Quy định mở khi đại học tự chủ

Luật Giáo dục Đại học (GDĐH) đang được sửa đổi theo hướng tăng quyền tự chủ cho các nhà trường và mở rộng diện ứng viên hiệu trưởng để lựa chọn. Đây cũng là mối quan tâm của dư luận sau vụ việc một GS không đủ 5 năm kinh nghiệm quản lý để được công nhận làm Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen. Theo đó, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng vẫn cần thêm những quy định mở trong Luật GDĐH

Cần tăng cường tính tự chủ cho các trường đại học.

Hãy để trường được tự chủ

Liên quan tới câu chuyện về yêu cầu cần và đủ để bổ nhiệm hiệu trưởng trường ĐH, đại diện Vụ GDĐH (BộGD&ĐT) cho rằng, trong tiêu chuẩn hiệu trưởng cần có nội dung về kinh nghiệm quản lý như một điều kiện bảo đảm chất lượng quản lý đối với vị trí việc làm này. Cho dù được tự chủ nhưng việc chọn hiệu trưởng của các cơ sở đào tạo ĐH cần bảo đảm các điều kiện, gồm: mặt bằng chung về các tiêu chuẩn tối thiểu; do hội đồng trường, hội đồng quản trị lựa chọn, quyết định; nếu chưa đủ điều kiện này thì phải có các điều kiện cần thiết khác vượt trội hơn... Hội đồng trường, HĐQT phải giải trình một cách thuyết phục về sự lựa chọn hiệu trưởng của họ, vì sự phát triển của nhà trường.

TS Lê Trường Tùng- Chủ tịch HĐQT Trường ĐH FPT cho rằng, các quy định về điều kiện là cần thiết để bảo đảm hành lang về chất lượng, nhưng trong từng trường hợp cụ thể cần xem xét. Đối với những trường tư, cả HĐQT biết mời ai để mang lại giá trị, bởi với trường tư thường không có vấn đề tiêu cực trong bổ nhiệm.

Còn TS Lê Viết Khuyến- Trưởng ban Hỗ trợ chất lượng GDĐH – Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam cho rằng, đây là một quy định lỗi thời, cứng nhắc. Theo đó, dù Bộ GD&ĐT cho rằng việc này là đúng Luật GDĐH nhưng trên thực tế không phải luật lúc nào cũng đúng. Bởi có những cái trước đây thì phù hợp nhưng cuộc sống thay đổi không ngừng nên có những quy định đã lạc hậu. Giáo dục mấy năm gần đây có rất nhiều đổi mới, Nghị quyết 19 Hội nghị Trung ương 6 đã nêu rõ: Hội đồng trường là cơ quan quyền lực cao nhất trong nhà trường. Cần phải tôn trọng ý kiến của họ. Ở đây Hội đồng trường đã có ý kiến thì cơ quan quản lý cần phải cân nhắc, xem xét.

Theo Dự thảo tờ trình của Chính phủ, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH đã sửa đổi, bổ sung 31 điều/73 điều (42%); giữ nguyên 42 điều. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng cơ bản nhất trí với quan điểm sửa đổi, bổ sung, phạm vi sửa đổi của dự thảo Luật GDĐH. Tuy nhiên, về phạm vi sửa đổi vẫn có 2 luồng ý kiến khác nhau. Một loại ý kiến tán thành với việc rà soát toàn diện nhưng lựa chọn một số vấn đề cốt lõi để sửa đổi, bổ sung như Tờ trình của Chính phủ. Loại ý kiến khác đề nghị cần nghiên cứu sửa đổi Luật một cách căn cơ hơn để thực sự tạo ra những chuyển biến trong thực tiễn. Thẩm tra của Ủy ban còn tập trung phân tích và đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát 7 vấn đề của dự thảo Luật bao gồm: Hệ thống GDĐH; quản trị và tự chủ của cơ sở GDĐH; quản lý đào tạo; tài chính, tài sản; đại học tư thục; quản lý nhà nước về GDĐH; chức danh, chính sách giảng viên.

Mở rộng diện ứng viên hiệu trưởng

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng- Vụ trưởng Vụ GDĐH cho hay, trên thực tế, nhiều GS tích lũy kinh nghiệm quản lý trở thành hiệu trưởng, nhưng cũng có rất nhiều GS không bao giờ trở thành hiệu trưởng. Không vì trường hợp đặc biệt của GS Trương Nguyện Thành mà chúng ta nói rằng chính sách thu hút nhân tài của Nhà nước là không thành công.

Về tiêu chuẩn hiệu trưởng trong Luật GDĐH hiện hành cần chỉnh sửa để phù hợp hơn trong giai đoạn sắp tới. Nhưng bà Phụng không đồng tình về việc phân biệt công tư đối với chất lượng nói chung và chuẩn hiệu trưởng nói riêng. Trong điều kiện tự chủ ĐH, các tiêu chuẩn tối thiểu cần áp dụng thống nhất để tạo mặt bằng chất lượng chung trong toàn hệ thống. Bởi khác với quản trị, quản lý nói chung, quản lý của một trường ĐH công cũng như tư, đó là quản lý tạo ra môi trường học thuật, học tập nghiên cứu, để các trí thức, nghiên cứu sinh, học viên… làm việc hiệu quả nhất. Tất cả hiệu trưởng đều phải đảm bảo tính chuyên nghiệp trong quản lý GDĐH, để đạt được chất lượng, hiệu quả cao nhất.

Những chuẩn này đến giai đoạn mới cần phải sửa đổi cho phù hợp hơn. Hiện nay, Luật GDĐH đang được sửa đổi theo hướng mở rộng diện ứng viên hiệu trưởng để lựa chọn và kết hợp chuẩn có tính định lượng và chuẩn có tính định tính; đảm bảo mặt bằng chung, nhưng đồng thời đảm bảo quyền tự chủ cho các trường, thông qua trao quyền này cho Hội đồng trường hay HĐQT để quyết định nhân sự hiệu trưởng.

Bà Kim Phụng thông tin thêm: Dự thảo hiện nay cũng đã bỏ thủ tục là hiệu trưởng trường ĐH tư thục phải được Chủ tịch UBND cấp tỉnh công nhận, mà hiệu trưởng các cơ sở GDĐH tư thục do Hội đồng quản trị trực tiếp quyết định. Đặc biệt, trong Dự thảo lần này, Luật GDĐH đã xác định khá rõ nét về mối quan hệ giữa hội đồng trường và hiệu trưởng. Chủ tịch Hội đồng trường được quy định là có các quyền quan trọng về phương hướng, chiến lược phát triển, tổ chức bộ máy, nhân sự hiệu trưởng, ban hành các quy chế tổ chức hoạt động, quy chế tài chính chung, quyết định những định hướng lớn cho sự phát triển của nhà trường. Hiệu trưởng là vai trò của người quản lý điều hành hoạt động của nhà trường theo quy định của pháp luật, theo nghị quyết của Hội đồng trường. Nhân sự hiệu trưởng của trường công thì do Hội đồng trường quyết định và trình cơ quan có thẩm quyền công nhận. Nhân sự hiệu trưởng của trường tư thì do Hội đồng quản trị quyết định. Đó là nét khác nhau, phân định 2 thiết chế này.

Tuy nhiên, đây cũng chỉ là Dự thảo và tiếp tục được hoàn thiện để tháo gỡ những nút thắt, điểm nghẽn như chúng ta đang bàn.

Bảo Thoa

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/giao-duc/quy-dinh-mo-khi-dai-hoc-tu-chu-tintuc403648