Quy định trách nhiệm nhiều bộ, ngành với dự án đầu tư ra nước ngoài

Dự thảo Nghị định về đầu tư ra nước ngoài, hướng dẫn Luật Đầu tư 2020 đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng đã sửa đổi trách nhiệm của một số bộ, ngành và cơ quan theo hướng tập trung vào công tác quản lý chuyên môn của các cơ quan.

Ảnh TL minh họa

Ảnh TL minh họa

NHNN cung cấp thông tin dòng tiền của dự án đầu tư ra nước ngoài

Cụ thể, dự thảo Nghị định sửa đổi, làm rõ các nội dung Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) có ý kiến đối với hồ sơ đầu tư ra nước ngoài tạo cơ sở cho việc triển khai thực hiện, đồng thời nhằm đảm bảo việc góp ý của NHNN tập trung vào những vấn đề cần thiết cho quá trình giải quyết hồ sơ đầu tư ra nước ngoài.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, quan điểm quản lý đầu tư ra nước ngoài là không tập trung quản lý từng dự án mà vì mục tiêu quản lý vĩ mô về ngoại hối (cân đối ngoại hối, phòng chống chuyển tiền sai mục đích, rửa tiền…). Do đó, cần thiết đặt ra quy định xem xét và hạn chế những đối tượng có vấn đề đen trong giao dịch ngoại hối. Việc quy định NHNN cung cấp thông tin này là cần thiết để đảm bảo mục tiêu quản lý.

Về vốn vay, hiện tại NHNN đã ban hành những quy định về vấn đề vay vốn để đầu tư ra nước ngoài. Do vậy, cơ quan soạn thảo cho rằng dự án đầu tư ra nước ngoài sử dụng vốn vay cần thiết được NHNN xem xét, cho ý kiến về phần vốn vay để đảm bảo tuân thủ các quy định liên quan và hạn chế những rủi ro đối với việc vay và trả nợ vốn vay thuộc phạm vi quản lý của NHNN.

Cùng lý do này, dự thảo bổ sung quy định lấy ý kiến NHNN đối với hồ sơ chấm dứt hiệu lực giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài. Về nội dung lấy ý kiến, NHNN cung cấp thông tin ngoại tệ chuyển ra/về liên quan đến dự án vì NHNN là cơ quan xác nhận đăng ký giao dịch ngoại hối liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài theo quy định tại Thông tư số 12/2016/TT-NHNN. Ngoài ra, NHNN có thể có các thông tin liên quan khác như việc đăng ký giao dịch ngoại hối, các vi phạm của nhà đầu tư về giao dịch ngoại hối liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài (nếu có).

Bổ sung trách nhiệm theo dõi lợi nhuận dự án đầu tư ra nước ngoài

Đối với Bộ Tài chính, dự thảo bổ sung nội dung quy định trách nhiệm theo dõi tình hình lợi nhuận của các dự án đầu tư ra nước ngoài và việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế đối với Nhà nước của các dự án đầu tư ra nước ngoài.

Điều 65, 66 Luật Đầu tư năm 2014 và nay là Điều 67, 68 Luật Đầu tư năm 2020 đã có quy định về việc nhà đầu tư phải chuyển lợi nhuận dự án đầu tư ra nước ngoài về nước, trừ một số trường hợp (giữ lại để tăng vốn đầu tư ra nước ngoài, thực hiện dự án mới tại nước ngoài…). Theo quy định tại Điều 72 Luật Đầu tư năm 2014 và nay là Điều 73 Luật Đầu tư năm 2020, sau khi có quyết toán thuế ở nước ngoài thì nhà đầu tư báo cáo tình hình hoạt động kèm báo cáo quyết toán thuế hoặc báo cáo tài chính của dự án tại nước ngoài cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và một số cơ quan khác.

Tuy nhiên, hiện tại, chưa có cơ quan nào theo dõi tổng hợp về tình hình lợi nhuận của dự án đầu tư ra nước ngoài, kiểm tra việc kê khai, chuyển lợi nhuận về nước và đóng thuế tương ứng với khoản lợi nhuận này. Theo cơ quan soạn thảo, Bộ Tài chính có chức năng về vấn đề thuế và tài chính, do đó việc bổ sung quy định giao Bộ Tài chính theo dõi vấn đề lợi nhuận của dự án đầu tư ra nước ngoài là để gắn với việc kiểm tra tình hình đóng thuế.

Bỏ quy định trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và các địa phương

Liên quan đến trách nhiệm của một số bộ, ngành khác, dự thảo Nghị định bỏ nội dung quy định trách nhiệm quản lý nhà nước cụ thể đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND các tỉnh, thành phố.

Trước đây Nghị định số 83 quy định trách nhiệm cụ thể của nhiều bộ chuyên ngành do đầu tư ra nước ngoài giai đoạn trước tập trung vào một số lĩnh vực nổi bật tại một số địa bàn có quan hệ hợp tác chặt chẽ với Việt Nam như lĩnh vực trồng cây công nghiệp, khai khoáng, thủy điện tại Lào, Campuchia. Do đó, có quy định cụ thể về trách nhiệm quản lý nhà nước đối với các bộ, ngành này như Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Các cơ quan này cũng thường phải góp ý hồ sơ đầu tư ra nước ngoài.

Tuy nhiên, quá trình thực thi pháp luật thời gian qua cho thấy công tác quản lý nhà nước tập trung chủ yếu tại một số cơ quan: Bộ Kế hoạch và Đầu tư (cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài), NHNN (quản lý giao dịch ngoại hối và các vấn đề liên quan), Bộ Tài chính (quản lý vấn đề lợi nhuận và đóng thuế đối với lợi nhuận của dự án đầu tư ra nước ngoài), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (quản lý vấn đề đưa lao động Việt Nam ra nước ngoài), Bộ Ngoại giao (trong đó có các cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài thực hiện việc hỗ trợ nhà đầu tư tại địa bàn đầu tư).

Các cơ quan nêu trên có liên quan trực tiếp đến các hoạt động đầu tư ra nước ngoài. Do vậy, việc quy định trách nhiệm của các Bộ, ngành và UBND tỉnh, thành phố không liên quan trực tiếp đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài như trong Nghị định số 83/2015/NĐ-CP là không cần thiết và không khả thi./.

Dương An

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/kinh-doanh/2020-09-23/quy-dinh-trach-nhiem-nhieu-bo-nganh-voi-du-an-dau-tu-ra-nuoc-ngoai-92624.aspx