Quy định nguyên tắc đối tượng kéo dài tuổi hưu để không 'giữ ghế'

Theo đại biểu Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi, nên vận dụng quy định của Đảng, Nhà nước về việc giữ chức vụ không quá 2 nhiệm kỳ để giảm căng thẳng câu chuyện 'giữ ghế' khi tăng tuổi nghỉ hưu.

Ngày 30/5, bên lề hành lang Quốc hội, liên quan đến dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi),ĐBQH Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) đã chia sẻ với báo chí xung quanh câu chuyện tăng tuổi nghỉ hưu.

PV: Theo ông, vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu có tác động đến chuyện thay thế đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý hay không?

ĐBQH Bùi Sỹ Lợi: Tôi cho là có tác động, tất nhiên là tác động rất chậm. Ví dụ, anh nâng 1 tuổi, tác động ngay 1 năm, nâng 3 tháng thì chỉ tác động 0,4 năm. Vì vậy, trong Bộ luật Lao động (sửa đổi), Chính phủ phải nghiên cứu triệt để vấn đề này. Thứ nhất, một số quy định của Đảng, Nhà nước về việc giữ chức vụ không quá 2 nhiệm kỳ nên vận dụng một thời gian để đỡ căng thẳng câu chuyện “giữ ghế”.

Thứ hai, đối tượng nâng tuổi của nam từ 62 lên 67 và của nữ giới từ 60 lên 65 thì vẫn quy định như hiện hành, tức là được kéo dài thêm 5 năm nhưng lúc đó, năng lực, khả năng, sức khỏe, trí tuệ để lãnh đạo có thể bị hạn chế thì không nên giữ vị trí lãnh đạo nữa, chỉ tập trung làm chuyên môn để tạo cơ hội cho lớp trẻ.

Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi. (Ảnh: TH)

Đối với những người thực sự có tài, cơ quan đơn vị có nhu cầu, có đề xuất và bản thân họ có nguyện vọng thì có thể giữ lại, nhưng đây phải là những trường hợp hết sức đặc biệt, có trí tuệ và có tín nhiệm với nhân dân.

PV: Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, việc nới tuổi về hưu sẽ có thể làm mất cơ hội của các cán bộ trẻ. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

ĐBQH Bùi Sỹ Lợi: Thực tế khi ra trường các em xuất sắc không phải đưa vào theo chỉ tiêu kế hoạch của thời bao cấp mà đều phải qua thi tuyển, tuyển chọn. Do đó, khi được đào tạo cơ bản chính là được trang bị kiến thức để đủ điều kiện để tiếp cận thị trường lao động. Điều này rất quan trọng. Đây hoàn toàn là thi cử chứ không phải là phân bổ mà nói mất cơ hội.

Nhưng rõ ràng, nếu lực lượng đó không có “chỗ” để ngồi thì họ cũng không thể thi, nên cũng phải nhìn nhận cả hai mặt vấn đề. Đây cũng là câu chuyện phải bàn. Vì vậy, tôi vẫn mong muốn phải tuân thủ chính sách giữ chức vụ lãnh đạo không quá 2 nhiệm kỳ. Những người ở lại kéo thêm sau 5 năm thì chủ yếu chỉ làm công tác chuyên môn, chuyên gia cố vấn là tốt ; còn làm công tác quản lý thì cần có sự đổi mới, sáng tạo trong điều hành.

Trừ trường hợp như tôi đã đề cập ở trên là thật sự đặc biệt, cơ quan tổ chức đó cần và không có người đủ điều kiện thay thế.

Vấn đề hiện nay là chúng ta chưa công khai danh mục đối tượng nào được kéo dài tuổi về hưu, đối tượng nào được về trước 5 năm, 10 năm…

PV: Vậy theo ông, có nên công khai danh mục những đối tượng được kéo dài tuổi hưu trong Luật?

ĐBQH Bùi Sỹ Lợi: Tôi cho rằng nên đề cập, nguyên tắc có thể kéo dài 5 năm nhưng với điều kiện có đủ sức khỏe, có nguyện vọng, được sự đồng ý của cơ quan và cơ quan có nhu cầu.

PV: Xin cảm ơn ông!

Nhóm PV

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/xa-hoi/quy-dinh-nguyen-tac-doi-tuong-keo-dai-tuoi-huu-de-khong-giu-ghe-524009.html