Quy định lạc hậu gây nguy hại cho chất lượng giáo dục

Việc quy định trường phổ thông xây cao tối đa 4 tầng là lỗi thời, thậm chí còn chứa đựng nhiều yếu tố có thể phát sinh tiêu cực.

Chính sách phải là bà đỡ cho phát triển

Theo tiêu chuẩn Việt Nam hiện nay, trường tiểu học không nên thiết kế, xây dựng lớn hơn 3 tầng và trường trung học không nên thiết kế, xây dựng lớn hơn 4 tầng.

Việc quy định cứng về số tầng của trường học đang cho thấy nhiều bất cập đặc biệt tại các đô thị lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Thực trạng này được đặt ra hơn chục năm nay nhưng oái oăm là các văn bản có tính quy phạm pháp luật thì vẫn giữ nguyên không thay đổi.

Trong khi thực tiễn phát triển đã chứng minh, việc nâng số tầng của trường học là đúng đắn, là hướng đi để giải quyết bài toán thiếu phòng học ở các thành phố lớn.

Có nên cho phép nâng số tầng hay không đối với các trường phổ thông ở các đô thị lớn một lần nữa được đưa ra bàn thảo sôi nổi khi Bộ Xây dựng tổ chức lấy ý kiến xây dựng Dự thảo QCVN 06: 2019/BXD quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình trong đó có quy định nhà học của trường phổ thông.

Trường Marie Curie với kiến trúc cao tầng, hiện đại là ngôi trường chất lượng cao của giáo dục Thủ đô cho thấy quy định trường học phổ thông không quá 4 tầng đã quá lỗi thời (ảnh báo Hoa học Trò).

Trường Marie Curie với kiến trúc cao tầng, hiện đại là ngôi trường chất lượng cao của giáo dục Thủ đô cho thấy quy định trường học phổ thông không quá 4 tầng đã quá lỗi thời (ảnh báo Hoa học Trò).

Thực tiễn cho thấy việc quy định chiều cao công trình trường học như hiện nay đã quá lỗi thời, như cái vòng “kim cô” đẩy học sinh ở nhiều khu vực thuộc Hà Nội vào những lớp học với sĩ số lên tới 60 học sinh/lớp.

Với sĩ số đông đúc đã dẫn tới hàng loạt các tệ nạn trong giáo dục phát sinh như dạy thêm học thêm trái phép, chạy trường chạy lớp, bạo lực học đường…

Trong bối cảnh toàn ngành giáo dục đang nỗ lực đổi mới thì việc lớp học bị nhồi nhét với sĩ số đông đúc như vậy là một điểm nghẽn gây trở ngại lớn.

Do đó, trước khi nghĩ đổi mới thì cần thiết phải có đủ phòng học và đảm bảo sĩ số học sinh theo quy định (bậc tiểu học 35 học sinh/lớp; bậc trung học cơ sở 45 học sinh/lớp).

Mà muốn đảm bảo được điều đó buộc phải tăng số lượng phòng học, tăng diện tích sử dụng cho hoạt động giáo dục.

Quy định như hiện nay có nhiều bất cập và thực tế có trường được chấp nhận xây lên 7 tầng nhưng có trường khi xây lên tầng 5 hoặc 6 tầng lại buộc phải tháo gỡ hoặc bị xử phạt.

Qua khảo sát của phóng viên, hiện Hà Nội có nhiều trường xây dựng tầng học cao như Newton, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Marie Curie… và đây là những trường đang cung cấp dịch vụ giáo dục chất lượng được nhiều phụ huynh đánh giá cao.

Một trong những lý do các trường học trên cung cấp dịch vụ chất lượng cao đó là họ có nhiều phòng học để tổ chức dạy học, đảm bảo sĩ số 25 đến 35 học sinh/lớp.

Bàn sâu về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Hoàng Hữu Niềm, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Tây Đô, Hà Nội cho rằng, cần thiết phải có quy định cho phép các trường học nâng tầng để đáp ứng nhu cầu về số phòng học.

Theo thầy Niềm, chính sách phải phục vụ tốt cho sự phát triển của xã hội, trong đó có giáo dục chứ không phải theo kiểu khuôn cứng cho dễ quản lý và tự đặt câu hỏi: “Giữa tình trạng một trường cho xây cao tầng nhưng đảm bảo các chuẩn theo yêu cầu về phòng cháy chữa cháy và trường thấp tầng, sĩ số học sinh gần 70 em/lớp học thì cái nào hơn”.

