Quy định lao động vị thành niên: Nhiều ý kiến trái chiều

Trẻ em từ đủ 13 đến dưới 15 tuổi được làm những công việc phù hợp nhưng không ảnh hưởng đến học hành. Chủ sử dụng lao động chưa đủ 15 tuổi phải có giấy khám sức khỏe và cho phép của Sở LĐTB&XH đối với công việc nghệ thuật, thể dục, thể thao... là những quy định trong dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều.

Người lao động tại một cơ sở thêu tay huyện Thường Tín. Ảnh: Hải Linh

Người lao động tại một cơ sở thêu tay huyện Thường Tín. Ảnh: Hải Linh

Chỉ được làm công việc phù hợp

Dự thảo Bộ luật Lao động (BLLĐ) sửa đổi sẽ được trình các đại biểu Quốc hội thông qua trong Kỳ họp Quốc hội, Khóa 8 này. Ông Ngô Hoàng - Vụ Pháp chế, Bộ LĐTB&XH cho biết, dự thảo BLLĐ sửa đổi quy định rõ, lao động chưa thành niên (LĐCTN) là người lao động chưa đủ 18 tuổi. Đồng thời dự thảo bổ sung nguyên tắc LĐCTN chỉ được làm những công việc phù hợp với sức khỏe để đảm bảo sự phát triển về thể lực, trí lực, nhân cách. Khi sử dụng LĐCTN, chủ sử dụng phải có sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ; phải tạo cơ hội để người LĐCTN được học văn hóa, giáo dục nghề nghiệp, bồi dưỡng đào tạo nâng cao trình độ kỹ năng nghề.

Đối với lao động chưa đủ 15 tuổi, dự thảo BLLĐ sửa đổi nêu rõ, người sử dụng lao động phải tuân theo một số quy định: Phải có giấy khám sức khỏe của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền xác nhận sức khỏe phù hợp với công việc; kiểm tra sức khỏe định kỳ ít nhất 6 tháng một lần. Người sử dụng lao động chỉ được tuyển và sử dụng người từ đủ 13 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi vào làm các công việc nhẹ theo Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH quy định. Không được tuyển và sử dụng người chưa đủ 13 tuổi, trừ các công việc nghệ thuật thể dục, thể thao nhưng không làm tổn hại đến sự phát triển của trẻ và phải được sự đồng ý của cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh...

Trẻ vị thành niên không được làm thêm buổi tối

Chuyên gia Pháp lý - Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc Shelley Casey đề nghị có chế tài xử phạt mạnh hơn đối với những đối tượng vi phạm, đặc biệt là các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất. Trong dự thảo BLLĐ quy định, người đủ từ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi có thể được làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm trong một số nghề và công việc theo quy định của Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH.

Tuy nhiên, UNICEF khuyến nghị cấm người chưa thành niên làm thêm giờ và làm đêm. Và, cấm người chưa thành niên làm việc trong khoảng thời gian từ 20 giờ đến 6 giờ sáng. Nêu ý kiến về nội dung này, một thành viên của Tòa án Nhân dân tối cao cho rằng, Luật Trẻ em Việt Nam quy định trẻ em có độ tuổi từ đủ 16 trở xuống, quốc tế từ 18 tuổi trở xuống. Luật Trẻ em đã quy định rõ các quyền của trẻ em trong đó được nghỉ ngơi; vì thế, các đối tượng 15 - 18 tuổi cũng không được làm thêm vào ban đêm để có thời gian học, nghỉ ngơi, phát triển trí lực.

Thủy Trúc

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/quy-dinh-lao-dong-vi-thanh-nien-nhieu-y-kien-trai-chieu-355497.html