Quy định 'nhỏ' của Hải quan Quảng Ninh khiến DN nhập khẩu than thiệt hại lớn

Không có C/O bản gốc sẽ không cho giải phóng hàng về kho mà chỉ cho dỡ hàng xuống xà lan và neo đậu tại chỗ. Cách làm này của Hải quan Quảng Ninh, gây thiệt hại cho DN.

Công ty TNHH XNK Hồng Quảng có đơn “tố” Hải quan Quảng Ninh giải quyết thủ tục một cách máy móc, gây khó khăn cho doanh nghiệp khiến họ bị thiệt hại lớn. Công ty TNHH XNK Hồng Quảng có trụ sở ở TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Công ty này hiện đang thực hiện các hợp đồng nhập khẩu than từ Nga, Trung Quốc và các nước ASEAN về cửa khẩu cảng Cẩm Phả.

Tàu chở than của công ty Hồng Quảng dỡ hàng xuống xà lan tại cảng Cẩm Phả

Tàu chở than của công ty Hồng Quảng dỡ hàng xuống xà lan tại cảng Cẩm Phả

Công ty XNK Hồng Quảng cho biết, khi làm thủ tục khai báo hải quan họ đều được cán bộ hải quan hướng dẫn và yêu cầu người khai hải quan phải nộp bản gốc Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mới được giải phóng hàng khỏi tàu. Nhưng vì điều kiện C/O phải chuyển từ Nga về thông thường mất từ 10-15 ngày nên mỗi lần tàu về đến cảng Cẩm Phả đều bị chi cục hải quan cảng Cẩm Phả chặn lại không cho giải phóng hàng khỏi tàu. Công ty đã nhiều lần gửi văn bản cam kết sẽ nộp đầy đủ C/O bản gốc chậm khoảng vài ngày và đề nghị được giải phóng hàng khỏi tàu đưa về kho bảo quản dưới sự giám sát của hải quan để đảm bảo an toàn cho phương tiện, hàng hóa và tránh dôi nhật nhưng phía hải quan kiên quyết không giải quyết dẫn đến Công ty chịu thiệt hại kinh tế không nhỏ.

Vì lí do này nên nhiều lần doanh nghiệp bị dôi nhật lớn như vào tháng 9/2018, tàu ANIKITOS dôi nhật 9 ngày, tháng 7/2018 tàu EVER ALLIANCE dôi nhật 6 ngày, trung bình mỗi ngày chậm doanh nghiệp bị đơn vị cho thuê tàu phạt hơn 10.000 đô la.

Đại diện Công ty Hồng Quảng cho biết, qua những lần làm thủ tục thấy rằng hải quan cảng Cẩm Phả áp dụng các quy định một cách máy móc như yêu cầu doanh nghiệp phải nộp C/O gốc mới cho giải phóng hàng khỏi tàu về kho. Theo đại diện doanh nghiệp, đặc thù hàng hóa như than là mặt hàng rời điều kiện bảo quản khó khăn khi về đến Cảng bắt buộc phải giải phóng hàng quy định chỉ cần hàng hóa trên vận đơn đến đúng cảng đích là được dỡ hàng về kho, như vậy sẽ tránh dôi nhật cho doanh nghiệp, những thủ tục khác có thể làm sau chứ không cần phải có C/O bản gốc.

Tuy nhiên, hải quan Quảng Ninh viện Thông tư 38 của Bộ Tài chính, mặt hàng than nhập khẩu là mặt hàng phải nộp C/O bản chính tại thời điểm làm thủ tục hải quan. Trường hợp người khai hải quan không nộp chứng từ C/O theo quy định thì không được thông quan. Ngoài ra, đối với than nhập khẩu thì C/O là một điều kiện để làm thủ tục hải quan theo Nghị quyết 2371 của Hội Bảo an Liên hợp quốc về tăng cường quản lý nguồn gốc đối với than nhập khẩu.

