Quy định phạt tiền khi đánh học sinh khó khả thi, gây ức chế cho giáo viên

Theo Thạc sĩ-Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP.Hà Nội), Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục có nhiều điểm bất cập, chồng chéo với các quy định khác và gây ức chế, áp lực cho giáo viên.

Luật sư Đặng Văn Cường – Văn phòng luật sư Chính Pháp - chia sẻ về những điểm chưa hợp lý trong Dự thảo Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục.

Mức xử phạt quá cao, gây áp lực cho giáo viên

Những ngày qua, rất nhiều giáo viên bày tỏ tâm tư về Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục do Bộ Giáo dục và Đào tạo soạn thảo. Dưới góc độ pháp lý, luật sư có nhận xét gì về dự thảo nghị định này?

- Qua tham khảo Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục tôi thấy một số điểm chưa ổn.

Pháp luật là một hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, bao gồm Hiến pháp, luật và văn bản dưới luật, trong đó có nghị định. Tất cả các văn bản này phải đảm bảo tính thống nhất, không chồng chéo, mâu thuẫn với nhau.

Tuy nhiên trong dự thảo nghị định mà Bộ GDĐT đang lấy ý kiến có nhiều nội dung chưa phù hợp.

Cụ thể những điểm chưa ổn trong dự thảo nghị định này là gì, thưa luật sư?

Thứ nhất, mức xử phạt trong nghị định có vấn đề. Về hành vi xúc phạm danh dự và nhân phẩm của người khác, thì bất cứ công dân nào vi phạm được xử lý theo Điều 5 Nghị định số 167 năm 2013, với mức phạt từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.

Trong quan hệ dân sự, xã hội, khi lời qua tiếng lại, xúc phạm danh dự của nhau, số tiền phạt đó được tính toán bằng với một ngày lương, coi như người đó có một ngày đi làm không công.

Đối với giáo viên, trong thang bảng lương hành chính sự nghiệp có thể cao hơn các đối tượng khác, nhưng so với mức trung bình của xã hội thì thu nhập của giáo viên không cao. Giờ chỉ vì một hành vi như xúc phạm danh dự, nhân phẩm người học mà bị phạt số tiền bằng cả 5-7 tháng lương, tôi cho rằng hình phạt này quá nghiêm khắc. Nó không phù hợp với mức thu nhập giáo viên nói riêng và của người Việt Nam hiện nay.

Thứ hai, quy định xử phạt hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể có thể áp dụng theo Nghị định 167. Nếu giáo viên là công chức, viên chức vi phạm có thể xử lý theo Nghị định 34/2011, hoặc Luật Công chức, viên chức, ở mức từ khiển trách đến cảnh cáo, hạ bậc lương, thậm chí buộc thôi việc. Đấy là những hình thức kỷ luật rất nghiêm khắc với giáo viên rồi.

Thứ ba, một số hành vi vi phạm quy chế thi như sửa bài thi, sửa điểm thi, làm sai lệch kết quả… là hành vi vi phạm pháp luật hình sự đã được quy định trong Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, Dự thảo Nghị định của Bộ GDĐT lại quy định là xử phạt hành chính. Nghị định là văn bản dưới luật nên không thể trái luật được.

Không nên lạm dụng chế tài với người thầy

Trước những băn khoăn của giáo viên và dư luận về mức tiền phạt, Bộ GDĐT đã lên tiếng khẳng định nhà giáo nói chung không chịu sự chế tài của Nghị định này. Luật sư có quan điểm ra sao?

- Nếu ban soạn thảo cho rằng nhà giáo nói chung không chịu sự chế tài của Nghị định này mà bị xử lý theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức, thì kỹ thuật lập pháp trong Nghị định này có vấn đề.

Nghị định có tên là xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục, thì đương nhiên những người dạy học và quản lý về giáo dục là những đối tượng chính chịu chế tài, rồi tiếp đến là học sinh và phụ huynh.

"Đời sống của giáo viên còn khó khăn, nên việc đưa ra những mức phạt như vậy chỉ gây thêm áp lực, ức chế cho giáo viên".

Trong Luật Giáo dục quy định áp dụng với đối tượng nào thì Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục phải áp dụng với đối tượng đó.

Các quan hệ trong nhà trường không đơn thuần là mua bán, kinh doanh dịch vụ về giáo dục mà đây là quan hệ thầy trò, là truyền thống văn hóa.

Việc quy định quá chi tiết các hành vi, đưa nhiều hành vi đáng ra bị điều chỉnh bởi đạo đức để “luật hóa” thì sẽ làm căng thẳng mối quan hệ thầy trò, đồng nghiệp và không phù hợp với môi trường giáo dục.

Theo luật sư, Dự thảo Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục cần sửa đổi theo hướng nào để phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật khác?

- Theo tôi, những hành vi chỉ xử lý về kỷ luật công chức, viên chức đã đủ để răn đe thì không nên đưa vào nghị định này. Không nên lạm dụng chế tài với người thầy.

Ngoài ra các hành vi xử phạt cũng phải có tính đặc thù, quy định rõ ràng, mức nào thì chỉ cần nhắc nhở, đến mức nào mới cần xử phạt hành chính.

Bên cạnh đó, hành vi nào đã mô tả trong luật hình sự rồi thì không được phép đưa vào Dự thảo nghị định này, không nên hành chính hóa quan hệ hình sự để tránh việc tùy tiện trong việc áp dụng quy định pháp luật.

- Cảm ơn luật sư đã chia sẻ!

Đặng Chung (thực hiện)

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/giao-duc/quy-dinh-phat-tien-khi-danh-hoc-sinh-kho-kha-thi-gay-uc-che-cho-giao-vien-634529.ldo