Quy định trần lãi vay khiến doanh nghiệp nội 'kêu trời'

Quy định về tỷ lệ lãi vay tại Nghị định 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết đang khiến nhiều doanh nghiệp trong nước như 'ngồi trên đống lửa'.

Quy định đánh thuế chi phí lãi vay quá 20% gây tranh cãi - Ảnh: Internet

Doanh nghiệp nội than khó

Khoản 3, Điều 8 Nghị định này quy định: “Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế”. Khi đó, phần chi phí lãi vay vượt quá 20% sẽ bị coi là chi phí không hợp lý và bị tính thuế.

Tại hội nghị đối thoại về chính sách thuế mới đây, đại diện Vietcombank cũng cho rằng Nghị định 20 không phù hợp, gây ra sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Theo đó, công ty chứng khoán Vietcombank chỉ phát sinh giao dịch liên kết trong hoạt động đi thuê văn phòng với công ty mẹ, không hề phát sinh lãi vay với các doanh nghiệp liên kết.

“Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp của công ty mẹ, công ty liên kết cũng như công ty chứng khoán Vietcombank đều là 20%. Tôi đánh giá mục tiêu và động lực để các công ty thực hiện hoạt động chuyển giá gần như không có. Nhưng trao đổi với Cục Thuế Hà Nội, Tổng cục Thuế, chúng tôi vẫn phải chịu khống chế trần chi phí lãi vay 20%. Tính ra, phải kê khai và nộp thuế bổ sung với phần chi phí vượt quá giới hạn này, đây là quy định không phù hợp”, đại diện Vietcombank nhận xét.

Đại diện một tập đoàn khác cũng cho rằng họ đầu tư vào nhiều lĩnh vực cần nhiều vốn như nông nghiệp công nghệ cao, giáo dục, y tế, sản xuất công nghiệp nặng... Trong giai đoạn đầu không thể phát sinh được lợi nhuận hay Ebitda (lợi nhuận trước thuế chưa trừ chi phí lãi vay và chi phí khấu hao) lớn hơn 0. Do đó vô hình trung, toàn bộ chi phí lãi vay sẽ không được trừ cho mục đích tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

Đồng thời, do đánh giá về khả năng thu hút huy động tín dụng, thời gian đầu, các dự án không thể trực tiếp vay vốn ngân hàng mà phải công ty mẹ - tập đoàn. Vậy nên, chi phí lãi vay của tập đoàn rất lớn. Việc khống chế chi phí lãi vay ở mức 20% sẽ gây ảnh hưởng bởi rất nhiều chi phí lãi vay sẽ không được trừ cho mục đích thuế.

Quy định lại đối tượng áp dụng

Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới về vấn đề này, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng mục đích của quy định khống chế trần lãi vay là nhắm vào các doanh nghiệp FDI.

Theo ông Hiếu, có những doanh nghiệp vay vốn từ ngân hàng mẹ khiến chi phí hoạt động của họ rất cao và từ đó, họ báo cáo lỗ để tránh nộp thuế. Việc khống chế trần 20% sẽ khiến các doanh nghiệp FDI không báo cáo lỗ như trước và phải nộp thuế. Tuy nhiên, các doanh nghiệp của Việt Nam cũng bị quy định này ảnh hưởng khi vay vốn ngân hàng để hoạt động.

“Chi phí vốn chiếm phần rất lớn trong chi phí hoạt động của doanh nghiệp và phần này đáng lẽ không phải đóng thuế. Nếu khống chế trần thế này thì doanh nghiệp phải đóng thuế rất nhiều, bất lợi cho doanh nghiệp trong nước. Do đó, quy định này chỉ nên áp dụng cho doanh nghiệp nước ngoài, không cần thiết có trần lãi vay cho doanh nghiệp trong nước”, ông Hiếu nói.

TS Nguyễn Trí Hiếu

Chia sẻ thêm về điều này, ông Hiếu cho biết có tình trạng một công ty mẹ ở nước ngoài có thể cho vay lại công ty con ở Việt Nam với mức lãi suất rất cao. Sau khi được khấu trừ vào chi phí hoạt động thì công ty con ở Việt Nam sẽ giảm lợi nhuận hoặc thậm chí thua lỗ nên chỉ đóng thuế rất ít hoặc không phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp.

Khi đó theo ông Hiếu, phần lợi nhuận đã được chuyển về công ty mẹ ở nước ngoài thông qua chi phí trả lãi vay. Công ty mẹ và công ty con ở 2 quốc gia với 2 chế độ thuế khác nhau thì họ có thể lợi dụng chênh lệch thuế để trục lợi.