Không cho phép nâng tầng sẽ sinh ra nhiều tiêu cực

Vị này cho rằng, điều quan trọng là cần có quy chuẩn rõ ràng về phòng cháy, chữa cháy để đảm bảo an toàn cho việc tổ chức dạy học ở những tầng cao.

Ngoài ra, ở các tầng cao chỉ nên bố trí các phòng làm việc cho giáo viên, thư viện hoặc các phòng chuyên dụng còn ưu tiên bố trí các tầng dưới để học.

“Cứ khống chế tầng thấp mà nhét 70 học sinh tiểu học vào một lớp là bất cập. Chính sách phải mở, sáng tạo miễn rằng đảm bảo được chuẩn an toàn” - thầy Niềm quan niệm.

Qua trao đổi với thầy Niềm có thể thấy, việc nâng tầng là tất yếu vì quỹ đất ngày càng khó nhất là khu vực nội thành Hà Nội.

Nếu các quy định không chịu thay đổi để phù hợp với thực tế thì dẫn đến tình trạng nhồi nhét học sinh vào những lớp học đông đúc.

Một lần nữa thầy Niềm cho rằng: “Việc nâng tầng hoàn toàn được. Chỉ mong có hành lang pháp lý cho rõ ràng để đảm bảo quy chuẩn phòng cháy, chữa cháy và các quy chuẩn khác đảm bảo việc tổ chức dạy và học an toàn”.

Có thể thấy việc nâng tầng là yêu cầu khách quan. Tuy nhiên, với các quy định pháp lý như hiện nay đang làm khó nhiều cơ sở giáo dục. Trong khi nhiều trường được xây lên 9 tầng thì có những trường học nâng tầng lại bị buộc tháo gỡ, đập bỏ.

Bức tranh nhốn nháo của giáo dục như vậy có phần nguyên nhân đến từ các quy định mập mờ, lạc hậu.

Trước đó, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đưa tin, thầy Nguyễn Văn Hòa chủ tịch Hội đồng quản trị hệ thống giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm cho rằng, tiêu chuẩn Việt Nam chỉ cho phép trường tiểu học xây 3 tầng hay trung học cơ sở xây 4 tầng tồn tại mấy chục năm nay đã rất lạc hậu.

Thời điểm trước đây, đất nước còn nghèo, nhà trường xây gạch với vôi nên không vững chắc. Còn hiện nay, với vật liệu bây giờ thì xây được nhà mấy chục tầng nên về mặt kỹ thuật không có gì phải lo lắng.

Nói quan niệm tầng cao học sinh dễ bị ngã, nhưng thầy Hòa cho rằng tầng 3 hay các tầng 5, tầng 7 đều nguy hiểm nếu ngã. Do đó, như trường Nguyễn Bỉnh Khiêm để đảm bảo an toàn cho học sinh thì phải làm làm rào chắn an toàn nên các phụ huynh hoàn toàn yên tâm.

“Tầng 7, chúng tôi làm rào chắn, trồng nhiều loài hoa nên trở thành một ngôi trường xanh” – thầy Hòa tự hào kể.

Kể về các tiện ích khi được phép nâng tầng và có nhiều không gian để tổ chức hoạt động học tập, thầy Hòa cho biết chỉ bố trí học sinh học từ tầng 5 trở xuống, còn các tầng 6 và 7 là các phòng chức năng, phòng làm việc.

Trước đây, khi chưa nâng tầng, sĩ số học sinh 45 em/lớp, còn nay chỉ còn 35 học sinh/lớp. Phòng học rộng rãi, thoáng mát.

“Nếu các trường học không cho xây cao lên thì đồng nghĩa với sĩ số lớp sẽ đông đúc. Như vậy, chất lượng giáo dục rất khó được nâng lên. Ở Hồng Kông, Đài Loan họ cũng cho xây trường học cao tầng. Như Đài Loan cho xây 7 đến 8 tầng”, thầy Hòa nói.

Trinh Phúc

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/quy-dinh-lac-hau-gay-nguy-hai-cho-chat-luong-giao-duc-post207388.gd