Cán bộ Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cẩm Phả kiểm tra, kiểm soát hoạt động xuất nhập khẩu than tại địa bàn. Ảnh Báo QN

Trao đổi với báo chí, đại diện cục hải quan Quảng Ninh giải thích, theo quy định, khi tàu than về cảng, dù hàng hóa nhập ở bất kỳ nước nào về cũng phải có C/O ngay tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan. Riêng mặt hàng than nhập từ các nước ASEAN thì chấp nhận C/O điện tử (C/O này đã được công bố trên hệ thống một cửa quốc gia ASEAN), còn C/O của các nước ngoài ASEAN, chẳng hạn như Nga thì phải có bản chính nộp trực tiếp. Khi đăng ký tờ khai, doanh nghiệp scan toàn bộ hồ sơ gồm khai báo tờ khai hải quan, biên hàng, hóa đơn thương mại và bản C/O gửi lên hệ thống để hải quan nắm được. Sau đó, doanh nghiệp mang bản C/O đến để nhận hàng, làm các thủ tục tại cảng.

Trường hợp doanh nghiệp nhập than từ Nga nhưng chưa có C/O bản gốc, khi tàu cập cảng đủ điều kiện là hàng hóa trên vận đơn đến đúng cảng đích, hải quan Quảng Ninh chỉ cho phép doanh nghiệp dỡ hàng từ tàu xuống xà lan để tránh dôi nhật, doanh nghiệp tự trả phí lưu xà lan nhưng không được đưa hàng về kho bảo quản. Hải quan Quảng Ninh khẳng định, tất cả các doanh nghiệp nhập khẩu đều phải thực hiện như vậy nếu chưa nộp thuế, không làm thủ tục ngay tại thời điểm đó. Lí do không cho đưa hàng về kho vì cảng Cẩm Phả là cảng nổi, không có bến bãi để lưu giữ hàng hóa.

Quy định nếu không có C/O EAV gốc, than chỉ được chuyển xuống xà lan mà không được đưa về kho, đại diện Công ty Hồng Quảng cho rằng điều này rõ ràng là gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Thứ nhất, bất di bất dịch hàng hóa khi đã đến Cảng đích thì điều đầu tiên là phải giải phóng hàng lên kho ngoại quan do hải quan quản lý. Trước, trong và sau thời gian giải phóng hàng, khi đầy đủ căn cứ Hải quan ra quyết định thông quan thì doanh nghiệp mới tiến hành đưa hàng hóa vào tiêu thụ trên thị trường. Ngược lại nếu hàng hóa không đảm bảo theo quy định thì Doanh nghiệp sẽ có trách nhiệm thực hiện tái xuất.

Thông cảm với điều kiện không có kho ngoại quan, doanh nghiệp đã chủ động kiến nghị Hải quan cho giải phóng hàng đưa về kho bảo quản dưới sự giám sát của Hải quan và doanh nghiệp sẽ chịu toàn bộ chi phí. Vì vậy Hải quan Cẩm Phả không thể lấy lý do không có kho ngoại quan và cán bộ giám sát để giữ hàng trên xà lan không cho chạy. Điều này là rất bất cập.

Thứ hai, một tàu chở than trung bình khoảng gần 40.000 tấn, sẽ phải cần đến khoảng 15 đoàn xà lan để dỡ hết hàng. Nếu dỡ hàng xuống xong mà xà lan không được chạy, phải neo đậu tại chỗ sẽ vô cùng nguy hiểm.

Cụ thể, việc bảo quản hàng hóa không đảm bảo, khi gặp thời tiết bất lợi như sóng to, gió lớn rất dễ xảy ra lật, chìm xà lan, gây tổn thất hàng hóa, đe dọa cả người và phương tiện. Chưa kể chi phí xà lan phạt nằm chờ. Tình trạng trộm cắp hàng không thể kiểm soát được. Toàn bộ thiệt hại doanh nghiệp sẽ phải chịu hoàn toàn. Mặt khác, tàu mẹ cũng sẽ không để các đoàn xà lan bám víu xung quanh vì sẽ gây mất thăng bằng tàu. Song song với đó phương tiện xà lan là doanh nghiệp đi thuê nên sẽ không xà lan nào chấp nhận cho việc dỡ hàng xong nằm chờ tại chỗ vì nguy hiểm và ảnh hưởng yếu tố kinh tế.

Bạn đọc có thông tin, đơn thư phản ánh, kiến nghị, khiếu nại tố cáo xin vui lòng gọi qua số ĐT: 0916 950 168. Email: thubandocgdvn@gmail.com

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhvietnam.com/quy-dinh-nho-cua-hai-quan-quang-ninh-khien-dn-nhap-khau-than-thiet-hai-lon-d140875.html