh.

Khu vực tuyển sinh 7 gồm các quận: Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm và các huyện: Hoài Đức, Đan Phượng.

Khu vực tuyển sinh 8 gồm các huyện: Phúc Thọ, Ba Vì và thị xã Sơn Tây.

Khu vực tuyển sinh 9 gồm các huyện: Thạch Thất, Quốc Oai.

Khu vực tuyển sinh 10 gồm quận Hà Đông và các huyện: Chương Mỹ, Thanh Oai.

Khu vực tuyển sinh 11 gồm các huyện: Thường Tín, Phú Xuyên.

Khu vực tuyển sinh 12 gồm các huyện: Ứng Hòa, Mỹ Đức.

Hà Nội sẽ tổ chức một kỳ thi chung vào lớp 10 cho toàn bộ học sinh. Mỗi thí sinh sẽ thực hiện 4 bài thi gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và bài thi thứ 4 thay vì 3 bài thi như năm ngoái.

Điểm mới đáng chú ý của kỳ thi năm nay là mỗi học sinh được đăng ký nguyện vọng dự tuyển vào 3 trường trung học phổ thông công lập thay vì 2 trường như mọi năm.

Dự kiến, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2021-2022 sẽ được tổ chức vào ngày 29 và 30/5. Kỳ thi do Sở GD&ĐT tổ chức và ra đề.

Trong đó, bài thi thứ 4 sẽ được chọn ngẫu nhiên thuộc một trong các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Giáo dục công dân, Địa lý. Bài thi thứ 4 sẽ được Sở công bố vào khoảng cuối tháng 3/2021. Do đó, từ đầu năm học thí sinh vẫn phải học đều tất cả các môn.

Với bài thi ngoại ngữ, thí sinh tự chọn một trong các thứ tiếng: Tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Nhật, tiếng Hàn. Thí sinh được đăng ký thi thứ tiếng ngoại ngữ khác với thứ tiếng ngoại ngữ đang học tại trường trung học cơ sở.

Về hình thức thi, các bài thi môn Toán và Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, thời gian làm bài 120 phút. Bài thi môn Ngoại ngữ và bài thi thứ tư thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan, thời gian làm bài 60 phút/bài thi. Mỗi thí sinh có một mã đề và bài thi trắc nghiệm được chấm bằng máy tương tự kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia.

Đỗ Hợp

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/giao-duc/quy-dinh-tuyen-sinh-lop-10-tai-ha-noi-co-lam-kho-hoc-sinh-1796077.tpo