Quy định tăng tuổi nghỉ hưu: Cần tầm nhìn dài hạn trên cơ sở các luận cứ khoa học

Ngày 14/8, cho ý kiến về một số vấn đề lớn trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) tại phiên họp thứ 36, nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, quy định về tăng độ tuổi nghỉ hưu chưa thuyết phục đối với cả các đại biểu Quốc hội và người lao động.

Cân nhắc thận trọng trước khi bãi bỏ các quỹ Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết giải thích một số điều của Luật Quy hoạch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước: Theo mô hình nào cũng phải đảm đảm tính độc lập Chưa thống nhất nhiều nội dung trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước

Băn khoăn quy định tuổi nghỉ hưu

Tại phiên họp, thay mặt Cơ quan thẩm tra dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội - bà Nguyễn Thúy Anh - cho biết, đề xuất quy định điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động (NLĐ) nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 28-NQ/TW và với mục tiêu lâu dài để chủ động ứng phó với quá trình già hóa dân số của Việt Nam. Việc điều chỉnh cần có lộ trình nhằm tránh tác động không tốt hơn đến tâm lý của NLĐ và doanh nghiệp, tránh tác động quá mạnh đối với NLĐ và thị trường lao động.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: Đề nghị Chính phủ, các Ủy ban của Quốc hội, Thường vụ Quốc hội phân tích kỹ lưỡng, đồng thời phải lấy ý kiến nhân dân, trên cơ sở đó tổng hợp đánh giá, phân tích, cân nhắc các luận cứ khoa học để có sự đồng thuận cao. Ảnh: Quochoi.vn

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: Đề nghị Chính phủ, các Ủy ban của Quốc hội, Thường vụ Quốc hội phân tích kỹ lưỡng, đồng thời phải lấy ý kiến nhân dân, trên cơ sở đó tổng hợp đánh giá, phân tích, cân nhắc các luận cứ khoa học để có sự đồng thuận cao. Ảnh: Quochoi.vn

Thực tế, trong quá trình lấy ý kiến vào dự thảo, Cơ quan thẩm tra nhận thấy NLĐ, nhất là lao động trực tiếp sản xuất, đứng máy dây chuyền… ở doanh nghiệp chưa có sự đồng thuận cao về quy định tăng tuổi nghỉ hưu.

Trong khi đó, nhiều đại biểu Quốc hội dù tán thành với quy định theo phương án 1 do Chính phủ trình quy định về lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu (đến năm 2028 sẽ có lao động nam đầu tiên nghỉ hưu ở độ tuổi 62 và năm 2035 sẽ có lao động nữ đầu tiên nghỉ hưu ở độ tuổi 60), song vẫn băn khoăn về quy định nâng tuổi nghỉ hưu so với hiện hành và đề nghị làm rõ việc quy định chênh lệch tuổi nghỉ hưu (2 tuổi) giữa lao động nam và nữ vì quy định này có thể dẫn đến tranh luận khác nhau giữa "tuổi nghỉ hưu" và "tuổi nghề"

Theo Cơ quan thẩm tra, việc quy định về tuổi nghỉ hưu cần phải được khẳng định là tuổi nghỉ hưu chung của quốc gia đối với NLĐ và chỉ rõ, quy định quyền được nghỉ hưu sớm hơn 5 năm chưa thực sự phù hợp với thực tiễn, cần phải cân nhắc để điều chỉnh nghỉ hưu sớm hơn 10 năm đối với một số công việc đặc biệt, như: công việc khai thác than trong hầm lò, người bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn, rủi ro nghề nghiệp…

Bên cạnh đó, việc quy định quyền được nghỉ hưu cao hơn không quá 5 năm so với tuổi nghỉ hưu chung cũng phải được hướng dẫn cụ thể hơn đối với một số ngành, lĩnh vực đang kéo dài tuổi nghỉ hưu cao hơn cả mức 5 năm (giáo dục, y tế…).

Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị bổ sung các thông tin cần thiết, như: "Bổ sung dự thảo danh mục các công việc, ngành nghề, vị trí việc làm thuộc trường hợp đặc biệt mà NLĐ có thể được nghỉ hưu ở độ tuổi thấp hơn hoặc cao hơn 5 năm theo quy định" để làm căn cứ quy định độ tuổi nghỉ hưu cụ thể theo lộ trình hợp lý.

Cần có cách nhìn dài hạn trên cơ sở các luận cứ khoa học

Trong phần thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, liên quan đến tuổi nghỉ hưu, hiện nay có một số văn bản quy định khác nhau và có tăng so với quy định chung. Điển hình như tuổi nghỉ hưu trong ngành kiểm sát và một số chức danh, như: giáo sư, phó giáo sư là từ 65 - 67 tuổi. Hay trong Luật Cán bộ công chức quy định tuổi nghỉ hưu của cán bộ cao cấp từ Bộ trưởng và tương đương trở lên cũng từ 60 trở lên chứ không phải 55 - 60 tuổi.

Vì vậy, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, vấn đề tuổi nghỉ hưu cần có tầm nhìn dài hạn và tính đến yếu tố già hóa dân số trong tương lai gần, đồng thời cũng cần tính đến sự cân bằng giới, thị trường lao động… Ông Lưu đồng tình với phương án tăng tuổi hưu nữ lên 60, nam là 62 nhưng cần phải có lộ trình chứ không nên tăng ngay.

Tán thành với ý kiến quy định tuổi nghỉ hưu phải tính đến các yếu tố sức khỏe, khả năng làm việc của người lao động, thị trường lao động, giải quyết việc làm, an sinh xã hội... Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, theo lộ trình, tới năm 2035, một cán bộ nữ mới được nghỉ hưu ở tuổi 60. Tức là hơn 15 năm nữa, phụ nữ mới được làm việc tới 60 tuổi.

“Từ năm 2021 thực hiện lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu phải đánh giá tác động với từng đối tượng cụ thể, cách làm rõ ràng, bước đi thận trọng để thuyết minh trình Quốc hội chứ không phải Trung ương có Nghị quyết thì không cần đánh giá tác động, cứ thế mà làm” - Chủ tịch Quốc hội nói và đề nghị Cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan phân tích kỹ lưỡng, đồng thời phải lấy ý kiến nhân dân, trên cơ sở đó tổng hợp đánh giá, phân tích, cân nhắc các luận cứ khoa học, có thêm thông tin, quy định tuổi nghỉ hưu để có sự đồng thuận của xã hội.

Hoàng Châu

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/quy-dinh-tang-tuoi-nghi-huu-can-tam-nhin-dai-han-tren-co-so-cac-luan-cu-khoa-hoc-123777.html