Quy định mới tại Luật Lâm nghiệp có giảm mất quyền lợi người dân?

Chiều 15.11, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn đã có cuộc trao đổi với PV xung quanh những 'điểm sáng' của Luật Lâm nghiệp vừa được Quốc hội thông qua sáng 15.11.

Luật Lâm nghiệp mới sẽ thể chế hóa và làm sâu sắc hơn trách nhiệm bảo vệ và quản lý rừng bền vững. Ảnh: PV

Luật Lâm nghiệp (LLN) mới sẽ thể chế hóa và làm sâu sắc hơn trách nhiệm bảo vệ và quản lý rừng bền vững. Đồng thời, LLN mới còn mở rộng thêm các quy định về chế biến và thương mại; Khoa học công nghệ; Hợp tác quốc tế.

Nếu như Luật năm 2004 chưa chú trọng đến quản lý rừng theo chuỗi và vai trò của rừng đối với biến đổi khí hậu, thì LLN mới đã đề cập vấn đề này. Luật Lâm nghiệp cũng được nghiên cứu phù hợp với các chủ trương của Đảng đã định hướng và có những chỉ tiêu cơ bản; đồng bộ với các bộ luật liên quan mới sửa đổi, đặc biệt là thay đổi về chế định sở hữu rừng trong Hiến pháp năm 2013. Nếu trước đó, Hiến pháp quy định rừng núi thuộc sở hữu Nhà nước thì Hiến pháp 2013 quy định rõ hơn rừng là tài nguyên thiên nhiên, là tài sản của quốc gia. Việc thể chế hóa nội dung này rất quan trọng để đảm bảo quyền của chủ rừng.

Đồng thời, LLN mới cũng hướng đến việc quản lý ngành lâm nghiệp theo chuỗi, tức là không chỉ dừng ở bảo vệ phát triển rừng mà quy định cả việc sở hữu rừng bền vững để hướng tới chế biến và tiêu thụ được các sản phẩm lâm nghiệp. Lâm nghiệp đã trở thành nền sản xuất hàng hóa thì phải có luật để hài hòa với pháp luật quốc tế được quy định rõ ràng ở các hiệp định, hiệp ước quốc tế...

Việc sản xuất rừng quy mô lớn cũng được tính đến với nhiều cách thức, trong đó có tích tụ đất đai. Tuy nhiên, việc tích tụ đất đai cũng vẫn phải đảm bảo để người dân phải được giao rừng. Việc giao rừng cho các DN và người dân cũng phải trên tinh thần tạo liên kết giữa người chế biến với người cung ứng và tiêu thụ, tạo phương thức quản trị có hiệu quả.

Việc tạo giá trị kinh tế cũng sẽ được tính toán trên thực tế đã đóng cửa rừng tự nhiên và phát triển bền vững rừng sản xuất. Những giá trị kinh tế được tính đến sẽ tăng lên hàng năm thông qua dịch vụ chi trả môi trường rừng; chính sách Red+ (đo đếm và giám sát lượng phát thải CO2 từ mất rừng và suy thoái rừng trong phạm vi biên giới mỗi nước.

Sau một giai đoạn nhất định, các nước sẽ tính toán lượng giảm phát thải và nhận được số lượng tín chỉ carbon rừng có thể trao đổi trên thị trường dựa trên sự giảm thiểu này. Các tín chỉ sau đó có thể được đem bán trên thị trường carbon toàn cầu hoặc chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng)...

Đặc biệt trong LLN, từng loại chủ rừng sẽ được quy định rất rõ ràng và theo hướng tăng quyền cho những người trực tiếp bỏ công sức ra trồng rừng và bảo vệ rừng.

Kh.V

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/kinh-te/quy-dinh-moi-tai-luat-lam-nghiep-co-giam-mat-quyen-loi-nguoi-dan-576305.ldo