Quy định tuổi nghỉ hưu cần căn cứ đặc điểm ngành nghề

Chiều 17.5, LĐLĐ, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý xây dựng Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi). Tham dự có đại diện Ban Dân vận Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và các sở, ngành liên quan.

Tại hội nghị, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Định Nguyễn Mạnh Hùng đã trình bày nội dung văn bản 641/TLĐ của Tổng LĐLĐ Việt Nam gửi Bộ LĐTBXH ngày 4.5.2019, trong đó nhấn mạnh quan điểm, cách tiếp cận của tổ chức Công đoàn Việt Nam đối với các vấn đề: Mở rộng quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động; mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa; tuổi nghỉ hưu; tiền lương; tổ chức đại diện của người lao động tại cơ sở; thương lượng tập thể, thỏa ước lao động tập thể; tranh chấp tập thể và đình công; lao động nữ và đảm bảo bình đẳng giới; thời gian nghỉ Tết Âm lịch và việc có thêm 1 ngày nghỉ (Ngày Thương binh – Liệt sĩ, 27.7 dương lịch).

Văn bản 641/TLĐ đề nghị bổ sung một số nội dung khác như đề nghị cân nhắc, xem xét giảm thời gian làm việc bình thường từ “không quá 48 giờ trong một tuần” xuống “không quá 44 giờ trong một tuần”; bổ sung quy định chủ doanh nghiệp có trách nhiệm lo bữa ăn ca cho người lao động đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm; bổ sung quy định người lao động được nghỉ hưởng nguyên lương từ 1 đến 2 ngày trong năm để học tập, nghiên cứu chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Đại diện Sở Tư pháp Bình Định góp ý Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi)

Đại diện Sở Tư pháp Bình Định góp ý Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi)

Hội nghị đã nghe ý kiến từ đại diện các sở LĐTBXH, Tư pháp, Ban Quản lý Khu Kinh tế, Bảo hiểm Xã hội Bình Định liên quan đến quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, thương lượng, thỏa ước lao động tập thể, thỏa thuận mức lương tối thiểu... Phó Chủ tịch LĐLĐ Bình Định Lê Thị Tuyết Trinh đề nghị quy định tuổi nghỉ hưu phải căn cứ đặc điểm ngành nghề của từng nhóm đối tượng.

Bà Lý Tiết Hạnh, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội Bình Định đánh giá: Quan điểm của Tổng LĐLĐ Việt Nam đã chạm tới những vấn đề “gai góc”, gây tranh luận nhiều nhất trong nội dung dự thảo.

Bà Hạnh cho biết sẽ ghi nhận đầy đủ các ý kiến đóng góp tại hội nghị và tiếp tục làm sâu sắc thêm từng luận điểm trên cơ sở lấy ý kiến các nhóm cử tri khác “trước khi tham gia có trách nhiệm tại diễn đàn Quốc hội”.

Xuân Nhàn

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/cong-doan/quy-dinh-tuoi-nghi-huu-can-can-cu-dac-diem-nganh-nghe-733975.ldo