Tuy nhiên, với các doanh nghiệp trong nước có cùng mức thuế thu nhập doanh nghiệp, nếu phần lợi nhuận từ công ty con chuyển qua cho công ty mẹ theo hình thức trên thì công ty mẹ cũng phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp với phần lợi nhuận đó.

Vì vậy, chuyên gia này cho rằng cần quy định lại đối tượng áp dụng của Nghị định 20. Một giải pháp khác là thay vì có một trần quy định lãi vay thì cơ quan thuế cần tăng cường thanh tra. Cơ quan thuế đã có kinh nghiệm trong vấn đề này nên nếu tăng cường thanh tra một cách thực sự thì cũng có hiệu quả.

Còn theo LS Trương Thanh Đức - Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, quy định này không phù hợp với tất cả doanh nghiệp trong nước, khi đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ việc khống chế chi phí lãi vay được trừ 20% trên lợi nhuận thuần trước lãi và khấu hao lại là các doanh nghiệp Việt Nam.

Đặc biệt, những doanh nghiệp đang đầu tư vào những ngành trọng điểm cần số vốn rất lớn, bởi lẽ các doanh nghiệp cùng công ty con đều hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam nên đều phải áp dụng các quy định về chính sách thuế của pháp luật Việt Nam.

“Căn cứ theo quy định tại Điều 9 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành không có quy định về khống chế lãi tiền vay như quy định khoản 3 Điều 8 Nghị định số 20. Quy định này tại Nghị định 20 cũng chưa phù hợp với Luật Thuế thu nhập hiện hành nên không có cơ sở để thực hiện theo quy định này”, ông Đức nói.

Doanh nghiệp nội cũng chuyển giá

Cũng chia sẻ với Một Thế Giới về vấn đề này, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng quy định này cũng nên làm. Trong các vấn đề về chuyển giá thì phổ biến việc các doanh nghiệp liên kết chuyển phẩn lợi nhuận từ doanh nghiệp trong nước ra nước ngoài.

Theo ông Thịnh, quy định này buộc các doanh nghiệp khi sản xuất kinh doanh phải có một lượng vốn tự có nhất định. Nếu doanh nghiệp đi vay thì chỉ trong giới hạn nhất định. Trước đây, Việt Nam đã có quy định chỉ chấp nhận cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được vay với lãi suất không quá 1,2 lần so với lãi suất liên ngân hàng. Quy định khống chế trần lãi vay cũng cụ thể hóa hơn quy định này.

“Hiện nay, chúng ta đã hội nhập sâu rộng nên không thể phân biệt doanh nghiệp trong nước với nước ngoài, nên quy định này cần phải được thực hiện chung với các doanh nghiệp chứ không thể phân biệt. Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp trong nước cũng thực hiện chuyển giá, nên cũng cần phải áp dụng điều này”, ông Thịnh nói.

Tuy nhiên theo ông Thịnh, với những trường hợp đặc biệt hoặc có vấn đề đặc biệt thì các doanh nghiệp có thể đề nghị cơ quan thuế xem xét cụ thể trường hợp của mình. Khi đó, cơ quan chức năng sẽ tiến hành kiểm tra, giám sát và có thể có cách áp dụng riêng cho doanh nghiệp đó.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh

Trao đổi với báo chí bên lề Hội nghị Đối thoại về chính sách và thủ tục hành chính thuế, ông Cao Anh Tuấn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biế, hiện chưa có doanh nghiệp FDI nào hoạt động ở Việt Nam kiến nghị về Nghị định 20, chỉ có một số ít doanh nghiệp trong nước có thể do cách tiếp cận hoặc do cách hiểu cũng như thực hiện còn có những vướng mắc.

Theo báo cáo, trong hơn 600.000 doanh nghiệp thì hiện có hơn 4.000 doanh nghiệp kê khai giao dịch liên kết. Do đó, cơ quan thuế sẽ rà soát trên những doanh nghiệp này.

“Chúng tôi cũng rất chia sẻ với các doanh nghiệp Việt Nam, vì vừa qua phải sử dụng vốn vay rất nhiều, tuy nhiên cũng phải có lộ trình và phải tính toán lại các khoản vay. Ở đây không chỉ ở vấn đề chống chuyển giá mà còn góp phần làm lành mạnh tình hình tài chính của doanh nghiệp và nền kinh tế”, ông Tuấn nói.

Lam Thanh

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/kinh-te-c-67/tai-chinh-dau-tu-c-98/quy-dinh-tran-lai-vay-khien-doanh-nghiep-noi-keu-troi-102365.html