Quy định mới của Chính phủ: Không bổ nhiệm người có quan hệ gia đình vào lĩnh vực nhạy cảm

'Không bố trí, đề bạt, bổ nhiệm những người có quan hệ gia đình cùng làm một số công việc, lĩnh vực nhạy cảm dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực' – Nghị định của Chính phủ nêu rõ.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 126/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) đến năm 2020.

Theo đó, Chính phủ đưa ra 8 nhóm nhiệm vụ chủ yếu thực hiện từ nay đến năm 2020.

Thứ nhất, nâng cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, trong đó tăng cường vai trò của xã hội trong việc theo dõi, đo lường, đánh giá tình hình tham nhũng nhằm bảo đảm khách quan, qua đó gây dựng và củng cố niềm tin của nhân dân đối với công tác phòng chống tham nhũng của nhà nước; tiếp tục hoàn thiện chế tài xử lý người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, lãng phí theo hướng nếu người đứng đầu làm tốt công tác phòng ngừa, không để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thì được biểu dương, khen thưởng;

Một điều mới trong quy định về xử lý trách nhiệm người đứng đầu được nêu trong Nghị định, đó là, nếu để xảy ra tham nhũng nhưng kịp thời tự xử lý theo quy định và khắc phục hậu quả, báo cáo kịp thời với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thì chỉ xử lý người có hành vi tham nhũng, không xử lý về trách nhiệm người đứng đầu.

“Nếu để xảy ra tham nhũng nhưng phát hiện không kịp thời, để xảy ra hậu quả hoặc không tự phát hiện mà do các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý thì phải chịu trách nhiệm và tùy theo mức độ, hậu quả mà xử lý theo quy định của pháp luật”, Nghị định nêu rõ.

Thứ hai, Chính phủ yêu cầu tăng cường quản lý, giám sát cán bộ, công chức, viên chức; hoàn thiện, thực hiện nghiêm các quy định về công tác tổ chức, cán bộ. Theo đó, quy định và thực hiện nghiêm việc xử lý, điều chuyển, miễn nhiệm, thay thế cán bộ lãnh đạo, quản lý có biểu hiện tham nhũng gây nhiều dư luận. Khắc phục những hạn chế của việc chuyển đổi vị trí công tác nhằm phòng ngừa tham nhũng; thực hiện hiệu quả chủ trương bố trí một số chức danh cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh, cấp huyện không phải là người địa phương…

“Không bố trí, đề bạt, bổ nhiệm những người có quan hệ gia đình cùng làm một số công việc, lĩnh vực nhạy cảm dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực” - Nghị định nêu.

Thứ ba, kiểm soát tài sản, thu nhập; tăng cường công khai, minh bạch trong thực thi công vụ. Cụ thể, hoàn thiện các quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị theo hướng làm rõ loại thông tin chủ động công bố, công khai; phương thức, phạm vi, thời gian công bố, công khai; mở rộng nội dung thông tin cung cấp theo yêu cầu theo hướng tăng cường tính tự giác và chế tài nghiêm khắc; tập trung hoàn thiện quy định về minh bạch tài sản, thu nhập; quy định các biện pháp kiểm soát tài sản thu nhập; hoàn thiện quy định trong lĩnh vực thanh toán không dùng tiền mặt nhằm phát hiện các hành vi trốn thuế, rửa tiền, tham nhũng…

Thứ tư, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội; đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng. Theo đó, sửa đổi toàn diện Luật Phòng chống tham nhũng trình Quốc hội Khóa XIV thông qua; tổng kết và sửa đổi luật Thanh tra; hoàn thiện pháp luật về thanh tra theo hướng kết luận thanh tra cần rõ nguyên nhân của sai phạm, thất thoát, chỉ ra được sơ hở, bất cập về cơ chế, chính sách dẫn đến thất thoát, thua lỗ lớn…

Thứ năm, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử; nâng cao hiệu quả công tác giám định và thu hồi tài sản tham nhũng. Cụ thể, tăng cường tập trung thanh tra, kiểm toán các lĩnh vực nhạy cảm, có nhiều dư luận về tham nhũng như: đất đai, tài nguyên khoáng sản; các dự án đầu tư theo hình thức BOT, BT, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, đầu tư nước ngoài, công tác cán bộ…;

Thứ sáu là nâng cao nhận thức và phát huy vai trò, trách nhiệm của xã hội và thứ bảy là kiện toàn tổ chức bộ máy và chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng;

Cuối cùng, Chính phủ yêu cầu nội luật hóa các quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng phù hợp với điều kiện và pháp luật Việt Nam; mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật phòng chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong phòng chống tham nhũng.

Xuân Hưng

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/dan-sinh/201712/quy-dinh-moi-cua-chinh-phu-khong-bo-nhiem-nguoi-co-quan-he-gia-dinh-vao-linh-vuc-nhay-cam-588128/