Quy định Nhật hoàng thoái vị: Định hình mới quan hệ Mỹ-Nhật

Dự luật Nhật hoàng thoái vị được người Nhật soạn thảo, cho thấy quan hệ chính trị Nhật – Mỹ đã được định hình lại với vị thế ngang bằng hơn...

Reuters ngày 19/5 cho hay, nội các Nhật Bản đã thông qua một dự luật cho phép Nhật hoàng Akihito thoái vị, mở đường cho lần đầu tiên trong 2 thế kỷ, một hoàng đế tại đất nước mặt trời mọc được tự rời bỏ ngai vàng của mình.

Theo Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết, dự luật chỉ sử dụng một lần cho phép nhà vua Akihito (83 tuổi) thoái vị, không có hiệu lực pháp luật cho các Nhật hoàng trong tương lai.

Nhật hoàng Akihito

Nhật hoàng Akihito

Dự luật được gửi lên Quốc hội Nhật Bản để thảo luận và xem xét thông qua. “Chính phủ hy vọng dự luật này được thông qua”, ông Suga tuyên bố.

Mặc dù chưa có kế hoạch cụ thể về việc Nhật hoàng thoái vị, nhưng theo giới truyền thông dự đoán thì sự kiện này sẽ diễn ra vào cuối năm 2018, đánh dấu gần 30 năm triều đại của Nhật hoàng Akihito.

Theo lịch sử Hoàng gia Nhật Bản, đến nay đã 200 năm kể từ khi Nhật hoàng Kokaku thoái vị năm 1817, một điều tương tự chưa diễn ra.

Sau Đệ nhị Thế chiến, Hiến pháp hòa bình do Mỹ chủ trì soạn thảo và được Quốc hội Nhật Bản thông qua năm 1946 cũng không quy định đối với việc thoái vị của Nhật hoàng, vì vậy việc Nhật hoàng thoái vị là một sự kiện đặc biệt trong đời sống chính trị tại Nhật Bản.

Quy định việc Nhật hoàng thoái vị mở ra một chương mới trong quan hệ Nhật – Mỹ

Cũng nên nhắc lại rằng, ngày 8/8/2016, Nhật hoàng Akihito lần thứ hai có bài phát biểu trước người dân Nhật Bản, trong đó người đứng đầu Hoàng gia có ý định thoái vị vì cảm thấy không đủ sức khỏe để hoàn thành trọng trách của mình.

Sự kiện quan trọng này tại đất nước mặt trời mọc ngay lập tức thu hút dư luận và truyền thông quốc tế, bởi lẽ việc Nhật hoàng thoái vị chưa từng diễn ra từ khi Luật hoàng gia được ban hành quy định Nhật hoàng phục vụ cho đến khi băng hà, theo The Washington Post.

Mặt khác, năm 1945 khi nước Nhật bại trận trong Đệ nhị Thế chiến và Nhật hoàng Hirohito lúc đó đối diện với tòa án xét xử tội phạm chiến tranh.

Tuy nhiên, tướng Mỹ Douglas MacArthur, chỉ huy các lực lượng chiếm đóng của Đồng Minh nhận thấy Nhật hoàng là một biểu tượng cho sự ổn định và hòa hợp có giá trị đối với người dân Nhật.

Việc quy định Nhật hoàng thoái vị mở ra chương mới cho quan hệ chính trị Nhật - Mỹ

Chính điều đó giúp cho Nhật hoàng Hirohito không bị truy tố phạm tội ác chiến tranh và sau khi bản Hiến pháp do Mỹ chủ trì soạn thảo cho Nhật Bản được thông qua thì vị thế của Thiên triều cũng thay đổi trong đời sống chính trị tại xứ sở hoa anh đào.

Theo Hiến pháp mới của Nhật Bản thời hậu chiến, Nhật hoàng đã bị tước hết quyền lực chính trị của mình. Nhật hoàng cũng bị Hiến pháp hạn chế tuyên bố liên quan đến chính trị. Do vậy, Nhật hoàng không thể tuyên bố thoái vị, nhường ngôi.

Vì vậy, trước ý định muốn rời ngai vàng của người đứng đầu Hoàng gia, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã cho rằng đây là vấn đề rất nghiêm trọng.

"Đối với các nhiệm vụ của Đức vua thực hiện, mỗi người hãy đặt nhiệm vụ phải thực hiện của mình lên gánh nặng sức khỏe và tuổi tác, lúc đó thì chúng ta sẽ hiểu được sự lo lắng của Đức vua. Hãy suy nghĩ về những gì tốt nhất mà chúng ta có thể làm được giúp Ngài".

Giáo sư Hidehiko Kasahara của Đại học Keio thì cho rằng Nhật hoàng đã cố gắng bày tỏ mong muốn cá nhân của mình để nhường ngôi nhưng không thể nói được hai từ thoái vị.

"Đức vua đã gửi đi một thông điệp mạnh mẽ rằng Ngài muốn bàn giao cho người kế nhiệm để tiếp tục là biểu tượng của đất nước. Do không thể tuyên bố thoái vị vì ảnh hưởng đến chính trị, Đức vua đã chọn cách thể hiện nguyện vọng cá nhân. Và điều đó đã lay động trái tim của mọi người dân", theo The Japan Times.

Rõ ràng, đời sống chính trị - xã hội tại Nhật Bản đã có những hiệu ứng từ sau thông điệp của Nhật hoàng Akihito và việc điều chỉnh, sửa đổi trong khía cạnh pháp lý đã có thể được nhận diện từ sự kiện đó.

Có được quy định mở đường cho Nhật hoàng Akihito thoái vị là thắng lợi chính trị quan trọng của Thủ tướng Abe

Thực tế đó sẽ ảnh hưởng rất lớn tới quan hệ Nhật – Mỹ sau gần một thế kỷ đời sống chính trị tại đất nước mặt trời mọc được định hình bởi người Mỹ trong vị thế của người chiến thắng.

Áp đặt lúc này là không thể, vậy là phải điều chỉnh theo hướng “hai bên’ cùng có lợi.

Đó là lý do dự luật thoái vị được soạn thảo dành cho duy nhất Nhật hoàng Akihito, chứ Hiến pháp chưa thể được sửa đổi, mà có thể tạo ra sự đổi thay rất lớn tại xứ phù tang.

Khi Nhật hoàng gửi thông điệp, rồi nay dự luật thoái vị được người Nhật soạn thảo, cho thấy quan hệ chính trị Nhật – Mỹ đã được định hình lại với vị thế ngang bằng hơn trong quan hệ giữa người chiến thắng – kẻ chiến bại trong cuộc chiến năm xưa.

Theo giới phân tích, quy định về việc Nhật hoàng thoái vị sẽ là sự mở đầu cho việc đổi thay những định chế căn bản tại đất nước mặt trời mọc, mà sẽ hoàn toàn do người Nhật quyết định, chứ không còn do người Mỹ kiến tạo nữa.

Vì vậy, dù việc thoái vị của Nhật hoàng không dẫn đến sửa đổi Hiến pháp, song đó cũng được xem là thắng lợi chính trị rất lớn của người Nhật, nhất là đảng cầm quyền cũng như Thủ tướng Abe và quan hệ chính trị Nhật – Mỹ đã bắt đầu cho một chương mới.

Ngọc Việt

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/quy-dinh-nhat-hoang-thoai-vi-dinh-hinh-moi-quan-he-my-nhat-3335757/