Quy định mới không làm hạn chế việc ủy quyền

Theo Bộ Tư pháp, việc quy định các trường hợp được chứng thực chữ ký trên giấy ủy quyền không làm hạn chế việc ủy quyền của các tổ chức, cá nhân.

Ngày 3/3/2020, Bộ Tư pháp ban hành Thông tư 01/2020/TT-BTP hướng dẫn Nghị định 23/2015/NĐ-CP về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch. Thông tư có hiệu lực thi hành ngày 20/4/2020.

Khoản 2 Điều 14 Thông tư 01/2020/TT-BTP quy định, chỉ được chứng thực chữ ký trên giấy ủy quyền trong 4 trường hợp bao gồm: Ủy quyền nộp hộ, nhận hộ hồ sơ, giấy tờ; Ủy quyền nhận hộ lương hưu, bưu phẩm, trợ cấp, phụ cấp; Ủy quyền nhờ trông nom nhà cửa; Ủy quyền của thành viên hộ gia đình để vay vốn tại Ngân hàng chính sách xã hội.

Công ty TNHH Nông nghiệp xanh Bảo An phản ánh, trước đây, theo điểm d, khoản 4 Điều 24 Nghị định 23/2015/NĐ-CP thì chỉ có các trường hợp ủy quyền có thù lao, có nghĩa vụ bồi thường của bên được ủy quyền và có liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng bất động sản mới không được chứng thực chữ ký trên giấy ủy quyền, còn các trường hợp khác đều được, nhưng nay Thông tư 01/2020/TT-BTP rút gọn lại chỉ còn 4 trường hợp.

4 trường hợp cho phép chứng thực chữ ký trên giấy ủy quyền theo Thông tư 01/2020/TT-BTP cũng thể hiện nhiều bất cập. Ví dụ: Ủy quyền nộp hộ, nhận hộ hồ sơ thì cho chứng thực chữ ký còn ủy quyền rút lại hồ sơ lại không cho. Ủy quyền trông nom nhà cửa thì cho còn ủy quyền trông nom đất đai, xe cộ, tài sản khác… thì không cho; ủy quyền nhận hộ trợ cấp, phụ cấp, lương hưu thì cho còn ủy quyền nhận hộ các khoản cấp dưỡng, lương (không phải hưu) thì không cho.

Năm 2017, Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực có văn bản 979/HTQTCT-CT hướng dẫn các trường hợp ủy quyền cho thành viên hộ gia đình để vay vốn tại Ngân hàng chính sách xã hội thì không được chứng thực văn bản ủy quyền mà phải chứng thực hoặc công chứng hợp đồng ủy quyền. Nay Thông tư 01/2020/TT-BTP lại đưa nội dung này vào trường hợp chứng thực chữ ký trên giấy ủy quyền. Điều này khiến quan điểm của Bộ Tư pháp không đồng nhất nhất. Ngoài ra, tại sao vay Ngân hàng chính sách xã hội thì được chứng thực chữ ký trên giấy ủy quyền còn vay ngân hàng khác thì không được?

Công ty TNHH Nông nghiệp xanh Bảo An cho rằng, Thông tư 01/2020/TT-BTP gây bất tiện, tốn kém, mất thời gian cho người dân. Trước đây, thay vì có thể ra UBND cấp xã bất kỳ để chứng thực chữ ký giấy ủy quyền, nay người dân phải lập hợp đồng ủy quyền (phải 2 bên cùng ký – giấy ủy quyền chỉ cần bên ủy quyền ký) hoặc thực hiện thủ tục tại tổ chức hành nghề công chứng (mà không phải địa bàn nào cũng có tổ chức công chứng như miền núi, vùng sâu vùng xa…).

Về vấn đề này, Bộ Tư pháp có ý kiến phản hồi như sau:

Các trường hợp được chứng thực chữ ký trên giấy ủy quyền

Điểm d khoản 4 Điều 24 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP cho phép thực hiện chứng thực chữ ký trên Giấy ủy quyền thực chất nhằm đơn giản hóa thủ tục đối với một số trường hợp ủy quyền có nội dung đơn giản, khá phổ biến để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân (không phải ký kết hợp đồng ủy quyền).

