Quy định pháp luật còn chồng chéo trong vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm

Chiều 12/3, tại buổi Sơ kết một năm thí điểm thành lập Ban quản lý An toàn thực phẩm TPHCM (BQL ATTP), bà Phạm Khánh Phong Lan- Trưởng ban BQL ATTP cho biết vẫn còn nhiều bất cập trong vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Nổi bật có việc các quy định pháp luật còn chồng chéo và mức xử phạt chưa đủ tính răn đe.

bà Phạm Khánh Phong Lan- Trưởng ban BQL ATTP phát biểu tại Hội nghị

Sau một năm thành lập BQL ATTP đã xây dựng và ổn định bộ máy tổ chức, triển khai công tác phối hợp với các đơn vị quận, huyện, Sở, Ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và các doanh nghiệp. Triển khai chương trình hành động với mục tiêu: Xây thực phẩm sạch, chống thực phẩm bẩn, cải cách hành chính và tăng cường tuyên truyền. Công tác giám sát chất lượng, truy xuất nguồn gốc, phát triển “chuỗi thực phẩm an toàn”, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm…được thực hiện hiệu quả.

Tại buổi làm việc, bà Phạm Khánh Phong Lan cho biết, mô hình thí điểm mới BQL ATTP thực sự nâng tầm và đặt hiệu quả cao trong công tác QL ATTP. Trong đó, có công tác phối hợp quản lý nhà nước đảm bảo ATTP với Ủy ban nhân dân 24 quận, huyện và công tác phối hợp cung ứng chuỗi sản phẩm thực phẩm sạch bảo đảm nguồn thực phẩm cung cấp cho người dân toàn thành phố an toàn.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề bất cập như: Xử lý vi phạm với các mặt hàng nông sản tươi sống gặp nhiều khó khăn. Đòi hỏi kết quả kiểm nghiệm, chi phí lưu kho, chi phí xử lý tiêu hủy khi sản phẩm không đạt mà không xác định được chủ hàng hoặc chủ hàng bỏ trốn. Quy trình xử lý phức tạp không theo kịp thực tế, gây mất sức cho đội ngũ quản lý và tạo tâm lý cầu an, né tránh.

Còn nhiều bất cập trong vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm

Việc kiểm soát thuốc bảo vệ thực vật, chất cấm, thuốc thú y vẫn còn rất phức tạp, mức phạt chưa đủ tính răn đe. “Ví dụ: Vụ việc heo bị tiêm thuốc an thần cho thấy yêu cầu phải kiểm soát nguồn thuốc, không để thương lái mua tự do, kiểm soát không để phụ gia công nghiệp trà trộn với phụ gia thực phẩm vẫn chưa có quy định phù hợp… Ngoài ra, không dễ dàng để phát hiện các vụ việc vi phạm nghiêm trọng nhưng khi đã phát hiện thì xử phạt chưa thỏa đáng. Hầu hết tất cả hành vi vi phạm đều xử phạt vi phạm hành chính, muốn xử lý hình sự thì rất khó…” bà Lan nói.

Bà Phạm Khánh Phong Lan đề xuất, các chính sách phải được ban hành cùng cơ chế giải pháp… Ví dụ: Nghị định số 15/2018/NĐ-CP thay thế Nghị định số 38/2012/NĐ-CP rất tiến bộ khi thể hiện quan điểm đề cao hậu kiểm, doanh nghiệp được tự công bố và phải chịu trách nhiệm, nhưng thiếu cơ chế đủ mạnh để tăng hậu kiểm như nhân lực, quyền hạn xử lý vi phạm, mức phạt,...

“BQL ATTP sẽ phối hợp cùng các Sở, Ngành, quận, huyện tập hợp tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố có văn bản kiến nghị các Bộ, Ngành về các quy định chồng chéo, bất cập”, bà Lan cho biết thêm.

Nam Phong

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/kinh-te/dung-hang-viet/quy-dinh-phap-luat-con-chong-cheo-trong-van-de-ve-sinh-an-toan-thuc-pham-51047.html