Quy định mới về nghề giám định cổ vật: Không sát thực tế

Một số điều sửa đổi trong Nghị định mới được Chính phủ ban hành về điều kiện kinh doanh giám định cổ vật và hành nghề bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, một số chuyên gia cho rằng, thực tế việc giao dịch cổ vật vẫn diễn ra, và có lẽ sẽ không quá lệ thuộc vào các quy định đó.

Giám định và tu bổ cổ vật - nghề rất công phu.

Giám định và tu bổ cổ vật - nghề rất công phu.

Cụ thể, theo quy định tại Khoản 1 Điều 25 Nghị định số 98/2010/NĐ-CP, chủ cửa hàng mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia phải đáp ứng các điều kiện sau đây: a- Là công dân Việt Nam có địa chỉ thường trú tại Việt Nam; b- Có chứng chỉ hành nghề kinh doanh mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia; c- Có cửa hàng đủ diện tích phù hợp để trưng bày di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia; d- Có đủ phương tiện trưng bày, bảo quản và bảo vệ di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.

Nay Nghị định số 142 sửa đổi điều kiện c trên thành “có cửa hàng để trưng bày”; đồng thời bãi bỏ điều kiện d. Cũng theo Nghị định số 142, chứng chỉ hành nghề mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia chỉ được cấp cho người có trình độ đại học trở lên thuộc một trong các chuyên ngành đào tạo về di sản văn hóa, lịch sử (khảo cổ học, văn hóa học), mỹ thuật, Hán Nôm, dân tộc học, cổ nhân học, cổ sinh vật học (động vật, thực vật), địa chất; hoặc là thành viên của tổ chức xã hội - nghề nghiệp liên quan đến các chuyên ngành đào tạo nêu trên và đã thực hiện hoạt động sưu tầm cổ vật.

Trước đó, Nghị định số 98/2010/NĐ-CP chỉ yêu cầu có trình độ chuyên môn hoặc am hiểu về di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia. Đồng thời, Nghị định số 142/2018/NĐ-CP cũng giảm bớt điều kiện kinh doanh giám định cổ vật từ 4 điều kiện xuống 2 điều kiện. Theo Nghị định mới thì cơ sở kinh doanh giám định cổ vật chỉ cần đảm bảo các điều kiện sau: Có trang thiết bị, phương tiện thực hiện giám định phù hợp với lĩnh vực đã đăng ký; Có ít nhất 3 chuyên gia giám định cổ vật về các chuyên ngành theo hướng dẫn của Bộ VHTTDL.

Xung quanh những thắc mắc về việc phải có bằng đại học liệu có ảnh hưởng đến điều kiện kinh doanh của các cửa hàng buôn bán cổ vật hay không? Ông Trần Đình Thành - Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa cho biết “Nghị định 142 bên cạnh quy định người kinh doanh cổ vật có bằng đại học chuyên ngành còn có quy định “mở” là “hoặc người đó là thành viên của tổ chức xã hội - nghề nghiệp liên quan đến các chuyên ngành đào tạo nêu trên và đã thực hiện hoạt động sưu tầm cổ vật”. Do vậy, cần có cách hiểu đúng đối với quy định cụ thể tại điều khoản này”.

Cũng theo ông Thành, việc ban hành Nghị định 142, khi Chính phủ giao Cục Di sản Văn hóa (Bộ VHTTDL) soạn thảo chúng tôi đã rất mạnh dạn trong việc xem xét cắt giảm một số điều kiện kinh doanh. Trước đây năm 2016, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 61 quy định về điều kiện kinh doanh, giám định cổ vật và bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích. Trong Nghị định này đã cắt giảm tương đối nhiều điều kiện như phải qua các lớp đào tạo, có thời gian, kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực cổ vật… Nghị định lần này cũng tiếp tục cập nhật chủ trương của Nhà nước liên quan đến việc cắt giảm thủ tục hành chính.

Tuy nhiên, sau những lý giải, dường như chính người trực tiếp tham gia việc bảo tồn, giám định cổ vật vẫn còn đó những băn khoăn. Theo TS Nguyễn Văn Chiến - nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, cho rằng quy định chứng chỉ hành nghề có trình độ đại học “không có ý nghĩa lắm”. Ông Chiến phân tích, chuyện mua bán cổ vật do người ta có điều kiện kinh tế, ham thích thì bỏ tiền ra mua, sưu tầm. Chỉ có điều mua bán cổ vật phải tuân theo quy định pháp luật - chỉ giới hạn trong phạm vi quốc gia, không xuất khẩu ra nước ngoài. Điều này được quy định trong Nghị định 98 về hoạt động mua bán di vật, cổ vật và bảo vật quốc gia.

Đồng quan điểm, theo PGS.TS Tống Trung Tín - nguyên Viện trưởng Viện Khảo cổ học, ngạc nhiên về tiêu chí cấp chứng chỉ hành nghề “có trình độ đại học trở lên thuộc một trong các chuyên ngành” mới được mua bán di vật, cổ vật. Xưa nay người sưu tầm cổ vật bao gồm đủ thành phần, đối tượng. Người dân lâu nay vẫn giao dịch cổ vật ầm ầm. Nhiều nhà sưu tầm am hiểu có quá trình trau dồi, đọc và học từ thực tế không nhất thiết phải có bằng đại học.

PGS.TS Tống Trung Tín cho rằng điều kiện bằng cấp có vẻ cần thiết hơn trong khâu thẩm định, không phải chuyện buôn bán cổ vật. Trước đó trong cuộc lấy ý kiến góp ý về Thông tư 02 của Bộ VHTTDL về Quy định tiêu chuẩn chuyên gia giám định cổ vật, nhiều chuyên gia cho rằng không nên máy móc quy định về bằng cấp bởi đây là lĩnh vực đặc thù, cần sự linh động.

“Người có bằng cấp không ai đi buôn cổ vật đâu”, PGS.TS Tống Trung Tín nói. Ông không đồng tình chuyện buôn bán, đấu giá cổ vật. Ông lí giải, phàm là cổ vật (trừ một số đồ gia truyền có thể chứng minh) thường là do khai quật khảo cổ, là đồ của đình, chùa hay từ các ngôi mộ cổ. Những đồ ấy để trong nhà theo ông không nên. Ông khẳng định là “trùm” khảo cổ học nhưng trong nhà không có bóng dáng cổ vật nào, trừ những món đang cần nghiên cứu và đều trả lại cho Nhà nước.

Hoàng Minh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/quy-dinh-moi/quy-dinh-moi-ve-nghe-giam-dinh-co-vat-khong-sat-thuc-te-tintuc420254