Tuy nhiên, do Nghị định số 23/2015/NĐ-CP còn chung chung, chưa có hướng dẫn cụ thể nên thực tế đã phát sinh tình trạng một số người dân ở các địa phương lợi dụng quy định này để nhận ủy quyền đi khiếu nại, kiện tụng, tham gia tố tụng…, thậm chí ủy quyền (đơn phương) cho Lãnh đạo Đảng, Nhà nước thay mặt mình tham gia giải quyết tranh chấp, tố tụng tại Tòa án… gây mất trật tự an ninh xã hội và ảnh hưởng uy tín của các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Do vậy, việc quy định các trường hợp cụ thể tại Điều 14 Thông tư số 01/2020/TT-BTP thực chất là hướng dẫn cụ thể điểm d Khoản 4 Điều 24 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP để đảm bảo dễ dàng trong việc thực hiện. Từ khi triển khai đến nay, chưa có địa phương nào phản ánh về quy định này.

Việc quy định các trường hợp được chứng thực chữ ký trên giấy ủy quyền không làm hạn chế việc ủy quyền của các tổ chức, cá nhân. Nếu thuộc 1 trong 4 trường hợp tại khoản 2 Điều 14 Thông tư số 01/2020/TT-BTP thì người dân có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền chứng thực chữ ký trên giấy ủy quyền. Đối với các trường hợp khác thì thực hiện theo thủ tục chứng thực hợp đồng, giao dịch.

Việc chứng thực hợp đồng, giao dịch ủy quyền về cơ bản sẽ bảo đảm quyền lợi của cả hai bên khi tham gia hợp đồng, giao dịch, đặc biệt liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu tài sản hoặc quyền sử dụng đất.

Theo quy định về thẩm quyền chứng thực tại Điều 5 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP thì khi người yêu cầu có nhu cầu chứng thực hợp đồng, giao dịch, người dân có thể đến bất cứ UBND cấp xã nào để yêu cầu chứng thực hợp đồng ủy quyền mà không phụ thuộc vào nơi cư trú của người yêu cầu chứng thực (trừ trường hợp liên quan đến quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở thì phải thực hiện tại UBND cấp xã nơi có nhà, có đất). Do đó, quy định tại Điều 14 không gây khó khăn về việc đi lại của người dân (người dân không bắt buộc đến tổ chức hành nghề công chứng như nội dung kiến nghị).

Chứng thực chữ ký trên giấy ủy quyền để vay vốn ngân hàng chính sách

Việc tạo điều kiện cho người dân được chứng thực chữ ký trên giấy ủy quyền cho thành viên trong hộ gia đình để vay vốn là nhằm tạo thuận lợi cho người dân, phù hợp với chủ trương, chính sách ưu đãi của Nhà nước.

Ngân hàng chính sách được thành lập trên cơ sở tổ chức lại Ngân hàng phục vụ người nghèo, thực hiện chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách, không vì mục đích lợi nhuận, được nhà nước bảo đảm khả năng thanh toán, được miễn thuế và các khoản bắt buộc phải nộp ngân sách nhà nước, các giao dịch vay vốn không cần tài sản bảo đảm, đặc biệt xem xét ưu tiên vay vốn 0% lãi suất.

Các ngân hàng khác là ngân hàng có chức năng kinh doanh tiền tệ, tín dụng và dịch vụ ngân hàng có mục đích lợi nhuận, phải tín chấp, thế chấp tài sản, do đó, trong trường hợp phát sinh ủy quyền thì người dân phải ký kết hợp đồng, giao dịch theo quy định.

Chinhphu.vn

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/tra-loi-cong-dan/quy-dinh-moi-khong-lam-han-che-viec-uy-quyen/395990.vgp